Cùng với tác động không ngừng của cải tiến công nghệ toàn cầu, nền kinh tế phẳng thời kỳ 4.0 đang dần định hình những đặc điểm mới cho các cấp quản lý, lãnh đạo tại các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Cụ thể, sự khác biệt nổi bật giữa các cấp quản lý tại Việt Nam với mẫu số chung toàn cầu chính là góc nhìn về các kỹ năng cần có của một ứng viên tài năng trong bối cảnh kinh tế thị trường.
Theo đó, nhóm 4 kỹ năng cần có của ứng viên, theo cấp quản lý Việt Nam chính là (1) tư duy phản biện, (2) kỹ năng công nghệ, (3) trí tuệ cảm xúc và (4) kỹ năng lãnh đạo. Các kỹ năng khác như (1) sự tinh nhuệ - agility, (2) quản trị sự thay đổi, (3) sáng tạo và (4) phân tích dữ liệu lại hầu như không được đề cập đến, dù theo xu hướng thế giới thì đây là những kỹ năng mới quan trọng của các ứng viên.
Khi được hỏi về một công ty lý tưởng, đa phần các ứng viên tham gia khảo sát đều bày tỏ nguyện vọng “đầu quân” về các tập đoàn đa quốc gia và các công ty nước ngoài. Lựa chọn lý tưởng xếp thứ 2 là các công ty khởi nghiệp, cho thấy nhóm ứng viên có lửa kinh doanh khá cao, không ngại thử thách.
Khi định vị hình ảnh “công ty lý tưởng” theo 3 đề mục chính: Phát triển sự nghiệp, Giá trị công việc và Hình ảnh công ty, kết quả khảo sát cũng chỉ ra những quan điểm mới mẻ của các cấp quản lý hiện tại so với trước kia.
Cụ thể, 60% ứng viên tham gia khảo sát đồng ý rằng triển vọng sự nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc lựa chọn nơi làm việc. Hầu hết đều đánh giá cao những lợi ích mang lại từ sự nghiệp của mình, nhất là khi chúng giúp củng cố và nâng cao giá trị bản thân.
Ở khía cạnh giá trị công việc, các ứng viên đánh giá cao cơ hội trải nghiệm và tiếp xúc đa dạng, cũng như tính thách thức mà công việc mang lại.
Khi được hỏi hình ảnh thương hiệu nào giúp thu hút ứng viên tài năng vào công ty, định hướng và chiến lược phát triển của công ty được xem là quan trọng nhất (chếm đến 73,4%).
Ngoài ra, khi xét đến chế độ đãi ngộ - phúc lợi, ứng viên bày tỏ xu hướng ưa thích làm việc cho một công ty có các hình thức phúc lợi đặc biệt như quỹ hưu trí và đặc biệt là nhiều lợi ích dành cho gia đình/người thân (hỗ trợ mua nhà, hỗ trợ học phí cho con cái,...), nhiều hơn là tập trung vào lợi ích cá nhân (mua xe,...).
“Kết quả này cho thấy một tâm lý hết sức đặc biệt của cấp quản lý người Việt, luôn quan tâm vun vén cho gia đình nhưng cũng rất quyết tâm và cam kết đầu tư cho việc phát triển sự nghiệp trong một thị trường sôi động hiện nay. Các doanh nghiệp có thể coi đây là thông tin tham khảo để có những quyết sách phù hợp về các chế độ đãi ngộ của công ty mình nhằm thu hút và giữ chân nhân tài.”, bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương, giám đốc bộ phận Tuyển dụng cấp cao của Talentnet nhận định.
Cũng theo kết quả khảo sát, các nguyên nhân được xem là then chốt có thể khiến nhân viên xem xét đến quyết định nghỉ việc bao gồm: tính chất công việc không phù hợp giá trị cá nhân; quan hệ không tốt với cấp trên trực tiếp; định hướng - chiến lược phát triển của công ty mang tính tiêu cực, không rõ ràng; bị phân biệt đối xử và không được tôn trọng.
Từ những kết quả trên, có thể “phác họa” chân dung mới của các cấp quản lý và lãnh đạo tương lai với những giá trị như: có tầm nhìn chiến lược, chú trọng gia đình, đề cao sự nghiệp, môi trường làm việc chuyên nghiệp và xem trọng giá trị cá nhân.
Được biết, kết quả khảo sát được tổng kết từ ý kiến phản hồi của hơn 360 ứng viên quản lý cấp cao trên khắp cả nước, cộng với những rút trích trọng yếu từ kho dữ liệu của 100.000 ứng viên của bộ phận ESS - Talentnet ở các cấp bậc bao gôm: Giám đốc cấp cao trở lên (Senjor Director up – 5,2%), Giám đốc (Director - 16%), Quản lý cấp cao (Senior Manager – 21,5%), Quản lý (57,5%).