Cái giá của đánh đổi và lựa chọn

Vậy là nguyên nhân cá chết hàng loạt ở vùng biển Bắc Trung bộ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra. Nhưng, để giải quyết hậu quả của câu chuyện “cá chết” thì không đơn giản, bởi nó liên quan đến chính sách phát triển kinh tế kiểu… đánh đổi của chúng ta.
Đường ống xả thải nối liền từ khu vực dự án Formosa ra biển Ảnh: thanhnien.vn
Đường ống xả thải nối liền từ khu vực dự án Formosa ra biển Ảnh: thanhnien.vn

Từ câu chuyện cá chết

Tại cuộc họp báo đêm 27-4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, cá chết có thể do: (i) tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền, trên biển; (ii) thủy triều đỏ (tảo biển nở hoa).

Nhưng nguyên nhân “thủy triều đỏ” có thể loại bỏ vì hiện tượng này dễ nhận biết bằng trực quan - nước biển có chất dính, mùi tanh hôi, đổi màu (sang tím, hồng, đỏ hoặc xanh lá); nên chỉ còn một nguyên nhân - do độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người.

Cho nên, vấn đề mấu chốt là hoạt động nào của con người đã thải các độc tố hóa học vào vùng biển Bắc Trung bộ gây cá chết hàng loạt? Có phải các độc tố hóa học đó có nguồn gốc từ hoạt động xả thải của các nhà máy tại khu công nghiệp Vũng Án (Hà Tĩnh), mà điển hình là Công ty Formosa - có đường ống khổng lồ xả thải ra biển?

Tại cuộc họp báo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định hiện chưa có bằng chứng về mối liên hệ giữa hoạt động của Formosa và các nhà máy với hiện tượng cá chết hàng loạt. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói: “Đây là vấn đề phức tạp và đòi hỏi phải có thời gian mới phát hiện được”.

Nhưng PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF), nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, cho rằng nếu biển ô nhiễm do nguồn thải từ đất liền thì hiện tượng cá chết phân bố dọc bờ từ bắc xuống nam như đã diễn ra chứng tỏ nguồn ô nhiễm đến từ phía bắc, tức từ Hà Tĩnh.

Bởi vì, theo ông Hồi, trong vùng biển ven bờ tây Vịnh Bắc Bộ có một dòng chảy dọc bờ tương ứng với với khu vực biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế có độ sâu 20 - 30 mét nước. “Chính dòng chảy này là động lực lan truyền chất gây ô nhiễm xuống phía nam”, ông Hồi nói.

Từ phân tích của ông Hồi “nhìn lại” phát ngôn của ông Chu Xuân Phàm, người là Trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội trước khi bị cách chức đầu tuần này, thấy có gì đó liên quan. Bởi vì, khi được hỏi, tại sao từ khi nhà máy Formosa hoạt động thì vùng biển quanh đường ống xả thải ngầm của Formosa ra biển không còn tôm, cá; thì ông Phàm trả lời rằng: "Hai cái này mình phải lựa chọn một, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay tôi muốn xây dựng một ngành thép hiện đại? Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này. Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…”

Câu trả lời của ông Phàm khiến dư luận phẫn nộ nhưng nó cho thấy một thực tế là ông ấy nói rất thật lòng. Cho nên, cộng với phân tích của ông Nguyễn Chu Hồi ở trên, các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể điều tra nguồn gây ô nhiễm theo hướng: do hoạt động xả thải từ Formosa và các nhà máy ở khu vực Hà Tĩnh.

Thực tế, trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ mới đây về việc liệu có đủ cơ sở để nói Formosa không liên quan đến hiện tượng cá chết, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói: “Ai nói không liên quan. Đến thời điểm này, về mặt pháp luật Formosa hoạt động theo đúng pháp luật Việt Nam. Về mặt xả ra môi trường gây cá chết hay không thì chưa đủ căn cứ để kết luận…”.

Và chuyện đánh đổi trong phát triển

Ngày 27-4, trong buổi thảo luận với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và các chuyên gia kinh tế về thu hút đầu tư ngành dệt nhộm vào địa phương này, ông Phan Chánh Dưỡng, giảng viên thực tiễn lĩnh vực quản lý, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đã dẫn câu chuyện thời sự về hiện tượng cá chết hàng loạt nghi do Formosa xả thải như là một minh chứng sống động.

Theo ông Dưỡng, sự phát triển công nghiệp hóa nào cũng có sự đánh đổi về môi trường, xã hội... Vấn đề là chúng ta phải xem xét thật kỹ càng từng dự án [khi cấp phép] để sự ảnh hưởng tiêu cực của nó đến môi trường, xã hội… có thể chấp nhận được! Chứ như bây giờ để hiện tượng ô nhiễm, cá chết như vậy thì Việt Nam cũng thiệt hại; mà đóng cửa Formosa Việt Nam cũng thiệt hại.

Là người “khai sinh” ra Khu chế xuất Tân Thuận (hiện là Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Khu chế xuất Tân Thuận), ông Phan Chánh Dưỡng từng tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ông tâm sự, rằng muốn nhà đầu tư đầu tư vào Việt Nam thì chính sách ưu đãi phải hấp dẫn. Mà thực tế, suốt một thời gian dài nhiều tỉnh thành trong cả nước đã trải thảm đỏ đón các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Dưỡng, các nhà đầu tư khi vào Việt Nam họ đều có tính toán, đó là ngoài giá nhân công rẻ, họ còn được ưu đãi về đất đai, thuế… và cả chi phí xử lý môi trường. Mặc dù không nói ra nhưng cả nhà đầu tư và chính quyền đều biết điều đó. Nếu chúng ta quá khắt khe thì nhà đầu tư không vào, chúng ta mất cơ hội phát triển. Nhưng nếu chúng ta quá dễ dãi thì hậu quả về môi trường, xã hội nhiều khi còn lớn hơn lợi ích mà dự án đó mang lại.

Cho nên, vấn đề là phải cân nhắc kỹ càng khi xem xét một dự án nào đó.

Ông Dưỡng cũng chia sẻ về trường hợp mà ông phải cân nhắc rất nhiều khi cho một doanh nghiệp thuộc da vào Khu công nghiệp Hiệp Phước. Lúc đầu ông không đồng ý để doanh nghiệp này vào Hiệp Phước vì ngành này thường gây ô nhiễm. Nhưng rồi ông nghĩ lại, nếu không có doanh nghiệp thuộc da thì ngành da giầy làm sao phát triển. Thế là ông đồng ý với sự cam kết xử lý triệt để chất thải của doanh nghiệp. Nhưng rồi họ vẫn vi phạm nên phải kiểm tra thường xuyên để hạn chế sự vi phạm đó.

Vì vậy, trở lại vấn đề của tỉnh Tây Ninh, ông Dưỡng cho rằng chính quyền tỉnh Tây Ninh cần thận trọng khi đánh giá cấp phép cho các dự án dệt nhuộm. Bởi vì, hiện nay đang có một làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này của các nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan để đón đầu cơ hội từ việc Việt Nam gia nhập TPP. Theo ông Dưỡng, có nhà đầu tư thì tốt nhưng phải đánh giá là liệu chúng ta có kiểm soát được vấn đề các dự án đó tác động xấu môi trường; đừng để tác động tiêu cực của dự án lớn hơn tác động tích cực của nó như một số dự án mà ta đã thấy!

Cũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện kinh tế và chính sách Việt Nam, cho biết đã có một số tỉnh, thành từ chối các nhà đầu tư dệt nhuộm đến từ Trung Quốc, Đài Loan vì cho rằng ngành này gây ô nhiễm môi trường. Vấn đề, không phải ô nhiễm của ngành dệt nhuộm không xử lý được, mà là chi phí xử lý cao; cộng với “truyền thống” gây ô nhiễm môi trường của các nhà đầu tư đến từ quốc gia này nên một số địa phương đưa ra lời từ chối.

Theo các chuyên gia kinh tế, cần thu hút đầu tư nhưng phải biết cân nhắc trước sự đánh đổi giữa công nghiệp hóa, phát triển kinh tế với sự tổn thương về môi trường, xã hội… Vì bây giờ đã khác thời chúng ta cấp phép cho Vedan (gây ô nhiễm sông Thị Vãi), Hyundai - Vinashin (gây ô nhiễm vùng biển Hòn Khói, Khánh Hòa), Nhiệt điện Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận)… Đừng vì thu hút đầu tư mà bất chấp, cho phép sản sinh các nhà máy gây tổn hại đến môi trường từ, xã hội… Đừng đánh đổi sức khỏe, tính mạng của người dân (vì ô nhiễm môi trường) để “mua” công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo TBKTSG