Phải mất tới hơn một năm chuẩn bị cho ca phẫu thuật tách rời hai bé song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi, với số lần hội chẩn không đếm xuể và nỗ lực cao nhất của gần 100 “thiên thần áo trắng” trong suốt 12 giờ căng thẳng ở phòng mổ. Ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh dính nhau vùng bụng chậu được đánh giá là một trong những ca tách song sinh khó và phức tạp nhất Việt Nam.
Kíp mổ gồm 93 thành viên chia thành 11 nhóm, phụ trách nhiều khâu của ca phẫu thuật từ gây mê, dụng cụ, phẫu thuật ngoại tổng quát đến chỉnh hình, tạo hình, hồi sức, hồi sức trước mổ, chống nhiễm khuẩn, chẩn đoán hình ảnh và điều dưỡng...
Đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kỳ hiếm gặp. Theo ước tính trên thế giới, tỉ lệ song sinh dính nhau là 1 trên 200.000 trẻ sinh sống. Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau kiểu ischiopagus tetrapus.
BS chia sẻ đây là một trường hợp hiếm hoi, với thành công không phải là nhiều trong y văn (Ảnh: BVCC) |
Bác sĩ chính chỉ huy cuộc đại phẫu thuật cho cặp Song Nhi là TS. BS Trương Quang Định - Giám đốc BV Nhi đồng TP.HCM. Ông chia sẻ rằng đây là một trường hợp hiếm hoi, với thành công không phải là nhiều trong y văn; quyết định tách dính mang tính táo bạo, nhưng BS Định tin vào ý nghĩa nhân văn của ca phẫu thuật.
Tổng cộng có tới 93 nhân viên, bao gồm hơn 60 y, bác sĩ điều dưỡng và nhân viên BV Nhi đồng TP.HCM; đồng thời phối hợp hội chẩn nhiều lần cùng với gần 30 chuyên gia từ các bệnh viện và trung tâm lớn trên địa bàn thành phố như BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Chợ Rẫy, BV Chấn thương Chỉnh hình, BV Mắt, BV Xuyên Á và BV Đại học Y dược TP.HCM để lên kế hoạch phẫu thuật chi tiết, bao gồm cả kế hoạch xử lý những rủi ro có thể xảy ra trong lúc mổ.
Ca đại phẫu không chỉ mang lại một đời sống mới, tái sinh hai em bé với số phận diệu kỳ, đồng thời đánh dấu một bước tiến mới vượt bậc về y khoa Việt Nam.
Trúc Nhi - Diệu Nhi cười thật tươi ngày xuất viện (Ảnh: PLCS) |
Giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam nhằm vinh danh những thiên thần “Blouse trắng” với những đóng góp vì sức khỏe cộng đồng.
10 đề cử của Giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam 2020 gồm: Ứng dụng Robot DaVinci trong phẫu thuật tổng quát tại Bệnh viện Bình Dân; Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ; Ứng dụng Code Grey: bảo đảm an ninh trật tự trong môi trường bệnh viện; Đưa trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng của Phòng khám đa khoa - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Ca mổ tách cặp song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi – BV Nhi đồng TP.HCM; Ứng dụng ECMO trong điều trị viêm cơ tim tối cấp ở trẻ em – BV Nhi đồng 1; Mô hình BV Dã chiến tại Củ Chi; Mô hình cấp cứu bằng xe hai bánh của BV Đa khoa Sài Gòn; Công trình chữa đột quỵ tại BV Nhân dân 115; Mô hình khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi tại quận Gò Vấp.
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Giải thưởng - cho biết Hội đồng chuyên môn của giải thưởng gồm 13 giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa trong các lĩnh vực y tế.
PGS Tăng Chí Thượng cũng nhấn mạnh, giải thưởng chính là sự công nhận của người dân đối với những cống hiến của đội ngũ “Blouse trắng”. Dù nổi bật hay thầm lặng, những cống hiến của họ đều đáng được trân trọng, tôn vinh, là động lực để họ tiếp tục phấn đấu vì sự nghiệp chăm sóc người bệnh.
Kết quả vòng 1 Giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam 2020 do Hội đồng chuyên môn thẩm định sẽ được công bố vào cuối tháng 12/2020, sau đó các đề cử sẽ được công chúng tiến hành bình chọn qua mạng internet. Kết quả cuối cùng, “10 thành tựu y khoa Việt Nam” xuất sắc thông qua được thẩm định từ hội đồng kết hợp với bình chọn từ cộng đồng sẽ được vinh danh và trao giải trong đêm Gala dự kiến tổ chức vào cuối tháng 1/2021.