Đó là trao đổi của ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) với PV VietTimes nhân dịp Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt Quyết định về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 tầm nhìn 2030.
Chuyển đổi số hay là chết?
- Xu hướng của Việt Nam và thế giới chứng minh thực tế rằng chuyển đổi số là tất yếu. Tuy nhiên, việc thực tiễn triển khai ở mỗi nước sẽ khác nhau. Ông có thể cho biết việc triển khai chuyển đổi số tại Việt Nam có những điểm mạnh và điểm yếu nào?
Ông Nguyễn Huy Dũng: Thực tế, chuyển đổi số là tất yếu, là yếu tố quyết định đến sự tồn tại của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, để tiến hành chuyển đổi số thành công các tổ chức phải biết điểm mạnh, điểm yếu của mình, trên góc nhìn vĩ mô, việc chuyển đổi số tại Việt Nam có những điểm mạnh và điểm yếu riêng.
Có thể khẳng định, điểm mạnh đầu tiên đó là về nhận thức và chủ trương đúng, kịp thời của Đảng, Chính phủ về cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số. Đó là ý chí và khát vọng của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, con người Việt Nam về xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, không bị áp lực và tổn thất lớn do phải chuyển đổi mô hình cũ, công nghệ cũ.
Cùng với đó, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và tỷ lệ sử dụng công nghệ phát triển rất nhanh. Đặc biệt ở nước ta có nguồn nhân lực trẻ, thông minh, ham học hỏi, sáng tạo, thích ứng nhanh và có khát vọng làm giàu. Cuối cùng ở Việt Nam ta có điều kiện tốt về vị thế chính trị ổn định, dân số, địa lý, khí hậu, tài nguyên.
Cùng với đó, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những điểm chưa được. Thực tế, Việt Nam vẫn là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, nên nguồn lực đầu tư hạn chế.
Về thể chế, khung pháp lý, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, doanh nghiệp chưa đáp ứng vai trò kiến tạo cho phát triển kinh tế số. Việc đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sáng tạo chưa cao.
Công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực CNTT chưa đáp ứng nhu cầu. Và hơn cả, tỷ lệ doanh nghiệp, người dân Việt Nam hiểu biết, sử dụng CNTT còn thấp.
- Có người nói chuyển đổi số không cần đầu tư nhiều về cơ sở vật chất mà chỉ cần thay đổi tư duy là đủ? Ông có đồng tình về nhận định này không?
Ông Nguyễn Huy Dũng: Thực ra cũng như các hoạt động khác, muốn thực hiện chuyển đổi số phải có đầu tư cơ sở vật chất, tuy nhiên đó không phải là yếu tố quyết định, mà đầu tiên đó là phải có sự chuyển đổi về nhận thức.
Khi đã có nhận thức chuyển đổi số là tất yếu, cấp bách thì một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số.
Nhiều loại hình dịch vụ đã nhanh chóng chuyển đổi số, đưa dịch vụ đặt hàng lên di độn và thanh toán online.
|
Tôi cho rằng mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia.
Đi nhanh, đi trước thì dễ thu hút nguồn lực. Đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực, một sự chuyển dịch mang tính lịch sử. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm giải quyết thách thức, tận dụng tối đa cơ hội, khai thác lợi thế đặc thù của Việt Nam để đi nhanh và đi đầu, tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn lực, huy động sức mạnh toàn dân trong thực hiện chuyển đổi số, thay đổi thứ hạng quốc gia trên thế giới.
Thúc đẩy hoạt động bảo hiểm rủi ro cho chuyển đổi số
- Nhiều ý kiến lo ngại rằng khi chuyển đổi số, an toàn - an ninh mạng, dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư cá nhân bị đe dọa. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia có giải pháp gì để hạn chế tối đa vấn đề này, thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Dũng: Chúng tôi đã tính toán rất kĩ đến những vẫn đề này. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia xác định 6 giải pháp. Trước hết, chúng tôi tổ chức nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong môi trường số, bảo vệ các giá trị đạo đức căn bản của nhân loại và văn hóa truyền thống của Việt Nam;
Cùng với đó là xây dựng cơ chế hợp tác, đối thoại để giải quyết các vấn đề phát sinh; Xây dựng và triển khai hệ thống xác định, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng và kịp thời xử lý, gỡ bỏ; và Xây dựng và triển khai hệ thống đánh giá tín nhiệm số đối với hệ thống thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến;
Đặc biệt, Chương trình sẽ thúc đẩy hoạt động bảo hiểm rủi ro cho chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng và giao dịch trên không gian mạng; và Xây dựng và triển khai hệ thống giám sát, cảnh báo sớm nguy cơ, điều phối ứng cứu sự cố mất an toàn, an ninh mạng cho các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam.
- Bộ TT&TT xác định động lực của chuyển đổi số là gì thưa ông? Để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả, Bộ TT&TT cần có giải pháp gì?
Ông Nguyễn Huy Dũng: Bộ TT&TT xác định phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Để triển khai nhiệm vụ này, 4 giải pháp cụ thể:
Thứ nhất: Xây dựng hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia, nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử phục vụ giao dịch điện tử;
Thứ hai: Xây dựng hệ thống thanh toán điện tử cho phép doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng (Mobile Money);
Thứ ba: Xây dựng và làm chủ công nghệ điện toán đám mây phục vụ nhu cầu của cơ quan nhà nước và xã hội;
Thứ tư: Xác định danh sách các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung rộng khắp để có chính sách khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư phát triển.
Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp này tạo ra các nền tảng dùng chung, từ đó, giúp xã hội tiết kiệm chi phí khi thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số diễn ra thuận lợi hơn.
- Ông có thể cho biết lợi ích mang lại khi triển khai thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia?
Ông Nguyễn Huy Dũng: Khi triển khai thành công, Chương trình này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho Việt Nam, đặc biệt sẽ có tác động, hiệu quả to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Chuyển đổi số sẽ được thực hiện trên cả 3 trụ cột là phát triển Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, với tầm nhìn đến 2030 là: Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Sự thành công của Chương trình cũng sẽ là việc đạt được các mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội nhờ công nghệ số. Chỉ tiêu cụ thể là đến năm 2025, 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; Kinh tế số chiếm 20% GDP; Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng.
- Xin cảm ơn ông!