CEO Google, Twitter, Facebook bị ‘nướng chín’ trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Phiên điều trần Google, Facebook, Twitter vừa kết thúc trong không khí sục sôi, căng thẳng. Tuy nhiên, một nghị sỹ Mỹ gọi đây là “trò giả dối”.
CEO Google, Twitter, Facebook bị ‘nướng chín’ trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ
CEO Google, Twitter, Facebook bị ‘nướng chín’ trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ

Do ảnh hưởng của Covid-19, lãnh đạo Google, Facebook, Twitter tham dự phiên điều trần qua hình thức trực tuyến. Tại đây, các Thượng Nghị sỹ trong Ủy ban thương mại đã chất vấn CEO ba hãng công nghệ lớn về chính sách kiểm duyệt nội dung.

CEO Facebook Mark Zuckerberg
CEO Facebook Mark Zuckerberg

Một số nhà lập pháp yêu cầu minh bạch hơn, trong khi số khác muốn nghe giải thích về vài trường hợp cụ thể mà nội dung bị xóa hay dán nhãn. Dù chủ đề của phiên điều trần tập trung vào Điều 230, các Thượng Nghị sỹ lại bỏ qua bản tóm tắt và “vặn” các lãnh đạo Facebook, Google, Twitter về những chủ đề khác như độc quyền, thông tin sai sự thật về bỏ phiếu và can thiệp bầu cử.

CNN nhận xét toàn bộ phiên điều trần mang tính đảng phái cao, trong đó các nhà lập pháp "bắn tỉa" nhau liên tục bằng các câu hỏi. Đó là một cuộc điều trần gần như không có nội dung và không chạm đến những vấn đề chính sách, các CEO cũng chỉ ngồi đó để hứa hẹn về một tương lai minh bạch hơn.

CEO Twitter Jack Dorsey
CEO Twitter Jack Dorsey

Chủ tịch Ủy ban Roger Wicker mở đầu phiên điều trần bằng việc chỉ trích các hãng công nghệ vì “tiêu chuẩn kép rõ ràng” gây bất lợi cho nội dung bảo thủ trên mạng xã hội. Theo ông, Điều 230 bảo vệ các hãng công nghệ khỏi trách nhiệm vì quyết định kiểm duyệt nội dung phải được thay đổi. “Đã đến lúc vé vào cổng miễn phí này phải chấm dứt”.

Thượng Nghị sỹ Maria Cantwell của Đảng Dân chủ bày tỏ hi vọng phiên điều trần sẽ không gây hiệu ứng ngược đến các nỗ lực giảm thông tin sai sự thật, đặc biệt xoay quanh bầu cử và Covid-19, của các công ty.

CEO Google Sundar Pichai
CEO Google Sundar Pichai

Brian Schatz và các Thượng Nghị sỹ khác của Đảng Dân chủ chỉ trích thời điểm tổ chức phiên điều trần, đó là chỉ chưa đầy một tuần trước cuộc bầu cử 2020.

Trong khi đó, Thượng Nghị sỹ Ted Cruz của Đảng Cộng hòa nổi giận đùng đùng đối với CEO Twitter Jack Dorsey vì nền tảng hạn chế nội dung của tờ New York Post. Ông kết luận bằng cách hét vào mặt Dorsey: “Ngài Dorsey, cái quái quỷ gì đã bầu ngài và để ngài chịu trách nhiệm thứ mà báo chí được phép đưa tin và cái gì người Mỹ được phép lắng nghe vậy?". Cruz còn hỏi Dorsey rằng Twitter có khả năng can thiệp bầu cử không và nhận được câu trả lời “Không”.

Các nghị sỹ Đảng Cộng hòa liên tục nhắc tới việc Twitter không hành động gì với các tweet của lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei trong khi lại dán nhãn tweet của Tổng thống Donald Trump như một ví dụ cho cách vận hành chính sách kiểm duyệt không đồng nhất của nền tảng.

CEO Google Sundar Pichai khẳng định cách tiếp cận của hãng không mang tính thiên vị chính trị. Ông cho biết mục tiêu và sứ mệnh của Google là giúp mọi người tiếp cận được thông tin dù họ sống ở đâu hay họ tin vào điều gì.

Trong bài phát biểu mở đầu, Dorsey nói việc hạn chế Điều 230 có thể kìm hãm đổi mới trong khởi nghiệp và củng cố hơn nữa sự thống trị của các hãng công nghệ lớn. Ông đề xuất Điều 230 nên được mở rộng để yêu cầu các công ty cung cấp giải thích rõ ràng hơn về quyết định kiểm duyệt nội dung, quy trình kháng nghị đơn giản và cho phép người dùng lựa chọn thuật toán phục vụ nội dung trên mạng xã hội.

Các công ty đã viện dẫn Luật liên bang – cụ thể là Điều 230 trong Đạo luật chuẩn mực truyền thông – để loại bỏ các vụ kiện tụng tốn kém liên quan tới tin nhắn, video và nội dung khác do người dùng đăng tải. Theo Điều 230, các “dịch vụ máy tính tương tác” được xem là tách biệt về pháp lý với người dùng tạo ra nội dung.

CEO Facebook Mark Zuckerberg nhấn mạnh tầm quan trọng của Điều 230 trong bài phát biểu song nói rằng các nhà lập pháp phải đóng vai trò trong việc quyết định nội dung nào có thể chấp nhận. Đó là lý do vì sao ông kêu gọi tăng cường quản lý.

Những cuộc tấn công nhằm vào Điều 230 leo thang trong vài ngày gần đây khi Facebook và Twitter hạn chế tiếp cận hàng loạt bài báo của New York Post, một tờ báo theo khuynh hướng bảo thủ. Facebook cho biết quyết định “giảm lượt phân phối” của bài báo là do quy trình xác minh trong chính sách chống lại thông tin sai sự thật. Twitter cấm người dùng đăng các liên kết dẫn đến bài báo của New York Post về con trai của ứng viên Tổng thống Biden do chính sách chống lại việc lan truyền “nội dung bị hack”.

Phiên điều trần đã kết thúc mà không đưa ra được kết luận nào và dường như cũng không thể tác động đến vận mệnh của ba đại gia công nghệ này. Lý do rất đơn giản: Không ai thống nhất được vấn đề là gì chứ chưa nói tới giải pháp. Do các công ty quá lớn, chạm đến nhiều mặt trong đời sống, các nhà lập pháp gần như không thể tập trung vào một vấn đề duy nhất chỉ trong khoảng thời gian ít ỏi.

CNN mô tả phiên điều trần bằng hai từ ngắn gọn: Vô ích, vô giá trị.

Theo ICTNews