Lãnh đạo công ty cổ phần công nghệ DTT, ông Nguyễn Thế Trung cũng là gương mặt châu Á duy nhất trong số những cá nhân được tôn vinh trong năm nay của ngôi trường có sinh viên từ hơn 100 quốc gia trên thế giới đang theo học.
Đại học Công nghệ Sydney mới đây được xếp số 1 tại Úc và thứ 21 trong Top 50 trường thế giới dưới 50 tuổi, theo xếp hạng của Times Higher Education World University Rankings. Được thành lập từ năm 1964 với tên gọi New South Wales Institute of Technology, năm 1988, trường được đổi tên thành Đại học Công nghệ Sydney và nhanh chóng xây dựng được danh tiếng quốc tế vì sự vượt trội trong hoạt động giảng dạy định hướng nghề nghiệp và nghiên cứu thực tiễn.
CEO Công ty DTT Nguyễn Thế Trung vốn là học sinh chuyên Toán Tổng hợp Hà Nội, từng giành giải Nhì Toán quốc tế năm 1995 tại Canada. Năm 1996, ông Trung sang Úc học ngành CNTT tại Đại học Công nghệ Sydney, theo diện sinh viên được nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Úc.
Tại thời điểm mới là sinh viên năm 4, mặc dù chưa tốt nghiệp, ông Nguyễn Thế Trung đã làm Giám đốc R&D cho một công ty của Úc với mức lương 70.000 đôla Úc/ năm, quản lý nhiều nhân viên có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ.
|
Năm 2003, ông Nguyễn Thế Trung về nước và lập Công ty công nghệ DTT. Dưới sự lãnh đạo của vị CEO này, đến nay DTT đã trở thành một trong những công ty công nghệ uy tín tại Việt Nam, cung cấp các giải pháp và dịch vụ CNTT - viễn thông khép kín và toàn diện cho mọi khách hàng trên toàn thế giới.
Tại thị trường Việt Nam, DTT là nhà cung cấp các giải pháp Chính phủ điện tử và giải pháp tích hợp tổng thể cho các doanh nghiệp, tổ chức. Hầu hết các bộ, ngành chủ chốt cũng như các công ty và tổ chức tài chính lớn tại Việt Nam đã và đang là khách hàng của DTT.
DTT cũng là doanh nghiệp đã tiên phong triển khai mô hình hợp tác công - tư (PPP), phát huy hiệu quả và chất lượng của các dịch vụ hạ tầng xã hội trong các lĩnh vừa giáo dục, y tế, giao thông vận tải và văn hóa trên nền tảng tri thức CNTT.
Đồng thời, DTT là đơn vị tiên phong và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng giáo dục STEM tại Việt Nam. Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học. Các kiến thức và kỹ năng này (gọi là kỹ năng STEM) phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau, giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.