An toàn người bệnh: Quá nhiều thách thức
Điều này được Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tại hội thảo về an toàn người bệnh và bảo đảm an toàn phẫu thuật do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 2/4.
Toàn cảnh buổi hội thảo ngày 2/4
|
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng cho biết: Trong hệ thống y tế dự phòng, việc chuyển đổi giữa các loại vaccine đã gây ra nhiều tai biến. Việc tiêm vaccine đúng kỹ thuật, như vaccine nào tiêm bắp, tiêm dưới da… cũng đặt ra nhiều vấn đề.
Hoặc, tại các cơ sở y tế, bệnh nhân phải đối mặt với nhiễm khuẩn. “Có người bệnh cao tuổi không may gãy xương đùi, sau vài ngày vào viện đã bị suy đa phủ tạng, nhiễm trùng huyết… Những thứ đó tưởng chừng đơn giản, nhưng lại là bài học từ thế giới mà chúng ta phải khắc phục. Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện không tốt cũng đã gây ra hậu quả nghiêm trọng như vụ chạy thận ở Hòa Bình" - Ông Khuê nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một thách thức khác cũng được đưa ra là việc kiểm soát xét nghiệm. Theo ông Khuê, hiện nay bệnh viện đã quá tải, nhưng nhiều bác sĩ cứ nhìn thấy bệnh nhân là kê xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm máu. Đông bệnh nhân, bác sĩ phải khám nhanh và không thể hiệu quả.
Xét nghiệm là phương tiện, điều kiện giúp các thầy thuốc chẩn đoán, điều trị bệnh tốt. Do đó, cần phải chuẩn hóa xét nghiệm, giúp các bệnh viện liên thông kết quả xét nghiệm, để tăng khả năng điều trị. Nếu kết quả xét nghiệm không chuẩn hóa, người bệnh tốn kém, sức khỏe cộng đồng cũng bị ảnh hưởng.
Các chuyên gia quốc tế tham gia điều khiển phiên thảo luận về an toàn cho người bệnh
|
Còn theo WHO, vấn đề không an toàn trong gây mê, nhiễm trùng trong phẫu thuật và thông tin liên lạc chưa tốt giữa các thành viên trong nhóm phẫu thuật đang rất phổ biến, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Trong khi những yếu tố này hoàn toàn có thể ngăn ngừa được tại tất cả các cơ sở y tế.
“Chúng ta phải đối mặt với những thách thức tưởng đơn giản mà không đơn giản” – PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhận định.
Giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, nhằm khắc phục các thách thức trên, góp phần đảm bảo an toàn cho người bệnh khi đến các cơ sở y tế, nhất là an toàn trong phẫu thuật, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quy định và hướng dẫn thực hiện an toàn người bệnh và phẫu thuật an toàn: Thông tư hướng dẫn hoạt động xét nghiệm trong khám, chữa bệnh, Thông tư hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám, chữa bệnh và Bộ tiêu chí đánh giá mức độ và chất lượng an toàn phẫu thuật.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phát biểu tại hội thảo
|
Trong đó, Bộ tiêu chí có 8 tiêu chuẩn về chất lượng, sẽ được triển khai ở 1.450 bệnh viện tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc phẫu thuật an toàn, đồng thời xây dựng và triển khai các tiêu chuẩn về chất lượng phẫu thuật. Điều này sẽ tác động tích cực tới khoảng 3 triệu ca phẫu thuật mỗi năm.
Bộ Y tế cũng chủ trương đưa các kỹ thuật cao, tiên tiên trên thế giới vào ứng dụng tại các bệnh viện, giúp chẩn đoán bệnh, phẫu thuật để nâng chất lượng giữ chân người bệnh tại Việt Nam và thu hút người bệnh nước ngoài sử dụng dịch vụ, giúp tiết kiệm ngân sách và nguồn lực cho đất nước.
“Là người cung cấp dịch vụ, chúng ta phải đảm bảo dịch vụ đó tốt nhất. Quản lý chất lượng là nhiệm vụ ưu tiên của ngành y tế” – PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ.