Như đã nói ở trên, CPU (chip xử lý) là một thành phần trung tâm quan trọng nhất của máy tính, không chỉ xử lý các tác vụ thông thường như nghe nhạc, xem phim và hình ảnh. Với một cỗ máy CPU đủ khỏe, bạn thậm chí còn có thể sử dụng các phần mềm đồ họa nặng và chơi game cấu hình cao. Tất nhiên, bạn phải nắm rõ xung nhịp và đời CPU để có được quyết định đúng đắn nhất.
Hầu hết các dòng laptop hiện nay đều được trang bị chip Intel và một số dòng laptop giá rẻ sử dụng chip AMD. Mặc dù vậy mỗi dòng chip lại có rất nhiều phiên bản khác nhau khiến việc so sánh và đánh giá hiệu năng của mỗi dòng chip không hề đơn giản.
Vậy loại CPU Laptop nào phù hợp với nhu cầu của bạn?
Dưới đây tạp chí LaptopMag đã lập biểu đồ phân loại các dòng CPU phù hợp với mục đích sử dụng của mỗi người dùng. Trong đó, máy trạm và chơi game luôn đòi hỏi dòng CPU hiệu suất cao. Trong khi đó, những dòng laptop giá rẻ, hiệu suất thấp thường sẽ dùng dòng CPU Celeron, Pentium và thậm chí là Atom cho dòng siêu rẻ.
Tuy nhiên, thật không dễ dàng để cắt nghĩa chính xác loại CPU và đời CPU mà bạn mong muốn sẽ phù hợp với chiếc laptop của bạn. Dưới đây là cách để bạn hiểu rõ hơn về cách đọc một thông số CPU.
Chip Intel Core i hiện có 7 thế hệ. Thế hệ đầu có tên mã là Nehalem, thế hệ hai là Sandy Bridge, thế hệ ba là Ivy Bridge, thế hệ thứ tư là Haswell, thế hệ thứ năm là Broadwell, thế hệ thứ sáu là Skylake và thế hệ thứ bảy mới nhất là Kaby Lake.
Cấu trúc tên chung của chip Intel Core i cơ bản là:
Tên bộ xử lý = Thương hiệu (Intel Core) + Từ bổ nghĩa thương hiệu (i7) + Thế hệ (7) + SKU (500) + Dòng sản phẩm (U)
- Tên thương hiệu: thông thường là Intel Core nhưng có thể dán nhãn Xeon, Celeron, Pentium hoặc Atom
- Từ bổ nghĩa thương hiệu: Đa số là Core i3, i5 hoặc i7 (càng cao càng mạnh)
- Thế hệ: Là thế hệ CPU được Intel định danh tương ứng với 7 phiên bản CPU hiện nay (càng cao càng tốt)
- SKU: Số hiệu xác định sản phẩm (thường có ba số)
- Dòng sản phẩm: Có rất nhiều chữ cái viết tắt khác nhau về dòng sản phẩm bao gồm U, Y, HQ hoặc HK. Đây chính là tiền tố dòng sản phẩm (Yếu tố then chốt để biết dòng CPU nào phù hợp với nhu cầu của người dùng).
Core i3, Core i5 và Core i7 có gì khác nhau? Những yếu tố gì cần quan tâm nếu lựa chọn CPU dựa vào chỉ số Intel Core i?
Hầu hết các dòng CPU Intel mà bạn nhìn thấy trên laptop có giá hơn 400 USD trở nên. Những con số này cũng tương ứng với giá trị, tốc độ và hiệu năng xử lý tịnh tiến. Điều đó có nghĩa rằng, Core i3 là phiên bản thấp nhất và Core i7 là phiên bản cao nhất. Tuy vậy, đa số người dùng thường chỉ cần phiên bản Core i5 là đủ đề đáp ứng các nhu cầu học tập, giải trí, công việc hay thậm chí chơi game, làm đồ họa chuyên sâu.
+ Core i3: thường là CPU lõi kép, kiến trúc 64-bit, tập chỉ thị x86 dành cho laptop và desktop giá rẻ. Không tích hợp Turbo Boost.
+ Core i5: là CPU lõi kép hoặc lõi tứ, kiến trúc 64-bit, tập chỉ thị x86 dành cho laptop và desktop tầm trung. Có tích hợp Turbo Boost tùy phiên bản
+ Core i7: là CPU lõi tứ hoặc tối đa 8 lõi, kiến trúc 64-bit, tập chỉ thị x86 dành cho laptop và desktop cao cấp. Có tích hợp Turbo Boost.
- Cores: Số lõi xử lý của một CPU. Thông thường CPU của nhiều dòng laptop hiện nay có 2 lõi (dual core), tuy nhiên trên một số mẫu laptop cao cấp, số lõi có thể là bốn (quad core) để đáp ứng nhu cầu xử lý công việc đa tác vụ.
- Hyper-Threading: Công nghệ siêu phân luồng có tác dụng quan trọng trong việc tạo ra các lõi xử lý ảo, cho phép tạo ra hai luồng xử lý trên mỗi nhân, giúp nâng cao hiệu suất xử lý với những phần mềm nặng.
- Clock Speed: Tốc độ xử lý của CPU. Thông số này được tính bằng GHz và là số vòng đồng hồ (phép tính) mà CPU có thể xử lý được trên mỗi giây. Thông số này càng cao càng tốt tuy nhiên không phải là yếu tố chính quyết định tốc độ xử lý tổng thể của CPU.
- Turbo Boost: Là công nghệ nâng hiệu suất xử lý của CPU để nhanh chóng hoàn thành một nhiệm vụ nhất định bằng cách điều chỉnh xung nhịp của mỗi nhân độc lập sao cho phù hợp với nhu cầu xử lý. Cũng bởi vậy trên nhiều dòng máy, Clock Speed tuy được cho biết cố định nhưng hoàn toàn có thể đẩy cao hơn thế nhờ công nghệ Turbo Boost.
Thông thường trên dòng Intel Core i5 và Core i7 sẽ trang bị Turbo Boost, trong khi Core i3 không hỗ trợ.
- Cache: Là bộ nhớ đệm của CPU, là trung gian giữa CPU và RAM, và là nơi lưu trữ tạm thời những lệnh mà CPU cần xử lý. Cache cũng là nơi lưu trữ những thông tin thường xuyên được sử dụng, nhờ đó việc sử dụng bộ nhớ cache giúp tiết giảm thời gian các thao tác lặp lại. Bộ nhớ cache của CPU hiện nay rơi vào khoảng 1 - 4MB. Bộ nhớ cache càng lớn thì tốc độ xử lý càng nhanh, giảm thời gian chờ đợi.
- TDP: Là chỉ số lượng điện năng tiêu thụ và được tính bằng số Watt (W) mà CPU sử dụng. Số watt càng lớn có nghĩa hiệu suất tốt nhưng nhiệt độ sẽ cao và tiêu tốn nhiều điện năng hơn.
Thế hệ CPU có tác động đến quyết định lựa chọn CPU của bạn?
Trung bình từ 12-18 tháng, Intel thường cho ra mắt một thế hệ CPU mới, được cải thiện về tốc độ xử lý và khả năng tiết kiệm điện,…Đáng tiếc không phải lúc nào các dòng sản phẩm CPU cũng chạy theo kịp. Hiện nay chỉ có một số dòng Intel U-series và Y-series đang chạy thế hệ thứ 7 (Kaby Lake), trong khi đó, một số dòng CPU hiệu suất cao dành cho doanh nhân mới chỉ đang ở thế hệ thứ 6 (Skylake).
Mỗi 2 hoặc 3 thế hệ CPU liên tiếp, Intel sẽ bắt đầu quá trình cải tiến CPU bằng việc thu nhỏ các bóng bán dẫn nhằm giúp gia tăng hiệu suất xử lý nhưng vẫn duy trì được một mức tiêu thụ điện năng không đổi. Intel đang áp dụng chiến lược phát triển CPU theo chu kỳ "tick-tock" cách quãng 2 năm.
Theo đó, pha "tick" sẽ được ứng dụng để nâng cấp tiến trình tạo CPU mới và pha "tock" sẽ dành để nâng cấp kiến trúc xử lý. Tuy vậy khi tiến trình 10 nm và 7 nm đã cận kề, đặc biệt khi tiến trình 7nm được kỳ vọng sẽ có mặt vào năm 2018 và định luật Moore dần mất đi tính đúng đắn, có lẽ việc lựa chọn CPU dựa theo thế hệ CPU có thể sẽ gặp trở ngại lớn với người dùng nói chung.
Theo Báo Diễn Đàn Đầu Tư