Tọa đàm về chỉ số hài lòng của người bệnh |
84,5% ý kiến cho rằng “phong bì” chỉ là thể hiện sự biết ơn
Đây là kết quả dựa trên khảo sát gần 7.600 người bệnh tại 60 bệnh viện (BV) trên toàn quốc, do Bộ Y tế và Tổ chức Sáng kiến Việt Nam, Đại học Indiana, Hoa Kỳ thực hiện trong khuôn khổ Dự án được Oxfam Việt Nam, Đại sứ quán Bỉ và Đại sứ quán Hà Lan tài trợ.
Khảo sát dựa trên phỏng vấn qua điện thoại ý kiến đánh giá của người bệnh nội trú đã xuất viện về trải nghiệm ở nhiều khía cạnh then chốt trong quá trình khám, chữa bệnh (KCB). Đây là năm thứ 2, khảo sát được thực hiện thông qua ứng dụng công nghệ di động, điện toán đám mây cho phép thu thập, phân tích dữ liệu. Đặc biệt, số BV được khảo sát nhiều gấp đôi so với năm 2017.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến yêu cầu ngành y tế phải không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ
|
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý KCB - các ý kiến của người bệnh đã được lắng nghe, ghi nhận. Kết quả khảo sát tương đối phù hợp với chất lượng BV. Thực tế này cho thấy ngành y tế đang từng bước thay đổi tư duy “ban ơn” thời bao cấp sang tư duy phục vụ người bệnh với hệ thống KCB đã chuyển mình.
Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) – cho biết: Trong số 60 BV được khảo sát, có 13 BV người bệnh hài lòng nhất và thuộc nhóm xếp hạng “rất tốt”, chiếm 21,7%; 26 BV người bệnh hài lòng và xếp hạng “tốt”, chiếm 43,3%; còn lại 21 BV thuộc nhóm xếp hạng “khá”, chiếm 35%. Năm 2018, yếu tố được hài lòng nhiều nhất là thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế (4,13/5), trong khi chi phí KCB là yếu tố có mức độ hài lòng thấp nhất (3,78/5). Gần 50% người bệnh và gia đình được phỏng vấn cho biết mức độ chi trả thêm bằng tiền túi là ít, trong khi 59% cho biết không phải trả thêm từ tiền túi do được BHYT chi trả toàn bộ. Cũng theo khảo sát này, có 9,5% bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cho biết có “chi phí ngoài” cho nhân viên y tế, nhưng có tới 84,5% ý kiến cho rằng việc chi phí đó là thể hiện sự biết ơn, chứ không phải để mong muốn có dịch vụ tốt hơn. |
Đại diện Tổ chức Sáng kiến Việt Nam lưu ý những yếu tố khiến người bệnh hài lòng nhất là kết quả cung cấp dịch vụ KCB và thái độ ứng xử, chuyên môn, tay nghề của nhân viên y tế, cho thấy người dân ngày càng ghi nhận sự chuyển biến tích cực của ngành y tế về tác phong, thái độ của nhân viên y tế. Ngược lại, yếu tố cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh vẫn có mức độ hài lòng thấp, mặc dù đã có sự cải thiện so với năm trước. Đặc biệt là sự lo ngại của người dân đối với chi phí KCB. Tuy 95% bệnh nhân được hỏi có BHYT, nhưng việc người bệnh ít hài lòng nhất về chi phí KCB cho thấy thách thức không nhỏ của ngành y tế trong việc nâng cao chất dịch vụ KCB tương xứng với chi phí người bệnh bỏ ra.
Người bệnh của các BV tuyến trên có mức độ hài lòng cao hơn, cũng chỉ ra ngành y tế cần phải nỗ lực rất nhiều để cải thiện chất lượng KCB của cơ sở y tế tuyến dưới. Nguời bệnh kém hài lòng nhất ở cả BV tuyến tỉnh và tuyến huyện về cơ sở vật chất lẫn phương tiên phục vụ. Ở các BV, người bệnh ghi nhận sự tiến bộ về tình trạng buồng, giường bệnh, chăn ga, gối đệm, nhà vệ sinh, nhưng cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải cải thiện nhiều hơn nữa.
Tọa đàm làm thế nào để người bệnh hài lòng hơn
|
Bệnh nhân nghèo, người bệnh sống ở nông thôn và người bệnh KCB sử dụng thẻ BHYT có mức độ hài lòng cao hơn bệnh nhân trung lưu và giàu, bệnh nhân sống ở thành thị không có BHYT. Kết quả này thể hiện hiệu quả của chính sách hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho hộ nghèo, đồng thời, những cải tiến mạnh liên quan đến công tác chi trả, thanh toán cho người bệnh có BHYT đã đi vào cuộc sống.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng cho rằng, với những kết quả này, ngành y tế vẫn phải đặt ra câu hỏi: Có tiếp tục làm tốt được không, cả về trước mắt và lâu dài? để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ.
Người bệnh được lấy ý kiến phản hồi về thái độ phục vụ của các nhân viên y tế
|
“Tuy nhiên, việc khảo sát sự hài lòng của người bệnh vẫn còn một số khía cạnh cần được hoàn thiện. Điểm hạn chế lớn nhất là khảo sát hiện đang được tiến hành đối với bệnh nhân và/hoặc người nhà bệnh nhân đang trong quá trình chữa trị. Để có phản hồi trung thực, tin cậy, người bệnh cần được khảo sát trong một khoảng thời gian nhất định sau khi đã xuất viện, nhằm tránh vấn đề "xung đột lợi ích" trực tiếp, có thể dẫn tới phản hồi kém chính xác. Việc phỏng vấn sau khi người bệnh đã xuất viện cũng đảm bảo rằng người bệnh đã trải nghiệm được toàn bộ các khâu của quá trình khám bệnh và điều trị” - đại diện Tổ chức Sáng kiến Việt Nam cho biết.