Một mục đích của việc xây dựng “Tài liệu hướng dẫn ứng dụng dịch vụ điện toán đám mây và thuê dịch vụ điện toán đám mây trong cơ quan nhà nước” là thúc đẩy việc triển khai thuê dịch vụ điện toán đám mây của doanh nghiệp phục vụ phát triển Chính phủ điện tử (Ảnh minh họa).
|
Nghị quyết 17 ngày 7/3/2020 của Chinh phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 đã đề cập đến việc cần tăng cường thuê dịch vụ CNTT của doanh nghiệp; thúc đẩy ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trong hoạt động ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước.
Trong phát biểu tại buổi làm việc của Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử hồi tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử. Bộ trưởng cũng chi rõ các công nghệ nền tảng, chủ chốt trong Chính phủ điện tử mà các doanh nghiệp Việt Nam phải làm chủ được, đó là: mật mã, nền tảng chia sẻ dữ liệu, an toàn, an ninh mạng và điện toán đám mây.
Nhận định điện toán đám mây là hạ tầng của hạ tầng, người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng, trong phát triển Chính phủ điện tử, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phải làm chủ được hạ tầng quan trọng này.
Tiếp đó, tại lễ phát động chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam được tổ chức ngày 22/5/2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định, điện toán đám mây là thành phần quan trọng nhất của hạ tầng số. Hạ tầng số phải được đầu tư trước để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
“Việt Nam phải làm chủ được hạ tầng số, tương tự như những gì đã làm được với ngành viễn thông. Hạ tầng số cũng chính là hạ tầng viễn thông cộng thêm nền tảng điện toán đám mây. Bởi vậy, làm chủ nền tảng điện toán đám mây là rất quan trọng đối với đất nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo phân tích của đại diện Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, ứng dụng điện toán đám mây ở Việt Nam hiện nay trong cơ quan nhà nước chủ yếu ở hai loại là thuê dịch vụ điện toán đám mây của doanh nghiệp và ứng dụng điện toán đám mây trong hệ thống CNTT của cơ quan nhà nước.
Trong đó, về thuê dịch vụ điện toán đám mây của doanh nghiệp, ngoài các dịch vụ như thuê đường truyền, các cơ quan nhà nước vẫn còn nhiều lúng túng về lựa chọn các dịch vụ điện toán đám mây phù hợp để thuê và quản lý sử dụng dịch vụ có hiệu quả đáp ứng các yêu cầu, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Đây cũng là loại hình mang đầy đủ các tính chất của điện toán đám mây.
Đối với ứng dụng điện toán đám mây trong hệ thống CNTT của cơ quan nhà nước, hiện nay mới chỉ ở mức độ sử dụng các công nghệ ảo hóa hạ tầng của cơ quan nhà nước. Trong tương lai có thể sẽ triển khai xây dựng đám mây riêng của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, việc triển khai ra sao sẽ phụ thuộc vào các bài toán cụ thể, đặc thù và khó hướng dẫn chung.
Trước đó, vào ngày 3/4/2020, Bộ TT&TT đã có hướng dẫn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Tuy nhiên, nội dung hướng dẫn này chủ yếu là cung cấp các tiêu chí kỹ thuật hạ tầng, chưa hướng dẫn được các vấn đề còn lúng túng trong quá trình ứng dụng dịch vụ điện toán đám mây nêu trên.
Vì thế, để tăng cường thuê dịch vụ CNTT của doanh nghiệp, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trong hoạt động ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước, đồng thời sử dụng dịch vụ điện toán đám mây phục vụ phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, Cục Tin học hóa đã nghiên cứu kinh nghiệm thế giới và đặc điểm hoạt động thuê dịch vụ CNTT hiện tại để xây dựng “Tài liệu hướng dẫn ứng dụng dịch vụ điện toán đám mây và thuê dịch vụ điện toán đám mây trong cơ quan nhà nước”.
Cục Tin học hóa cũng cho biết, tài liệu hướng dẫn ứng dụng dịch vụ điện toán đám mây và thuê dịch vụ điện toán đám mây có đối tượng áp dụng là cơ quan nhà nước các cấp tại Trung ương và địa phương sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng CNTT của mình; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây để tham khảo, xây dựng các dịch vụ điện toán đám mây cung cấp cho cơ quan nhà nước đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Tài liệu này cung cấp những chỉ dẫn cần thiết trong việc triển khai áp dụng, sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của doanh nghiệp vào hoạt động ứng dụng CNTT tại cơ quan một cách tin cậy và hiệu quả.
Cụ thể, hướng dẫn tập trung vào một số điểm như: Xác định các hoạt động ứng dụng CNTT phù hợp để sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, theo đó cơ quan nhà nước sẽ có hướng dẫn để chọn lựa các hoạt động nghiệp vụ phù hợp để đưa lên đám mây và cân nhắc phương án thuê dịch vụ điện toán đám mây hoặc đầu tư xây dựng, vận hành riêng phù hợp hơn với nhu cầu của mình;
Hoạt động đánh giá, lựa chọn, quản lý dịch vụ điện toán đám mây: cơ quan nhà nước sẽ được chỉ dẫn các hoạt động cần thiết để đánh giá lựa chọn dịch vụ; quy trình để thực hiện xác định nhu cầu, khảo sát đánh giá, thuê dịch vụ, quản lý vòng đời dịch vụ và các hoạt động cần phải quan tâm khi kết thúc thời gian thuê dịch vụ điện toán đám mây.
Các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây có thể xem “Tài liệu hướng dẫn ứng dụng dịch vụ điện toán đám mây và thuê dịch vụ điện toán đám mây trong cơ quan nhà nước” mới được Cục Tin học hóa xây dựng tại đây.
Theo ICTNews