Thêm 110 bác sĩ giúp bệnh nhân thoát gánh nặng đột quỵ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Thêm 11 0 bác sĩ vừa được nhận chứng chỉ đào tạo y khoa liên tục về phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ.

Thêm 110 bác sĩ có thể giúp bệnh nhân thoát gánh nặng đột quỵ (Ảnh: Hải Linh)
Thêm 110 bác sĩ có thể giúp bệnh nhân thoát gánh nặng đột quỵ (Ảnh: Hải Linh)

Ngày 26/11, tại Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM đã diễn ra lễ bế giảng và trao chứng chỉ Đào tạo y khoa liên tục cho 110 bác sĩ, kỹ thuật viên hoàn thành khoá tập huấn Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ.

Khoá tập huấn phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ thứ 54 được tổ chức từ ngày 23/11 đến 26/11, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hoà Áo (Chương trình AVANT- Phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ) đã được Bộ Y tế phê duyệt.

Theo thống kê của các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố, trong từng chu kỳ 3-5 năm, số lượng bệnh nhân đột quỵ phải điều trị nội trú cuối chu kỳ tăng từ 1,7-2,5 lần so với năm đầu chu kỳ. Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 sau bệnh ung thư và tim mạch, đứng hàng đầu về tàn tật.

Mặc dù tỷ lệ tử vong do đột quỵ từ năm 2013 đến nay giảm 17% so với trước đây nhưng số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng mạnh, chiếm 90% với nhiều di chứng nặng như: liệt nửa người, rối loạn nuốt, viêm phổi, co cứng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm. Hậu quả là bệnh nhân trở thành người tàn tật, không còn khả năng tự chăm sóc bản thân, là gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Ths.Bs.Nguyễn Đức Thành – Trưởng khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh phát chứng chỉ đào tạo y khoa liên tục tại khoá tập huấn phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ

Ths.Bs.Nguyễn Đức Thành – Trưởng khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh phát chứng chỉ đào tạo y khoa liên tục tại khoá tập huấn phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ

DS. Lâm Thanh Hải, đại diện Ever Pharma Việt Nam cho biết: “Các bác sĩ, kỹ thuật viên sau khi hoàn thành khoá học sẽ được cấp chứng chỉ đào tạo liên tục, tương đương 48 giờ học quy đổi của Tổng hội Y học Việt Nam, Tổ chức đột quỵ thế giới và Hội Phục hồi chức năng Việt Nam. Mục tiêu của chương trình sau 5 năm sẽ tổ chức 100 lớp tập huấn cho 6.000 cán bộ y tế và 150 lớp tập huấn dành cho người nhà bệnh nhân được đào tạo kỹ năng phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ”.

“Cho đến nay, sau 3 năm thực hiện (2017-2020), chương trình đã tổ chức 6 lớp tập huấn tại Cộng hoà Áo với 38 giáo sư, bác sĩ và kỹ thuật viên ở các bệnh viện lớn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; trên 60 lớp với hơn 4.000 bác sĩ và kỹ thuật viên trong nước; hơn 120 lớp với hơn 3.000 người nhà bệnh nhân được đào tạo kỹ năng phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ” - DS Lâm Thanh Hải cung cấp chi tiết.

Thông qua các khoá tập huấn, truyền tải kiến thức chung về đột quỵ gồm; cách nhận biết, điều trị, phòng ngừa tái phát và các bài tập phục hồi chức năng như: Cách di chuyển bệnh nhân trên giường, cầm nắm, vận động các chi để cải thiện và điều hoà trương lực cơ; các bài tập vận động xương khớp vai, các bài tập giúp người bệnh hoạt động sinh hoạt hàng ngày như: mặc áo, đánh răng; các bài tập kỹ năng vận động trong tư thế ngồi, giậm chân và chuyển trọng tâm, tư thế đứng tập chân trụ, tập đi, tập leo cầu thang,… được tuyển chọn kỹ lưỡng bởi các nhà thần kinh học cùng các chuyên gia phục hồi chức năng thần kinh hàng đầu từ Cộng hoà Áo.

Ths. Lê Thị Hạ Quyên - Phó khoa Phục hồi Chức năng, BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM - hướng dẫn thực hành hoạt động trị liệu cho bệnh nhân đột quỵ (Ảnh: Hải Linh)

Ths. Lê Thị Hạ Quyên - Phó khoa Phục hồi Chức năng, BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM - hướng dẫn thực hành hoạt động trị liệu cho bệnh nhân đột quỵ (Ảnh: Hải Linh)

Một vấn đề thiết yếu trong chăm sóc bệnh nhân ngay từ giai đoạn đầu tại các cơ sở điều trị cấp tính là phục hồi chức năng. Đối với những bệnh nhân bị di chứng đột quỵ não sau khi xuất viện, họ vẫn cần được tiếp tục chữa trị để phục hồi chức năng thần kinh tại nhà hoặc các trung tâm phục hồi chức năng địa phương.

Sau khi kết thúc các khoá tập huấn bài bản, các bác sĩ, kỹ thuật viên sẽ trở thành những chuyên gia, giảng viên để tiếp tục phổ biến các kiến thức phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ mới tại bệnh viện, chia sẻ với các bệnh viện trong khu vực và người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân.