Nguy cơ bệnh tật
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định thuốc lá điện tử không an toàn hơn thuốc lá truyền thống, cũng như sử dụng thuốc lá điện tử để cai nghiện thuốc lá không có hiệu quả.
Ths.Bs. Nguyễn Tuấn Lâm (Văn phòng WHO tại Việt Nam) cho biết thuốc lá điện tử có tác hại với sức khỏe con người khi chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh và gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ vị thành niên và phụ nữ có thai; nguy cơ trộn lẫn ma túy; tiếp xúc lâu sẽ tăng nguy cơ gây các bệnh như ung thư, tim mạch, hô hấp và các bệnh nguy hiểm khác.
Một số quốc gia hiện cấm thuốc lá điện tử hoặc sản phẩm có chứa nicotine. Ít nhất 42 quốc gia cấm bán hoặc phân phối thuốc lá điện tử, trong khi ít nhất 56 quốc gia cho phép bán nhưng đặt ra các quy định kiểm soát hoặc hạn chế bán hàng, như hạn chế về địa điểm bán, khả năng tiếp cận v.v...
Các chuyên gia của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá đã chỉ ra chiến lược marketing nhắm tới giới trẻ của ngành công nghiệp thuốc lá là rất nguy hiểm, khi họ xác định những người từ 13 tuổi là chìa khóa của thị trường và tiến hành nghiên cứu thói quen hút thuốc ở tuổi vị thành niên cũng như phát triển các sản phẩm và chiến lược tiếp thị nhắm trực tiếp vào lứa tuổi này.
Thuốc lá điện tử được rao bán trên mạng xã hội (Ảnh: Internet)
|
Giới trẻ là mục tiêu chính
TS. Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - “bật mí” một số tài liệu nội bộ của các công ty thuốc lá về chiến lược tiếp thị tới giới trẻ, như Phillip Morris: “Thiếu niên hôm nay là khách hàng thường xuyên tiềm năng của ngày mai; phần lớn những người hút thuốc bắt đầu hút thuốc ở tuổi thiếu niên…Các mô hình hút thuốc của thanh thiếu niên đặc biệt quan trọng với Philip Morris.” Hay của RJ Reynolds: “Bằng chứng hiện tại cho thấy nhóm tuổi 14-18 tuổi sẽ làm tăng phân khúc dân số hút thuốc. RJR-T cần phải sớm thiết lập một thương hiệu mới thành công cho thị trường này nếu muốn vị thế của chúng ta trong ngành công nghiệp được duy trì lâu dài”. Còn Lorillard Tobacco: “Nền tảng kinh doanh của chúng tôi là học sinh trung học”.
Sự gia tăng đáng báo động tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử và nung nóng trong thanh thiếu niên ở các nước là minh chứng rõ ràng nhất cho chiến lược kinh doanh của ngành này.
Tại Mỹ, trong vòng 7 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên tăng từ 1,5% (2011) lên đến 27,5% (2018). Cũng tại Mỹ, từ 2017 đến 2018, việc sử dụng thuốc lá điện tử tăng 135% ở học sinh Trung học phổ thông. Ở Romania tỷ lệ này tăng từ 6,7% (2013) lên 8,2% (2017), ở Italy tăng từ 8,4% (2014) lên 17,5% (2018). Về thuốc lá nung nóng, 3,1% thanh niên Romania sử dụng thuốc lá nung nóng năm 2017. Ở Hàn Quốc chỉ sau một năm sau khi sản phẩm thuốc lá nung nóng ra mắt thị trường lần đầu tiên đã có 2,8% thanh niên độ tuổi từ 12-18 cho biết là đã sử dụng thuốc lá nung nóng.
Tiếp cận trẻ em qua mạng xã hội
Các thương hiệu thuốc lá điện tử mới gần đây phụ thuộc rất nhiều vào mạng xã hội để tiếp thị và quảng bá sản phẩm. Một cuộc điều tra kéo dài của chiến dịch Vì trẻ em không thuốc lá đã cho thấy các công ty thuốc lá sử dụng mạng xã hội để chạy các chiến dịch truyền thông và quảng bá sản phẩm, thông qua việc trả tiền cho những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội – những người nổi tiếng với lượng người theo dõi trực tuyến lớn – để đăng tải hình ảnh về sản phẩm thuốc lá và hành vi hút thuốc, ở hơn 40 quốc gia. Cuộc điều tra đã ghi lại hơn 100 chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội của các công ty thuốc lá đa quốc gia lớn như Philip Morris International, British America Tobacco, Japan Tobacco International và Imperial Brands.
Cuộc điều tra đã cho thấy các công ty thuốc lá tìm kiếm những người trẻ tuổi có số lượng người theo dõi trực tuyến lớn và trả tiền cho họ để đăng ảnh có các nhãn hiệu Marlboro, Lucky Strike và các nhãn hiệu thuốc lá khác. Những người này được đào tạo về việc quảng cáo nhãn hiệu thuốc lá nào, khi nào nên đăng ảnh để mức độ tiếp cận được tối đa và cách chụp ảnh để tạo cảm giác tự nhiên. Ở Italy, những người có ảnh hưởng được trả tiền để quảng cáo thuốc lá Lucky Strike đã được hướng dẫn để đảm bảo cảnh báo về sức khỏe trên bao thuốc lá không thể nhìn thấy trong các bức ảnh được đăng trực tuyến.
Một chiêu thức khác là các công ty thuốc lá tổ chức các bữa tiệc và các cuộc thi với sự tài trợ của nhãn hiệu thuốc lá và khuyến khích người tham gia đăng lên tài khoản mạng xã hội của họ.
Người ảnh hưởng được hướng dẫn bao gồm các hashtag cụ thể quảng cáo thuốc lá trên các bài đăng trên mạng xã hội.
Một nghiên cứu khác với nhãn hiệu thuốc lá điện tử JUUL đã cho thấy, để ra mắt sản phẩm vào năm 2015, nhà sản xuất này đã chi hơn 1 triệu đô la để tiếp thị sản phẩm trên internet. Thương hiệu này đã trả tiền cho các chiến dịch trên Twitter, Instagram và YouTube để quảng bá hình ảnh và quảng cáo do công ty tài trợ có liên quan đến JUUL với sự vui vẻ, thư giãn, tự do và hấp dẫn giới tính.
Hương vị thuốc lá điện tử đươc quảng cáo trên mạng xã hội (Ảnh: Internet)
|
Ở Việt Nam, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng cũng được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội. Theo một báo cáo rà soát tin tức về thuốc lá và phòng chống tác hại thuốc lá trên các kênh truyền thông internet tại Việt Nam (báo điện tử, trang thông tin điện tử, Blog, Diễn đàn (forum), mạng xã hội Facebook, Youtube) cho thấy: trong vòng 3 tháng (7/2019 - 9/2019) có tới 61.760 tin, bài đăng liên quan đến thuốc lá điện tử; trong đó 99% tin bài được đăng trên mạng xã hội facebook; nội dung thông tin chủ yếu là mua bán, quảng cáo, review kinh nghiệm sử dụng.
Các chiêu thức marketing
Lợi dụng kẽ hở trong việc chưa có các quy định kiểm soát do nhiều quốc gia còn đang xem xét, các công ty thuốc lá đã thực hiện nhiều chiến thuật khác nhau để tiếp thị thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng mà phần lớn nhắm vào giới trẻ.
Đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá chỉ ra các chiêu thức marketing chính nhằm thu hút giởi trẻ của ngành công nghiệp thuốc lá: Bên cạnh việc sử dụng mạng xã hội, các công ty thuốc lá còn có các chiêu trò như giới thiệu sản phẩm với hương vị hấp dẫn; thiết kế ấn tượng để tạo trào lưu và phong cách hướng đến giới trẻ; tài trợ cho các sự kiện văn hóa, thể thao.
Thuốc lá với hương vị đặc biệt (ngoại trừ tinh dầu bạc hà) đã bị cấm ở Mỹ từ năm 2009 như một phần của Đạo luật kiểm soát thuốc lá và phòng chống hút thuốc lá gia đinh, nhằm hạn chế sự hấp dẫn với giới trẻ. Tuy nhiên, lệnh cấm này không áp dụng cho các sản phẩm thuốc lá mới nổi, bao gồm thuốc lá điện tử. Các công ty thuốc lá điện tử tận dụng khoảng trống này để tạo ra nhiều hương vị thuốc lá điện tử thân thiện với trẻ em như hương vị kẹo dẻo, kẹo bông, trái cây và đóng gói chất lỏng thuốc lá điện tử trông giống như các mặt hàng thực phẩm thông thường.
Các nhà nghiên cứu đã xác định được hơn 15.500 hương vị thuốc lá điện tử có sẵn trực tuyến. Bên cạnh đó, hàng ngàn cửa hàng thuốc lá điện tử mở cửa cho phép người tiêu dùng lấy mẫu và mua chất lỏng thuốc lá điện tử.
Thuốc lá điện tử được rao bán tràn lan trên mạng xã hội (Ảnh: Internet)
|
Bên cạnh đó, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được chế tạo đa dạng từ màu sắc đến hình dạng, thiết kế ấn tượng, kết hợp nhiều tính năng sử dụng tiện lợi để hấp dẫn giới trẻ.
Tài trợ cho các lễ hội, sự kiện thể thao, âm nhạc cũng là một chiêu thức của ngành công nghiệp thuốc lá. Nhãn hiệu thuốc lá điện tử BlueCigs đã tài trợ cho Lễ hội âm nhạc Sasquatchc ở Washington, nơi có phòng chờ hơi nước với sự xuất hiện bất ngờ của các nghệ sĩ hàng đầu, bố trí trạm sạc thiết bị thuốc lá điện tử, gian hàng ảnh truyền thông tương tác mạng xã hội và các mẫu thuốc lá điện tử BlueCigs. Gần đây hơn, JUUL đã tài trợ cho một chương trình âm nhạc đỉnh cao tại Liên hoan phim Sundance 2018 ở Utah.
Philip Morris International (PMI) và British America Tobacco (BAT) đã tài trợ cho các đội đua tham dự giải đua xe công thức 1 (F1) để quảng bá slogan của nhãn hiệu với chiêu bài thúc đẩy các sáng kiến mới không khói thuốc trên xe và trang phục đội đua. Cụ thể, Philip Morris International (PMI) tài trợ cho đội đua F1 của hãng Ferrari để quảng bá slogan “Mission Winnow”; và British America Tobacco (BAT) tài trợ đội đua F1 của hãng McLaren để quảng bá “A Better Tomorrow” cho thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng được miêu tả có khả năng làm giảm nguy cơ rủi ro
Tại Việt Nam, hai thông điệp quảng cáo này cũng được gắn lên các đội đua và xe đua, quảng cáo trên trang fanpageVietnam Grand Prix để chuẩn bị cho giải đua tại Việt Nam.
Ngoài ra là việc trưng bày điểm bán hấp dẫn, giảm giá sản phẩm, bán hàng trên các nền tảng mua bán trực tuyến để tăng khả năng tiếp cận và tiếp thị các sản phẩm thuốc lá trong các tác phẩm điện ảnh, chương trình truyền hình.
Có thể thấy rằng, ngành công nghiệp thuốc lá đã sử dụng các chiến thuật tinh vi và chi những khoản tiền lớn để quảng cáo, thu hút giới trẻ sử dụng các sản phẩm thuốc lá. Trước tình trạng này, WHO lựa chọn chủ đề ngày Thế giới không thuốc lá năm 2020 là “Bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá” và kêu gọi các nước có hành động kịp thời để bảo vệ thế hệ trẻ khỏi những sản phẩm có nguy cơ phơi nhiễm với nicotine”.