Đây là thông tin được công bố tại “Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2016” do nhiều cơ quan cùng phối hợp tổ chức ngày 24/11 tại TPHCM.
Phí logistics làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt
Hiện nay, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN nhưng Việt Nam đã bị tụt hạng trong năm 2016. Nguyên nhân chính là do thiếu kết nối giữa các phương thức vận tải cùng hạ tầng chưa đồng bộ
Hiện tại, chi phí logistics lại chiếm phần lớn trong giá thành của nhiều ngành hàng tại Việt Nam. Đơn cử với ngành thủy sản chi phí này chiếm hơn 12%, đồ gỗ chiếm 23%, rau quả 29,5% và ngành gạo chiếm đến gần 30% trong giá thành.
Việc phí logistics cao đang đè nặng, khiến giá hàng nhập khẩu vào Việt Nam luôn cao hơn so với thực tế. Điều này đang làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Được biết, hiện tại mức chi phí logistics tại Việt Nam là khoảng 20.5% GDP, cao hơn Thái Lan (6%), Malaysia (12%), và gấp 3 lần so với Singapore.
Vì vậy, việc giảm phí logistics là điều cần thiết và cần phải sớm thực hiện.
Phí logistics cao tại sao?
Ngoài thiếu kết nối giữa các phương thức vận tải cùng hạ tầng chưa đồng bộ khiến chi phí logistics Việt Nam quá cao, kết nối hạ tầng, khả năng xếp dỡ và trung chuyển container còn hạn chế; chi phí trung chuyển giữa đường sông và đường biển còn cao do mức độ container hóa thấp cũng góp phần tăng phí của logistics
Ngoài ra, việc vận tải biển của Việt Nam đang phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài cũng khiến các công ty xuất nhập khẩu Việt Nam chịu chi phí cao và gặp nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, thời gian qua Việt Nam đã đầu tư rất lớn cho đường bộ, chiếm 90% tổng vốn đầu tư cho các loại hình vận tải; đường sắt mức đầu tư khiêm tốn, chiếm chưa tới 3% chi phí đầu tư; đường thủy nội địa mới chỉ chiếm 2,22%... điều này làm mất cân đối trong các phương thức vận tải.
Giải pháp nào cho việc giảm phí logistics
Thừa nhận ngành logistics của Việt Nam đang còn nhiều vấn đề yếu kém, chính sách quản lý của Nhà nước còn chồng chéo…, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay Bộ đang phối hợp với nhiều bộ, ngành, hiệp hội, DN… xây dựng một kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam.
Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm tạo ra bước đột phá về mặt chính sách, tạo cơ chế thuận lợi để các DN logistics Việt Nam củng cố năng lực, thị phần, nhanh chóng gia tăng khối lượng hàng hóa lưu thông, từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Được biết, hiện nay Bộ GTVT cũng đang tiến hành việc rà soát tất cả các hình thức, phương tiện giao thông vận tải; rà soát hệ thống kho bãi… để từ đó xây dựng dữ liệu vận tải và kho vận, hỗ trợ trao đổi dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giúp các phương thức vận tải kết nối với nhau nhanh chóng, hạn chế tối đa phương tiện vận tải chiều về không có hàng hóa, đồng thời kết nối giao thông đường sắt với các cảng biển, khu công nghiệp lớn.
Bộ GTVT cũng phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ TT&TT, Bộ KH&ĐT cùng với WB đang nghiên cứu, xây dựng kế hoạch hành động ưu tiên phát triển logistics quốc gia, đặc biệt là thành lập sàn giao dịch vận tải hàng hóa quốc gia.
Ngoài ra, các cơ quan lãnh đạo cũng cho biết thời gian tới sẽ tập trung cải thiện về cả điểm số và chỉ số xếp hạng về môi trường kinh doanh lẫn chỉ số hoạt động logistics, bãi bỏ những thủ tục hành chính không phù hợp. Cam kết đến cuối năm 2016, thời gian thông quan xuất khẩu từ 21 ngày sẽ giảm xuống còn 10 ngày; thủ tục xuất khẩu dự kiến đến năm 2020 chỉ mất 36 giờ. Thời gian thông quan nhập khẩu từ 21 ngày sẽ chỉ còn 12 ngày và đến năm 2020 còn 41 giờ. Bên cạnh đó sẽ thay đổi căn bản phương thức kiểm tra chuyên ngành.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cho đồng bộ và kết nối được các phương thức vận tải sao cho hài hòa, giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển tối đa.