Theo PhoneArena, cuộc chiến pháp lý giữa Apple và Qualcomm đã kéo dài hơn sáu tháng nay, sau khi 2 gã khổng lồ công nghệ này đồng loạt kiện nhau ra tòa án. Tuy nhiên, "mắt bão" dường như đã xoay chuyển khi mới đây Steve Mollenkopf – Giám đốc điều hành của Qualcomm cho biết tại hội nghị Công nghệ Brainstorm ở Aspen rằng, ông muốn giải quyết các tranh chấp mà không cần thông qua tòa án. Ông nói: "Không có gì mới xảy ra ... những tranh chấp có thể được giải quyết bên ngoài tòa án và không có lý do gì để tôi phải mong đợi điều đó xảy ra ở đây".
Chỉ có khoảng 1% trong tất cả hồ sơ tố tụng cao cấp của tòa án kết thúc bằng phán quyết của thẩm phán vì 99% trường hợp khác thường được giải quyết thông qua các cuộc tranh luận dài và dữ dội giữa các luật sư. Thông thường, nó thường kết thúc bằng sự đồng ý một khoảng thanh toán khổng lồ của một trong các bên.
Điều chúng ta quan tâm là ai sẽ trả tiền cho ai trong trường hợp này: Apple hay là Qualcomm?
Trung tâm của cuộc chiến pháp lý là số tiền lệ phí cấp giấy phép Apple phải trả cho nhà sản xuất chip để sử dụng các công nghệ trên iPhone. Apple cho rằng một số khoản thu của Qualcomm là quá cao và sau đó giữ lại một số khoản phí mà lẽ ra họ phải trả cho Qualcomm. Vấn đề là Qualcomm tính phí theo tỷ lệ phần trăm tổng giá của một thiết bị, Apple cho rằng cách tính này làm tăng giá trị cho nhà sản xuất linh kiện và công nghệ mà họ không đóng góp.
Tuy nhiên, Qualcomm vẫn khẳng định rằng khoản tiền bản quyền được yêu cầu không liên quan đến một con chip duy nhất trong iPhone mà là từ các công nghệ mà không có nó thì iPhone và những chiếc điện thoại khác không thể sản xuất được. Tranh chấp leo thang đến mức Qualcomm đã yêu cầu một lệnh cấm nhập khẩu điện thoại của Apple (sử dụng modem của Intel) vào Mỹ.
Tuyên bố gần đây của Mollenkopf dường như là sự khởi đầu của sự kết thúc. Chắc chắn sau tuyên bố này, 2 công ty sẽ có những đàm phán về các mức phí để giải quyết tranh chấp.