Các ngân hàng trung ương không thể làm ngơ bitcoin
Thu Thảo
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), các ngân hàng trung ương thế giới không thể bỏ qua sức tăng trưởng của tiền ảo vì nó có thể đặt ra nguy cơ cho sự ổn định của hệ thống tài chính.
Theo Bloomberg, BIS cho hay các nhà băng trung ương sẽ phải trả lời câu hỏi liệu có nên đưa ra một loại tiền tệ kỹ thuật số hay không và đặc tính của loại tiền ảo mới như thế nào. Quyết định trên đang được thúc đẩy nhiều nhất ở các nước như Thụy Điển, nơi mà việc sử dụng tiền mặt đang đi xuống. Các tổ chức tài chính cần phải tính toán đến vấn đề quyền riêng tư, cách tăng hiệu quả trong hệ thống thanh toán, tác động lên chính sách kinh tế, tài chính và tiền tệ, BIS cho biết thêm trong báo cáo hằng quý.
Báo cáo được công bố sau một tuần ''gập ghềnh'' đối với tiền ảo, khi mà CEO JPMorgan Chase & Co, ông Jamie Dimon, gọi bitcoin là “lừa đảo” còn Trung Quốc thì mạnh tay với giao dịch tiền ảo trong nước.
Song trong bối cảnh bitcoin và các loại tiền ảo khác đang ngày càng phổ biến nhờ hệ thống thanh toán chuyển dần sang hướng di động còn các nhà đầu tư thì hăng hái bơm tiền, giới ngân hàng trung ương bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về tiền ảo và công nghệ blockchain. Blockchain là công nghệ hứa hẹn tiềm năng tăng tốc độ thanh toán. Tại Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), Thống đốc Mark Carney từng gọi tiền ảo là một phần của “cuộc cách mạng” tiềm năng trong ngành tài chính.
Giới chức tài chính nhiều nước đang chú ý hơn về tiền kỹ thuật số. Đơn cử, Ngân hàng Trung ương Hà Lan vừa tạo ra loại tiền ảo riêng để sử dụng nội bộ và để hiểu rõ hơn về hệ thống tiền tệ kỹ thuật số. Giới chức Mỹ cũng đang nghiên cứu vấn đề, dù hồi tháng 3, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho hay còn nhiều vấn đề chính sách quan trọng nên được nghiên cứu thêm. Trong số này là việc kiểm soát khả năng bị tấn công mạng, lừa đảo và quyền riêng tư.
Theo BIS, một trong những cách mà ngân hàng trung ương có thể tham khảo là phát hành một đồng tiền cho người dân. Đồng tiền này chỉ có thể được ngân hàng trung ương phát hành và có khả năng chuyển đổi trực tiếp với tiền mặt và dự trữ. Dù vậy, việc này sẽ khiến nhà băng gánh nhiều rủi ro hơn còn các ngân hàng thương mại đối mặt cảnh thiếu tiền gửi.