Quyết định này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2016, thay thế cho Quyết định 803 ngày 28/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình điều tra thống kê.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ trưởng Bộ KH&ĐT có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra thực hiện Chương trình điều tra thống kê quốc gia và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành quyết định. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành, bên cạnh 3 cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia (tổng điều tra dân số và nhà ở; tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; tổng điều tra kinh tế), còn có 47 cuộc điều tra thống kê theo 9 nhóm lĩnh vực gồm: Đất đai, dân số, lao động, việc làm (4 cuộc); Tài khoản quốc gia, tài chính tiền tệ (2 cuộc); Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (8 cuộc); Công nghiệp, vốn đầu tư, xây dựng (4 cuộc); Thương mại, du lịch, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, CNTT (9 cuộc); Cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp (3 cuộc); Giá (8 cuộc); Khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường (3 cuộc); Y tế, giáo dục, văn hóa, trật tự an toàn xã hội, mức sống dân cư (6 cuộc).
Trong 47 cuộc điều tra thống kê theo các lĩnh vực, Bộ TT&TT được giao chủ trì thực hiện 2 cuộc là: Điều tra hoạt động cung cấp dịch vụ TT&TT; và Điều tra hiện trạng phổ cập dịch vụ TT&TT.
Cụ thể, điều tra hoạt động cung cấp dịch vụ TT&TT nhằm mục đích kiểm tra tình hình thực hiện, điều chỉnh, hoàn thiện chính sách phát triển TT&TT. Được thực hiện theo hình thức điều tra chọn mẫu với thời điểm điều tra là theo chu kỳ hằng năm, cuộc điều tra này có đối tượng, đơn vị điều tra gồm: dịch vụ TT&TT (bưu chính, viễn thông, Internet, phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản, CNTT); các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, CNTT, nhà xuất bản, doanh nghiệp in, doanh nghiệp phát hành, cơ quan báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình.
Nội dung điều tra hoạt động cung cấp dịch vụ TT&TT tập trung vào việc cập nhật tình hình năng lực hoạt động cung cấp dịch vụ TT&TT của các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp (gồm doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, CNTT, các đài phát thanh, truyền hình,các cơ quan báo chí, các nhà xuất bản, các cơ sở in); thu thập chỉ tiêu thống kê quốc gia mã số 1301, 1302, 1303, 1304, 1307 và 1310.
Đối với cuộc điều tra hiện trạng phổ cập dịch vụ TT&TT, thời điểm điều tra là theo chu kỳ 5 năm đối với điều tra toàn bộ (tiến hành vào các năm có số tận cùng là 0, 5) và hằng năm điều tra chọn mẫu.
Có mục đích điều tra nhằm xác định mức độ sử dụng các dịch vụ TT&TT trong các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân góp phần đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, chiến lược, mục tiêu phát triển của ngành và quốc gia, cuộc điều tra hiện trạng phổ cập dịch vụ TT&TT có các đối tượng, đơn vị điều tra là các dịch vụ TT&TT; các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, huyện, xã; và các hộ dân cư, thành viên hộ dân cư ở các thôn, tổ dân phố.
Là loại điều tra toàn bộ kết hợp với điều tra chọn mẫu, cuộc điều tra này được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp cùng Bộ KH&ĐT (Tổng cục Thống kê), Văn phòng Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành cập nhật hiện trạng phổ cập dịch vụ TT&TT (bưu chính, viễn thông, Internet, phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản...) trong dân cư; cập nhật hiện trạng cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, huyện, xã; Thu thập thông tin thống kê, tính toán chỉ tiêu thống kê quốc gia mã 1304, 1305, 1306, 1307 và 1308.
Ngoài ra, cũng theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia, Bộ TT&TT còn có trách nhiệm tham gia phối hợp triển khai cuộc Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và một số cuộc điều tra thống kê như: Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ; Điều tra dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch và dịch vụ khác; Điều tra giá sản xuất dịch vụ.