ào tháng 9 năm ngoái, Apple tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm của mình tại San Francisco. Sau khi giám đốc điều hành Tim Cook và các giám đốc khác hoàn thành những bài thuyết trình của mình, có một chàng trai châu Á đã bước lên sân khấu và giới thiệu cho khán giả tác phẩm của mình.
"Hãy cùng xem quả trứng có gì nào. Tuyệt vời! Một con Pikachu!" Khán giả vô cùng hân hoan khi chàng trai trẻ ấy trình diễn trò chơi Pokemon Go trên chiếc Apple Watch của mình.
Chàng trai trẻ đó chính là Tatsuo Nomura, trưởng nhóm phát triển của Pokemon Go, người đã biến tuổi thơ cùng cực, đói nghèo trở thành động lực để có được ngày hôm nay.
Những chia sẻ của Nomura về đứa con tinh thần của mình.
Theo Nikkei, Nomura lớn lên ở một ngôi làng thuộc tỉnh Hắc Long Giang, vùng đông bắc Trung Quốc. Trước khi trời sáng, khi nhiệt độ ngoài trời ở mức âm 30 độ C, anh mà mẹ mình phải đi vòng quanh làng cùng chiếc xe đẩy để bán đậu phụ. Gia đình anh cũng chẳng có đồ ăn, phải ăn cháo bột ngô để sống qua ngày.
Lớn lên với cái tên Shi Lei, anh là cháu của một người phụ nữ bị bỏ lại ở Trung Quốc cùng với hàng triệu người Nhật Bản khác trong những ngày cuối của Thế chiến thứ II. Bà của anh đã kết hôn với một người đàn ông Trung Quốc và có một người con trai, chính là bố của Nomura.
Làng của anh không có ô tô. Mỗi khi Nomura nghe thấy âm thanh của động cơ xe từ phía đằng xa, anh lại nhảy cẫng lên vì phấn khích. Cuộc đời của một cậu bé có niềm đam mê với cách mọi thứ xung quanh mình diễn ra đã sang trang mới khi cậu lên 9. Đó là khi gia đình của cậu trở về "nhà", Nhật Bản.
Họ chuyển đến tỉnh Nagano, cách Tokyo 170km về phía tây bắc, nơi họ hàng của mình sinh sống. Cậu bé đã có một cái tên Nhật mới cho mình - Nomura là tên từ thời con gái của bà nội cậu, và Tatsuo thì được lấy từ sách giáo khoa tiếng Nhật cho học sinh tiểu học. Nomura đã không thể giao tiếp với bạn bè mới của mình bằng tiếng Nhật. Điều đã gắn kết anh với bạn bè mình chính là trò chơi điện tử. Anh vẫn nhớ mình đã sốc ra sao khi một người bạn của anh cho anh chơi thử phiên bản đầu tiên của trò Pokemon.
Nomura được sinh ra với cái tên Shi Lei, cháu nội của một phụ nữ bị bỏ lại ở Trung Quốc sau Thế chiến thứ II. Lên 9 tuổi, gia đình anh chuyển đến Nagano, trung tâm Nhật Bản (ảnh: Akiyoshi Inoue)
Niềm đam mê của cậu bé ấy đã chuyển sang trò chơi điện tử và cách chúng được tạo ra. Anh đã mua một chiếc máy tính bằng tiền mình dành dụm được khi đi giao báo và tự mày mò cách lập trình. Ở đại học Shinshu, anh đã tự tạo ra một chiếc "máy tính gia đình" của mình - một thiết bị điện tử cầm tay giống với chiếc Family Computer danh tiếng của Nintendo lúc bấy giờ, còn được biết đến với cái tên NES (Nintendo Entertaining System). Giáo sư Satoshi Matsuoka, người trực tiếp giám sát nghiên cứu của Nomura tại trường đại học đã đánh giá rất cao các bài báo nghiên cứu về siêu máy tính của anh tại Học viện Công nghệ Tokyo.
Nomura đã gia nhập chi nhánh của Google tại Nhật Bản và sau đó chuyển đến làm việc tại trụ sở chính của công ty tại Mỹ. Ở đây anh đã có ý tưởng kết hợp Google Maps với việc săn Pokemon, tiền đề của Pokemon Go. Anh đã được chọn làm trưởng nhóm phát triển của trò chơi. Tsunekazu Ishihara, chủ sở hữu công ty Pokemon, người nắm giữ bản quyền hình ảnh của các nhân vật, cho biết ông chọn Nomura vì "anh có sự phong phú vượt qua mọi biên giới."
Niantic, công ty con của Google đã ra mắt Pokemon Go vào mùa hè năm 2016; nó đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng "lây lan" toàn xã hội, thu hút hơn 600 triệu người dùng trên toàn thế giới. Theo thống kê, chỉ chưa đầy một năm, công ty này đã có giá trị lên đến 3,6 tỷ USD.
Cuộc đời của Nomura trở thành một câu chuyện mà chúng ta sẽ muốn kể cho con cháu mình, vì nó như một điều thần kì vậy. Anh có chia sẻ rằng mình biết ơn Nhật Bản hơn là Mỹ. Anh tin rằng mình sẽ khó có thể theo học được ở một nền giáo dục tiên tiến như Mỹ vì chi phí quá đắt đỏ, và Nhật Bản đã trao cho anh đôi cánh để có thể bay cao.
Theo Nikkei, kể từ khi được khai sinh, Mỹ luôn là vùng đất màu mỡ để con người đến và thực hiện ước mơ của mình. Nhưng dường như đất nước này đang tự tay loại bỏ đi điều ấy, và tiêu biểu nhất chính là việc Donald Trump đắc cử làm Tổng thống.
Liệu "những kẻ mộng mơ" ấy có tìm cho mình được một bến đỗ khác? Liệu Châu Á có thể vươn lên trở thành nơi ươm mầm những hạt giống ước mơ của con người? Câu trả lời vẫn còn là một ẩn số, tuy nhiên chắc chắn nó sẽ là sự khởi đầu của một vòng quay phát triển kinh tế mới.