Một trong những lý do khiến các nhà mạng bị cắt khuyến mại đến hết năm 2016 là bởi trước đây từng có những cuộc chạy đua khuyến mại ngầm, diễn ra từ nhiều năm trước.
Khuyến mại "khủng" bị siết từ 200% về 50%
Bắt đầu từ 2005, khi thị trường viễn thông bùng nổ, để thu hút khách hàng trong thời điểm thị trường còn chưa định hình, các nhà mạng có quy mô lúc ấy là MobiFone, VinaPhone, Viettel cùng các đơn vị nhỏ hơn như S-Fone hay HT-mobile (sau này là Vietnamobile)... đã liên tục tung ra các chương trình khuyến mại nạp thẻ.
Khởi đầu với ưu đãi 50%, ngay khi có một nhà mạng tăng lượng khuyến mại, các đơn vị khác buộc phải lao theo để cạnh tranh. Mức ưu đãi dần lên tới 100%, 150% và có lúc lên tới 200% ở một vài đơn vị.
Để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn, tháng 7/2010, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã đưa ra quy định về việc không khuyến mại thẻ nạp hơn 50%. Quy định này đã phần nào kìm hãm cơn lốc khuyến mại "khủng". Tuy nhiên, các nhà mạng vẫn tìm đủ cách để lách luật, kéo thêm thuê bao mới.
Nhiều đơn vị nhỏ còn buộc phải cạnh tranh theo hình thức như tặng tiền cho thuê bao mới hay táo bạo hơn là nghe cũng được tiền hoặc SIM giá rẻ có tài khoản hàng tỷ đồng để tạo ưu thế cạnh tranh trên thị trường.
Không có nguồn lực để chạy đua cũng như không giành đủ thị phần để duy trì hoạt động, đến năm 2013, lần lượt S-Fone và Beeline đã phải bỏ cuộc và dừng cung cấp dịch vụ, rút lui khỏi thị trường.
Thay vì khuyến mại khủng, doanh nghiệp viễn thông giữ mức ưu đãi 50% giá trị thẻ nạp nhưng tăng tần suất ngày khuyến mại hay lách luật bằng cách ưu đãi riêng cho từng đối tượng khách hàng, đặc biệt là các gói cước siêu rẻ dành riêng cho học sinh, sinh viên nhưng được sử dụng tràn lan bởi những khách hàng không nằm trong nhóm này.
Cơ quan quản lý buộc phải đưa thêm quy định chi tiết hơn về số ngày khuyến mại trong một năm cũng như mức khuyến mại tối đa và đỉnh điểm là việc xử phạt hành chính các doanh nghiệp vi phạm vào tháng 11/2016.
Người dùng nói gì khi bị "cắt" khuyến mại?
Khách hàng sử dụng di động thường có thói quen chờ tới ngày khuyến mại của các nhà mạng để nạp tiền, giúp tiết kiệm chi phí sử dụng điện thoại. Tuy nhiên trong tháng 11/2016 này, nhiều người đã không khỏi tiếc nuối khi tới 1/1/2017 mới tiếp tục được hưởng khuyến mại.
Chị Nguyễn Lan Hương (quận Hoàng Mai, Hà Nội), khách hàng sử dụng Viettel, cho hay chị đã đợi hơn nửa tháng mà không thấy thông tin khuyến mại của nhà mạng này.
"Trước đây khuyến mại rất đều, cách nhau khoảng nửa tháng nhưng tháng 11 này tôi chờ mãi không có, đọc báo mới hay tin ngừng khuyến mại 50% tới hết năm 2016", chị chia sẻ.
Khách hàng này cho hay dù rất tiếc nhưng chị ủng hộ quản lý chặt việc khuyến mại tràn lan để tạo điều kiện cho nhà mạng mới tham gia thị trường.
"Suy cho cùng, càng có nhiều đơn vị tham gia thì giá chất lượng dịch vụ càng được nâng lên, cũng như câu chuyện taxi truyền thống và taxi công nghệ cao trước đây", chị chia sẻ.
Nhiều khách hàng đã nhìn nhận khuyến mại nạp thẻ là chuyện tất nhiên và chỉ nạp thẻ mạnh tay vào những ngày có ưu đãi. Hơn một tháng không khuyến mại, theo nhiều người, là khoảng thời gian không dài và "có thể chấp nhận được".
Anh Bảo Khanh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay hơn một tháng thì tối đa anh cũng chỉ lỡ 3 dịp khuyến mại. "Trước đó, trong tháng 10, tôi đã nạp thẻ giá trị lớn nên không lo chuyện tài khoản hết tiền trong tháng tới, qua đây cũng rút kinh nghiệm luôn để cuối năm sau lại nạp nhiều tránh các nhà mạng hết ngày khuyến mại như năm nay", khách hàng lâu năm của VinaPhone cho hay.
Cùng với việc lập lại trật tự trong khuyến mại, ưu đãi của các nhà mạng, mới đây, Bộ TT&TT cũng rốt ráo quản lý thị trường sim rác, tin nhắn rác.
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp viễn thông phải những biện pháp cụ thể, mạnh mẽ, không vì những lợi ích, thành tích trong việc phát triển doanh số, thuê bao mà gây ra các vấn nạn như thuê bảo ảo, sim rác, tin nhắn rác.
Còn theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, "căn bệnh lâu năm" này của thị trường viễn thông sẽ được giải quyết.
Nhà mạng các nước khác khuyến mại ra sao?
Tại Singapore, quốc gia có hạ tầng viễn thông phát triển, các nhà mạng thường đưa ra các gói dịch vụ khác nhau để người dùng mua và sử dụng giúp tiết kiệm chi phí thay vì nạp tiền trực tiếp. Chẳng hạn, nhà mạng M1 (Singapore) với gói 28 đôla nạp được 130 đôla tài khoản nghe gọi hay gói 28 đôla nạp được 128 đôla tài khoản nghe gọi của Singtel.
Số tiền này sẽ được đưa vào một tài khoản riêng, giới hạn chỉ dùng để nghe gọi và nhắn tin nội địa, không thể dùng để trả phí 4G, các dịch vụ giá trị gia tăng qua các đầu số tính phí.
Còn tại các nước khác như Mỹ, Anh hay Australia, người dùng di động được khuyến khích nạp thẻ bằng cách tặng dung lượng 4G hay số phút gọi, tin nhắn.
Theo Zing