Bứt phá đồng bộ, Quảng Nam lọt vào Top 3 khu vực miền Trung về chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đón xuân 2023, Quảng Nam tự hào khi đã có kết quả chuyển đổi số đáng ghi nhận: 100% xã đã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng; 100% sở, ban, ngành có hệ thống thông tin chuyên ngành và tích hợp chữ ký số.
Trung tâm điều hành thông minh (IOC) Quảng Nam
Trung tâm điều hành thông minh (IOC) Quảng Nam

Xây dựng nền tảng số để bứt phá=

Với những kết quả đã có, năm 2022, công tác chuyển đổi số của tỉnh Quảng Nam đã được khẳng định khi lọt vào top 3 khu vực miền Trung về chuyển đổi số.

Để xây dựng nền tảng cho việc triển khai chuyển đổi số, vấn đề đầu tiên được Quảng Nam coi trọng là hoàn thiện khung pháp lý, thể chế số bằng hàng loạt nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo về công tác chuyển đổi số của tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Với sự chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ, đến nay, Quảng Nam đã có 18/20 sở, ban, ngành; 18 huyện thị xã, TP xây dựng xong kế hoạch chuyển đổi số năm 2022; 9 huyện, thị xã, TP ban hành đề án chuyển đổi số.

Quảng Nam cũng có quyền tự hào khi đã có 2.100 trạm BTS, đường truyền cáp quang đã kéo đến 100% xã, phường; 98,2% cấp thôn; 100% xã được phủ sóng 3G, 4G; 63,5% thôn có wifi tại nhà văn hóa; 100% xã đã triển khai thiết lập hạ tầng viễn thông và triển khai đường truyền số liệu chuyên dùng, điểm phục vụ bưu chính, wifi tại trụ sở UBND xã, trường học, trung tâm y tế xã.

Đặc biệt, Quảng Nam đã kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng đến 100% số xã trên địa bàn, nâng cấp hạ tầng Trung tâm dữ liệu tỉnh, đảm bảo năng lực triển khai Chính quyền số và đô thị thông minh; thiết lập hệ thống hội nghị trực tuyến tại 8/20 điểm cầu sở, ban, ngành và 100% cấp huyện, xã, phường, thị trấn.

Trong năm 2022, 100% sở, ban, ngành ở Quảng Nam đã xây dựng và triển khai các hệ thống thông tin chuyên ngành phục vụ công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ điều hành tác nghiệp tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

'Các sở, ngành của tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành nền tảng 6 CSDL mới phục vụ chuyển đổi số và cải cách hành chính.

Trên cơ sở xây dựng nền tảng số, Quảng Nam duy trì và cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Nam phù hợp Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và triển khai áp dụng Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh đã được phê duyệt.

Tính đến nay, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) đã kết nối với với 7 dịch vụ dùng chung cấp tỉnh, 1 dịch vụ dùng chung cấp huyện, 3 CSDL chuyên ngành, 9 CSDL do Trung ương chia sẻ qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP).

Bên cạnh đó, trên cơ sở hạ tầng của Trung tâm điều hành thông tin chỉ đạo của UBND tỉnh (IOC), Quảng Nam đã triển khai Tổng đài dịch vụ công 1022, Chatbot trong Cổng dịch vụ hành chính công và Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, ứng dụng Smart Quang Nam, egov Quảng Nam… nhằm đáp ứng nhu cầu giải đáp, cung cấp thông tin và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu cải cách hành chính và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Hiện nay, ứng dụng smart Quảng Nam đã có 24.745 lượt cài đặt, ứng dụng egov Quảng Nam đã có gần 1.000 lượt cài đặt.

Quảng Nam đưa ứng dụng Chatbot vào Cổng dịch vụ hành chính công và Cổng Thông tin điện tử của tỉnh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong cải cách hành chính

Quảng Nam đưa ứng dụng Chatbot vào Cổng dịch vụ hành chính công và Cổng Thông tin điện tử của tỉnh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong cải cách hành chính

Xác định vấn đề nhân lực CNTT, chuyển đổi số là một phần quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của địa phương, riêng năm 2022, Quảng Nam đã đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số cho 5.000 lượt cán bộ, 1.000 người dân, thành lập gần 1.000 tổ công nghệ cộng đồng với hơn 4.000 người tham gia và tập huấn cho 100% thành viên tổ công nghệ cộng đồng để triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số.

Top 3 khu vực miền Trung về chuyển đổi số

Năm 2022, Quảng Nam đã triển khai nền tảng chính quyền số trên cơ sở tích hợp hệ thống quản lý văn bản Qoffice tập trung đến tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, kết nối trục liên thông văn bản chính phủ và tích hợp chữ ký số chuyên dùng, phục vụ gửi nhận văn bản điện tử…

Đến nay, hầu hết các đơn vị đã thực hiện gửi nhận văn bản điện tử (không kèm bản giấy) đối với các văn bản thông thường.

Trên cơ sở tích hợp chữ ký số, Quảng Nam đã triển khai ứng dụng chứng thư số, chữ ký số đến 100% cơ quan nhà nước của tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tính đến tháng 12/2022, Quảng Nam đã cấp 4.414 chứng thư số, chữ ký số cho tổ chức và cá nhân.

Trong đó, có 791 chứng thư số cho tổ chức; 3.622 chữ ký số cho cá nhân, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin mạng trong gửi, nhận thông điệp điện tử, văn bản điện tử và chứng thực điện tử.

Với những nỗ lực này, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được triển khai đồng bộ đến 20 sở, ngành và 100% cơ quan quận, huyện, TP, xã, phường, thị trấn; Cung cấp 1.463 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4.

Đặc biệt, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh đã kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia cung cấp công khai 1.396 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia phục vụ nhu cầu giải quyết TTHC của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh với tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 55,73% (trong đó cấp tỉnh là 75,98%; cấp xã, huyện là 35,48%)

Về kinh tế số, toàn tỉnh Quảng Nam có 175 sản phẩm OCOP và 123 sản phẩm vùng miền được đưa lên sàn thương mại điện tử. Hoạt động kinh tế số được đẩy mạnh và triển khai rộng khắp các lĩnh vực kinh tế.

Quảng Nam hiện có hơn 17.300 giao dịch trên sàn thương mại điện tử; 5.341 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử; 168.818 hộ sản xuất nông nghiệp được đạo tạo kỹ năng số.

Tuyển sinh trực tuyến, một ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục tại Quảng Nam

Tuyển sinh trực tuyến, một ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục tại Quảng Nam

Bên cạnh các nỗ lực chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, Quảng Nam đã triển khai nhiều nội dung nhiệm vụ theo chiến lược chuyển đổi số Quốc gia.

Y tế là một lĩnh vực được Quảng Nam coi trọng việc chuyển đổi số để phục vụ đắc lực cho công tác khám, chữa bệnh. Vì thế, hiện, hồ sơ sức khỏe điện tử đã được phổ cập trên toàn tỉnh cùng với nền tảng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Các cơ sở y tế hầu hết đã tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân cho người dân trên hệ thống Hồ sơ sức khoẻ điện tử, đạt tỷ lệ 86,58%.

Ngành y tế Quảng Nam đã phối hợp với Công an tỉnh rà soát, cập nhật thông tin mã định danh của người dân bổ sung vào hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư của Bộ Công an vào Hệ thống phần mềm Hồ sơ sức khoẻ điện tử cá nhân; 100% dữ liệu tiêm chủng quốc gia từ hệ thống tiemchung.vncdc.gov.vn đã được cập nhật vào hệ thống hệ thống hồ sơ sức khoẻ điện tử…

Để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, năm 2022, Quảng Nam đã phê duyệt gần 200 tỷ đồng cho các nhiệm vụ, dự án chuyển đổi số trên địa bàn, trong đó, nguồn đầu tư là 124,178 tỷ đồng và nguồn sự nghiệp là 63,121 tỷ đồng.

Với sự chuyến biến mạnh mẽ về chuyển đổi số trong năm 2022, Quảng Nam đã xếp thứ 25/63 tỉnh thành trên cả nước và đứng Top 3 các tỉnh thành khu vực miền Trung về chỉ số chuyển đổi số - DTI 2021.

Mục tiêu nào cho năm 2023?

Từ những thành quả đã đạt được trong năm 2022, thời gian tới, Quảng Nam đặt mục tiêu nâng cao chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT-TT, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân (SiPas), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index).

Bên cạnh đó, tỉnh tếp tục hiện đại hoá, nâng cao năng lực hoạt động công tác quản lý, điều hành trong quản lý đô thị; cải thiện mối liên kết giữa chính quyền - người dân - doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; tạo lập nền tảng xây dựng và phát triển các chuỗi dịch vụ, sản phẩm chất lượng cao, có tính kết nối và mang lại những lợi ích về kinh tế - xã hội cho các đô thị lớn trong khi vẫn giúp đô thị tăng cường năng lực gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể.

Đại diện tỉnh Quảng Nam cho biết địa phương đặt mục tiêu 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử; trên 90% tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; trên 80% tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp huyện; trên 60% tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp xã, được xử lý trên môi trường mạng;

Trên 80% chế độ báo cáo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh và tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống dùng chung của tỉnh và liên thông với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; trên 70% CSDL tạo nền tảng phát triển chính quyền số, chuyển đổi số của tỉnh được kết nối, chia sẻ; mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Hội thảo chuyên đề chuyển đổi số do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức

Hội thảo chuyên đề chuyển đổi số do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp, Quảng Nam đặt mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC; 100% tỷ lệ dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; 100% thôn, khối phố có tổ công nghệ cộng đồng; 100% các nhà văn hóa thôn, khối phố có lắp đặt wifi phục vụ người dân.

Bên cạnh đó, 100% tỷ lệ giao dịch trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được xác thực điện tử. Tối thiểu 60% hệ thống thông tin được xác định cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ. Nhất là 100% cán bộ công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan được tuyên truyền, phổ biến về thói quen, trách nhiệm và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin; và 100% cán bộ chuyên trách CNTT của các cơ quan được đào tạo, bồi dưỡng về an toàn thông tin.

Đối với các trụ cột Chính quyền số, xã hội số và kinh tế số trong giai đoạn mới, Quảng Nam tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, xây dựng các kế hoạch, chiến lược nhằm thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đưa Quảng Nam trở thành địa phương có năng lực chuyển đổi số Top đầu khu vực.