Chiều 14/9/2016, tại trụ sở Bộ Thông tin truyền thông (Bộ TT&TT), Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với Bộ TT&TT về kế hoạch, nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh.
Bài toán đặt ra cho các nhà quản lý
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhận định: Hiện nay, các đô thị lớn là các đầu tàu kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả đất nước. Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục thống kê năm 2015, 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) và 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai tuy chỉ chiếm 5,5% diện tích cả nước, 26,7% dân số, 24,9% lao động nhưng đóng góp 52,6% GDP, 71,4% thu ngân sách và 48,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Năng suất lao động bình quân đầu người của 7 tỉnh thành này gấp 3,3 lần năng suất lao động bình quân của 56 tỉnh còn lại. Cường độ hoạt động kinh tế (GDP/diện tích) gấp 19 lần; Cường độ hoạt động ngân sách (thu ngân sách/diện tích) gấp 42,7 lần. Từ những con số trên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Quản lý đô thị phải khác với quản lý nông thôn, cần phải quản lý nhanh, kịp thời, với cường độ cao.
Đến năm 2025, diện tích đô thị khoảng 10% diện tích cả nước, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 50% dân số, tạo ra khoảng 75% GDP. Môi trường sống phải tốt hơn; Người dân được chính quyền và doanh nghiệp phục vụ tốt hơn; Người dân tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền; Thành phố phát triển bền vững. Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của giám sát của người dân và coi đây là động lực thúc đẩy chính quyền trở nên năng động, hiệu quả hơn.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, đô thị thông minh ở đây cần được hiểu là sử dụng CNTT để giải quyết bốn vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa một cách hiệu quả hơn. Đó là: Dân số đô thị tăng, số đô thị tăng…từ đó gây áp lực lên môi trường, giao thông, dịch vụ y tế, nhà ở…; Hạ tầng (điện, nước, giao thông) lạc hậu, quá tải; Cạnh tranh kinh tế giữa các đô thị, giữa các vùng tăng; Đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng (môi trường, giáo dục, y tế, chính quyền…).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Nhân lưu ý đô thị thông minh không phải đơn thuần là đầu tư cho CNTT. Bản thân CNTT không thể giải quyết các vấn đề bức xúc trong quá trình đô thị hóa. Đô thị thông minh phải xuất phát từ nhu cầu của người lãnh đạo, là bài toán của các nhà quản lý. Người lãnh đạo ở đây chính là Chủ tịch, Bí thư tỉnh ủy, không phải là Giám đốc Sở TT&TT.
Với mong muốn nhanh chóng xây dựng thành phố thông minh, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã gợi ý phương hướng phát triển của đô thị thông minh bằng chiến lược 2 cánh, 4 giải pháp, 5 mục tiêu, 10 nhiệm vụ.
Về 5 mục tiêu của đô thị thông minh, Chủ tịch nhấn mạnh gồm: Hiệu quả kinh tế ở các đô thị ngày càng cao (đến năm 2025, diện tích đô thị chiếm khoảng 10% diện tích cả nước, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 50% dân số, tạo ra khoảng 75% GDP); Môi trường sống ngày càng tốt hơn; Người dân được phục vụ tốt hơn; Người dân tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền; Thành phố phát triển bền vững.
4 giải pháp đó là: Chính quyền dự báo phát triển bền vững; Chính quyền hỗ trợ quyết định “tối ưu” của 4 chủ thể (hiệu quả kinh tế, xã hội, cá nhân) để hiệu quả sử dụng các nguồn lực ngày càng cao hơn, cuộc sống ngày càng thông minh hơn, hạnh phúc hơn; Phát triển và khai thác Không gian mạng; người dân tham gia quản lý hỗ trợ chính quyền.
15 nhiệm vụ triển khai đồng thời
Để thực hiện tất cả những việc trên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã đề xuất Chiến lược 2 cánh và 10 nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn 2016 – 2020.
Cánh 2 là Quản lý ngành thông minh – Công dân thông minh – Doanh nghiệp thông minh, gồm 8 nhiệm vụ: Quản lý Xây dựng thông minh; Quản lý Giao thông thông minh; Quản lý Môi trường thông minh; Chính quyền thông minh – Doanh nghiệp thông minh; Chính quyền thông minh – Công dân thông minh; Chính quyền thông minh – Dịch vụ thông minh (giáo dục, y tế, khu đô thị, điện, nước, du lịch, vận tải,…); Nông nghiệp thông minh; Quản lý trật tự - trị an thông minh.
Để việc triển khai xây dựng thành phố thông minh, đô thị thông minh thực sự hiệu quả, khả thi và đáp ứng đúng nhu cầu của người dân, Chủ tịch UB MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ TT&TT triển khai 3 việc.
Một là quyết liệt chỉ đạo việc xây dựng chính phủ điện tử, tiếp đến là chính phủ thông minh, xã hội thông minh.
Hai là giao Tập đoàn VNPT xây dựng phương án mẫu, giải pháp khung tương đối chi tiết để làm thành phố thông minh, sớm đi chào hàng.
Ba là về truyền thông, cần tích cực phản ánh nỗ lực của các địa phương đang làm đô thị thông minh.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, hiện trên thế giới có rất nhiều nước đã triển khai thành phố thông minh, quốc gia thông minh, nhưng trong khu vực chỉ có mỗi Singapore là nước đầu tiên triển khai. Vì vậy, Chủ tịch hi vọng Bộ TT&TT sẽ quyết tâm làm CNTT, có thể phấn đấu để trở thành quốc gia thứ 2 trong ASEAN triển khai thành phố thông minh.
Đồng ý với quan điểm của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định đô thị thông minh sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực quản lý đô thị, cải thiện hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng đô thị, giải quyết các vấn đề cấp bách của đô thị hiện đại, nâng cao đời sống của người dân.
Bộ trưởng khẳng định 4 giải pháp, 5 mục tiêu và 10 nhiệm vụ Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã nêu là những tiền đề, gợi ý rất quan trọng, giúp Bộ TT&TT và chính quyền đô thị trong cả nước có nền tảng cơ sở để tiếp tục phát triển đô thị thông minh tại từng địa phương.
Bộ trưởng cũng đặt ra vai trò, trách nhiệm của ngành TT&TT đối với yêu cầu phát triển, xây dựng thành phố thông minh. Đó là đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình ứng dụng CNTT tại các thành phố lớn; Xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn Thành phố thông minh (có mấy loại Thành phố thông minh, thông minh đến đâu, cấp độ nào…); Tình hình ứng dụng CNTT ở Việt Nam nói chung và các thành phố đáp ứng đến đâu cho việc xây dựng thành phố thông minh? Trong thời gian ngắn sắp tới, hiện trạng này cần phải được cải thiện như thế nào?
Vì việc xây dựng thành phố thông minh hướng tới quốc gia thông minh là nhiệm vụ rất lớn nên Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, Chính phủ cần đặt hàng các doanh nghiệp CNTT lớn của ngành TT&TT như VNPT, Viettel, FPT, MobiFone... có những đầu tư sớm cho công nghệ thành phố thông minh, để khi cần có thể đáp ứng được ngay những tiêu chí cũng như yêu cầu năng lực của chính quyền các thành phố khi lựa chọn đối tác xây dựng thành phố thông minh.
Ngoài ra, cần sớm triển khai xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung của quốc gia và các tỉnh, thành phố với cơ chế kết nối thuận tiện, rõ ràng. Bên cạnh việc xây dựng các thành phố thông minh cũng cần tính đến xây dựng các Bộ, ngành, chính quyền thông minh để vận hành một cách đồng bộ, hiệu quả, Bộ trưởng nhấn mạnh.