Các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc phát triển năng lượng sạch nhằm xóa bỏ tên gọi "vành đai rỉ sét"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Những dự án năng lượng sạch được công bố gần đây phía đông bắc Trung Quốc có thể mang lại cơ hội loại bỏ biệt danh "Vành đai gỉ sét" của 3 tỉnh phía đông bắc là Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang.
Một trang trại điện gió Trung Quốc. Ảnh SCMP.
Một trang trại điện gió Trung Quốc. Ảnh SCMP.

Khu vực mà cố Chủ tịch Mao Trạch Đông trìu mến gọi là "người con cả" trong thời kỳ của nền kinh tế kế hoạch Trung Quốc hiện được biết đến với tên gọi "vành đai rỉ sét" của quốc gia này sau nhiều thập kỷ phát triển trì trệ.

Ba tỉnh phía đông bắc Trung Quốc là Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang đối mặt với những thách thức lớn do dân số giảm và sự phụ thuộc vào những doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, tập trung vào các ngành công nghiệp đang suy thoái nặng nề như than và thép, mặc dù nhiều lần đưa ra các cam kết nỗ lực hồi sinh.

Trong nỗ lực gần đây nhất của các địa phương nhằm ngăn chặn xu hướng tụt hậu này, các chính quyền cấp tỉnh của khu vực lên kế hoạch đầu tư mạnh mẽ ngân sách vào năng lượng tái tạo.

Một số nhà phân tích cho rằng, những dự án năng lượng sạch được công bố gần đây phía đông bắc Trung Quốc có thể mang lại cho Bắc Kinh cơ hội loại bỏ biệt danh "Vành đai gỉ sét" và trở thành nhân tố chính trong quá trình chuyển đổi xanh của đất nước vì quốc gia đặt mục tiêu trung hóa carbon vào năm 2060 trong chạy đua giảm khí thải nhà kính toàn cầu.

Theo một số chuyên gia, nhiều trở ngại vẫn còn ngăn trở tiến trình cải cách thể chế nhằm chuyển hóa những chính sách năng lượng, đã ăn sâu bén rễ, gây “áp lực nặng nề” cho sự tiến bộ kinh tế và xã hội.

Các nhà chức trách tỉnh Liêu Ninh, nơi có dân số đông nhất và nền kinh tế lớn nhất ở Đông Bắc đã công bố kế hoạch xây dựng nguồn năng lượng xanh quy mô lớn vào tháng 9, bao gồm các nhà máy điện hạt nhân, điện gió, năng lượng mặt trời và hydro.

Dự án đầu tư 600 tỷ nhân dân tệ (83 tỷ USD) dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2030, sản xuất tổng công suất phát điện là 60 gigawatt (GW), gần tương đương với tổng công suất phát điện của một nền kinh tế quy mô trung bình của các quốc gia như Việt Nam hay Ai Cập.

Trivium China, công ty tư vấn có văn phòng tại Bắc Kinh, trong một bản báo cáo phân tích gọi kế hoạch triển khai này là "một trong những hoạt động xây dựng toàn tỉnh được phối hợp có ý nghĩa đầu tiên về kỷ nguyên năng lượng mới, sẽ trở thành hình mẫu cho các nước láng giềng".

Cosimo Reis, nhà phân tích năng lượng tại Trivium, trả lời phỏng vấn South China Morning Post cho biết, tiến trình xây dựng có thể tạo ra những cơ hội cụ thể trong sản xuất công nghệ tái tạo, xuất khẩu năng lượng và những nỗ lực trung hòa carbon khác, những vấn đề mà Liêu Ninh thiếu hụt, đồng thời cung cấp những cơ hội đầu tư mới và việc làm chất lượng cao.

Liêu Ninh sẽ thu hút những nhà đầu tư, đang nỗ lực tìm cách khử carbon trong các cơ sở sản xuất tại những quốc gia hoặc những nơi mà doanh nghiệp cho rằng có thể không tiếp cận được năng lượng xanh dồi dào và rẻ như dọc theo bờ biển và phía nam.

Các tỉnh của “vành đai rỉ sét” khác cũng đang đặt trọng tâm vào nỗ lực phát triển năng lượng sạch. Các quan chức Hắc Long Giang đã khởi động chương trình phát triển kinh tế carbon thấp vào tháng 1/2022. Đến năm 2025, các cơ sở sản xuất năng lượng không hóa thạch của tỉnh sẽ chiếm hơn 50% tổng công suất lắp đặt và tỷ lệ sưởi sạch sẽ tăng lên 80%.

Các nhà chức trách của tỉnh Cát Lâm cũng đặt hy vọng rất lớn vào chiến lược sản xuất nhiên liệu hydro sạch sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Bộ máy lãnh đạo tỉnh đã công bố một lộ trình phát triển cho năng lượng hydro vào đầu năm 2022 với mục tiêu tương đối ngắn hạn là trở thành nhà cung cấp nhiên liệu hydro chính của quốc gia vào năm 2025.

Tỉnh dự định đáp ứng nhu cầu năng lượng sản xuất hydro trên cơ sở công suất 12 GW kết hợp các nhà máy điện mặt trời và điện gió.

Khi các ngành công nghiệp gây ô nhiễm được loại bỏ dần và năng lượng tái tạo trở nên quan trọng hơn, Bắc Kinh có có kế hoạch thiết lập hành lang năng lượng hydro "Cáp Nhĩ Tân-Trường Xuân-Đại Liên" xuyên qua cả ba tỉnh và khuyến khích các địa phương áp dụng quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

Theo Ries, trong trung và dài hạn, năng lượng xanh tiếp tục tạo ra những cơ hội phát triển kinh tế không giống như than đá. Ông nhấn mạnh: “Sứ mệnh khử carbon của Trung Quốc rất lớn trong khi năng lượng tái tạo vẫn chiếm một tỷ trọng tương đối nhỏ trong tổng lượng điện tiêu thụ trong nước, do đó còn rất nhiều dư địa để phát triển.”

Theo Cục Thống kê Quốc gia, tiêu thụ năng lượng sạch, bao gồm khí đốt tự nhiên, thủy điện, điện hạt nhân, điện gió và điện mặt trời chiếm 25,5% tổng tiêu thụ năng lượng năm 2021, so với nhiên liệu tiêu thụ than chiếm 56,0 %.

Khu vực Đông Bắc Bộ đang phải nỗ lực phấn đấu trong một thời gian đáng kể nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào những ngành công nghiệp gây ô nhiễm cao và xây dựng những động lực tăng trưởng trong tương lai. Các quan chức ở cấp nhà nước và cấp tỉnh đã công bố một số kế hoạch từ những năm 1990 để thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù đã có những cố gắng rất sớm, đóng góp của 3 vùng vào GDP chung của Trung Quốc giảm từ khoảng 11% năm 1990 xuống chỉ còn 5% năm 2021. GDP bình quân đầu người của cả 3 tỉnh đều dưới mức trung bình của cả nước.

Mùa hè năm 2021, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố tăng gấp đôi nỗ lực quốc gia nhằm biến " thịnh vượng chung" trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, sử dụng tỉnh Liêu Ninh làm bối cảnh phát triển.

Theo Liang Qidong (Lương Khải Đông), phó chủ tịch Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, một tổ chức tư vấn chính phủ, chính quyền các tỉnh phải tận dụng những cơ hội mà sự phát triển nguồn năng lượng xanh mang lại. Ông ca ngợi những lợi ích của tiến trình phát triển năng lượng sạch ở phía đông bắc, khẳng định đây là khu vực ven biển dồi dào tài nguyên thiên nhiên với những cơ hội lớn tăng cường sản xuất điện gió.

Ngoài ra, ông nhấn mạnh, ưu thế quan trọng của các tỉnh là có những trường đại học nghiên cứu hàng đầu trên toàn quốc bên cạnh "bầu không khí công nghiệp mạnh mẽ" đã có từ lâu của khu vực.

“Tôi rất hy vọng vào sự phát triển nguồn năng lượng mới ở phía đông bắc ", ông tuyên bố. Nhưng những vấn đề tồn tại từ lịch sử và hình thành gần đây có thể ngăn cản vùng đông bắc thu được lợi ích từ quá trình đầu tư xây dựng.

Nhà phân tích Ries của Trivium cho rằng, vấn đề cấp bách nhất trong những trở ngại này là yêu cầu cải cách thị trường điện hơn nữa để tăng cường hệ thống thương mại điện liên tỉnh. Giao dịch liên tỉnh vẫn là một vấn đề lớn hiện nay. Một câu hỏi quan trọng là liệu nguồn điện này có thể thực sự được bán cho các tỉnh cần thiết nhất hay không.

Thị trường điện ở Trung Quốc ngày nay được quản lý chặt chẽ, với quy hoạch tập trung cho sản xuất và nhu cầu dân sinh, thiết lập giá cả không phù hợp với cung và cầu, những hợp đồng năng lượng cấp tỉnh song phương phù hợp hơn với các nguồn sản xuất năng lượng thông thường như than đá.

Một phần của những cuộc khủng hoảng năng lượng gần đây của quốc gia bắt nguồn từ hệ thống này, do thúc đẩy việc sử dụng những nguồn năng lượng gây ô nhiễm từ nhiên liệu hóa thạch thay vì khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo.

Theo Qin Yan, nhà phân tích năng lượng carbon hàng đầu tại doanh nghiệp cung cấp dữ liệu Refinitiv, "việc thiếu vắng thị trường điện tự do hóa sẽ hạn chế hiệu quả trong nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Tình huống này dẫn đến tình trạng ngành điện cản trở sự phát triển kinh tế và xã hội."

Nhưng Bắc Kinh cho thấy hiểu rất rõ tầm quan trọng của nỗ lực cải cách thị trường trong ngành. Sau cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2021, Bắc Kinh bắt đầu từ bỏ quyền kiểm soát giá cả theo phương thức áp đặt.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia vào đầu năm 2022 công bố kế hoạch tạo ra một thị trường năng lượng quốc gia cơ bản vào năm 2025 nhằm bổ sung cho những thị trường kinh doanh năng lượng cấp tỉnh hiện nay.

Theo SCMP