Theo CNET, vấn đề tin tức giả mạo thực sự nổi bật trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sau khi các nhà phê bình nói rằng những trang tin tức giả mạo đã tràn lan trên các phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là Facebook.
Mặc dù CEO Facebook khẳng định công ty ông đang tìm cách kiểm soát chặt chẽ những nguồn tin không thật trên đây, nhưng cách tốt nhất là bạn chủ động thoát khỏi chúng.
Đâu là tin tức giả mạo?
Trước tiên cần làm rõ, với những nguồn tin chính thống, các nhà báo đi vào thực tế để điều tra, viết những báo cáo và xây dựng thương hiệu của mình.
Vấn đề là, những tin tức chính thống đang bị trà trộn bởi những tin ‘vô tội vạ’ trên News Feed của tài khoản Facebook mọi người. Nó bao gồm những câu chuyện từ các website được đặt ra chỉ nhằm câu view để kiếm tiền thông qua mỗi cú nhấp chuột.
Hơn nữa, ngay cả khi bạn nhấp vào liên kết dẫn nguồn từ trang tin chính thống, Facebook cũng có thể gợi ý bạn đến những câu chuyện liên quan với nội dung không chính xác. Nguyên nhân có thể là vì Facebook không có sự phân biệt với các trang tin tức.
Xác định tin tức giả mạo
Nếu gặp một câu chuyện chỉ đơn giản là phục vụ những mục tiêu riêng, đặc biệt là tin tức chính trị, tốt nhất nên hoài nghi trước khi chia sẻ nó. Nếu gặp một báo cáo tự nhận là dựa trên một nguồn tin chính thống, hãy tìm ra nguồn gốc thông tin. Bạn có thể tìm thấy những tin tức thật, nhưng phần còn lại có thể là những câu chuyện bịa đặt.
Những trang tin giả mạo thường chọn các phương tiện truyền thông để câu view- ẢNH: AFP |
Còn nếu gặp câu chuyện có khả năng giả mạo mà không liên kết với một nguồn gốc, đó là dấu hiệu của tin giả mạo. Sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm kiếm các từ khóa trong câu chuyện nhằm kiểm tra tin tức tương tự có được đưa ra bởi bất kỳ trang tin chính thống nào khác hay không.
Một số câu chuyện có thể ở dạng tranh châm biếm, tốt nhất hãy kiểm tra lại chúng.
Bên cạnh đó cũng nên kiểm tra các URL. Nếu có đuôi lạ, hãy suy nghĩ hai lần về chúng. Chẳng hạn, một bài báo nói về chính sách của cơ quan nhà nước nhưng kết thúc bằng “.com.de” sẽ không có ý nghĩa.
Cuối cùng, không nên tin vào một bức ảnh. Nếu thấy một hình ảnh hấp dẫn khiến bạn ngứa tay muốn chia sẻ câu chuyện, hãy thực hiện các bước sau: (1) chụp ảnh màn hình bức ảnh và cắt những thứ không liên quan, (2) mở dịch vụ tìm kiếm Google Images, và (3) tải ảnh chụp màn hình lên để nhờ Google tìm kiếm thông tin tương tự. Google sẽ giúp bạn tìm những tin tức chính thống liên quan đến hình ảnh đó.
Gắn cờ các trang tin giả mạo
Hiện nay nhiều lập trình viên đã cung cấp cho người dùng công cụ có thể gắn cờ cho những trang tin chưa xác minh trong News Feed của mình. Ví dụ, một plugin FIB dành cho trình duyệt đã được phát triển có khả năng tự động đánh giá các tin tức liên kết trong phương tiện truyền thông xã hội.
Zuckerberg không nhận Facebook là trang tin, nhưng hứa sẽ quản lý tin tức giả mạo- ẢNH: AFP |
Mặc dù plugin FIB chưa có sẵn để tải về, nhưng các lập trình viên đang tranh thủ sự giúp đỡ để hoàn thiện nó thông qua dự án mã nguồn mở tại địa chỉ https://devpost.com/software/fib.
Ai phát tán tin giả mạo
Trong câu chuyện liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, một người trẻ tuổi ở Macedonia đã tạo ra 100 trang web nói về ông Trump với những thông tin sai sự thật. Động cơ các trang web không phải vì chính trị, chỉ đơn giản là kiếm tiền từ những cú nhấp chuột.
Dĩ nhiên, Facebook và Google sẽ không thể ngồi yên với những nguồn tin như vậy. Cả hai công ty này vừa cho biết sẽ cấm các trang web tin tức giả mạo, thậm chí ngăn kiếm tiền quảng cáo trên các trang tin tức giả mạo hoặc cung cấp phần mềm độc hại.
Các nguồn tin tức giả mạo thường tập trung vào những vấn đề nóng bỏng được nhiều người quan tâm, vì vậy trong mọi trường hợp, mọi thời điểm chúng ta đều có thể gặp những tin tức này. Tóm lại, câu chuyện tin tức giả mạo vẫn sẽ tồn tại, và mọi người cần hiểu cách phòng tránh.
Theo Thanh Niên