Vào hồi đầu tháng 8/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm ngăn chặn mọi giao dịch giữa các công ty Mỹ với công ty mẹ WeChat - Tencent. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 20/9/2020. Tuy nhiên, nó không nêu chi tiết cụ thể các “giao dịch” bị cấm.
Ngay sau khi Tổng thống Trump tuyên bố lệnh cấm, Liên minh người dùng WeChat tại Hoa Kỳ và một số người khác đã đệ đơn kiện lệnh cấm ứng dụng lên tòa án liên bang ở California. Trong đơn kiện, nhóm này cho biết lệnh cấm của Tổng thống Trump đối với ứng dụng của Trung Quốc là "vi hiến" và vi phạm quy trình tố tụng của người dùng.
Liên minh người dùng WeChat tại Hoa Kỳ cũng nói thêm rằng hành động của họ không có mối liên hệ nào với WeChat hay Tencent - công ty cũng đang tìm cách chống lại lệnh cấm của Tổng thống Trump.
Ảnh: The Indian Express
|
Người dùng WeChat tại Mỹ dùng ứng dụng này để giao tiếp với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp ở Trung Quốc. Đây cũng là ứng dụng nhắn tin, thanh toán và mạng xã hội được sử dụng khá phổ biến. Ước tính, WeChat có khoảng vài triệu người dùng tại Mỹ.
Để xoa dịu dư luận, vào hôm 17/9/2020, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Bộ Thương mại Mỹ “không có ý định thực hiện các hành động nhắm vào những người hoặc nhóm người chỉ sử dụng WeChat như một công cụ để truyền tải thông tin cá nhân hoặc doanh nghiệp giữa những người dùng với nhau”. Bộ này cũng nói thêm rằng, những người dùng như vậy sẽ không phải chịu bất kỳ “trách nhiệm hình sự hoặc dân sự” nào.
Chính phủ Mỹ cũng cho biết việc sử dụng và tải xuống ứng để giao tiếp sẽ không nằm trong “giao dịch” bị cấm, mặc dù việc nhắn tin trên ứng dụng có thể bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi lệnh cấm.
Tuy nhiên, nhóm luật sư của Liên minh người dùng WeChat tại Mỹ cho biết họ không có ý định rút đơn kiện vì cho rằng tuyên bố của Bộ Tư pháp không cung cấp đầy đủ tính pháp lý để bảo vệ người dùng WeChat.
Theo CNBC, Nikkei Asian Review