Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đầu năm 2021, Việt Nam sẽ làm chủ 100% hệ sinh thái an toàn an ninh mạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việt Nam đã làm chủ 90% hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng phục vụ các cơ quan Đảng và Nhà nước. Đến đầu năm 2021, Việt Nam sẽ làm chủ 100%. Rất ít nước trên thế giới làm được điều này.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng sứ mệnh của an toàn, an ninh mạng Việt Nam là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng sứ mệnh của an toàn, an ninh mạng Việt Nam là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh thông tin trên tại Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020 với chủ đề “An toàn, an ninh mạng Make in Vietnam – Yếu tố then chốt trong Chuyển đổi số quốc gia”.

Sự kiện do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin (của Bộ Thông tin và Truyền thông) và Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng) tổ chức hôm nay (2/12).

VietTimes xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này:

Kính thưa các vị quý vị đại biểu, khách quý,

Thưa các đồng chí và các bạn,

Cường quốc an ninh mạng thì cũng như cường quốc quân sự. Công nghiệp an ninh mạng thì cũng như công nghiệp quốc phòng. Việt Nam thịnh vượng trên không gian mạng thì cũng phải biết bảo vệ mình trên không gian mạng. Sứ mệnh của an toàn, an ninh mạng Việt Nam là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Trách nhiệm này là trên vai các bạn, các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng. Và cũng là trách nhiệm của Hiệp hội. Mà muốn làm tốt việc này thì chúng ta phải làm chủ hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng. Chúng ta phải xây dựng một nền công nghiệp an toàn, an ninh mạng hùng mạnh. Tôi rất vui khi Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam lấy chủ đề Ngày an toàn thông tin Việt Nam năm nay là “An toàn, an ninh mạng Make in Vietnam - Yếu tố then chốt để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia”.

Một sự kiện rất lớn của lĩnh vực an toàn, an ninh mạng Việt Nam năm nay là tuyên bố Việt Nam đã làm chủ 90% hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng phục vụ các cơ quan Đảng và Nhà nước. Chỉ đầu năm 2021 là Việt Nam chúng ta sẽ làm chủ 100%. Rất ít nước trên thế giới làm được điều này. Đây là tự hào Việt Nam. Chúng ta rất đáng tự hào về điều này. Hiệp hội và các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng rất nên tự hào, vì chính các bạn đã làm nên điều đó. Chúng ta hãy cùng chúc mừng tất cả những người làm việc trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng Việt Nam!

Cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại là cuộc di chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo. Nhưng tất cả các quốc gia đều lo lắng về an toàn, an ninh mạng trong thế giới ảo. Niềm tin số sẽ trở thành yếu tố quyết định cho sự thành công của cuộc di chuyển này. Các quốc gia chỉ có thể có niềm tin này khi công nghệ họ sử dụng là công nghệ mở. Công nghệ mở là để các quốc gia có thể làm chủ công nghệ mà mình sử dụng. Công nghệ mở cũng sẽ giúp cho thế giới được hoà bình vì không một quốc gia nào là superpower về công nghệ. Không còn như trước đây, chúng ta mua một ‘Black Box’ từ một quốc gia khác và phó mặc số phận của quốc gia mình cho một quốc gia khác. Hiện nay, nhiều quốc gia đã tuyên bố chỉ mua công nghệ khi công nghệ là mở, nhất là khi các công nghệ đó dùng để xây dựng các hạ tầng nền tảng quốc gia. Việt Nam phát triển công nghệ 5G dựa trên chuẩn mở OpenRAN. Mạng 5G Việt Nam cũng sẽ dùng chuẩn mở. Đây sẽ là một thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng phải hợp tác chặt chẽ và ngay từ đầu với các doanh nghiệp phát triển sản phẩm và dịch vụ ICT để các sản phẩm, dịch vụ và hệ thống ICT Việt Nam phải được đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.

Chúng ta phải xây dựng một đội ngũ chuyên gia về an toàn, an ninh mạng làm nòng cốt. Riêng về lĩnh vực an toàn, an ninh mạng thì chuyên gia giỏi và nền công nghiệp là quan trọng ngang nhau. Ngoài doanh nghiệp, ngoài công cụ thì còn phải cần các cá nhân xuất sắc. Vì công cụ chỉ xử lý được những lỗ hổng đã biết, những lỗ hổng chưa biết thì chỉ có chuyên gia mới xử lý được. Thí dụ như khi kẻ địch tung ra một loại virus mới thì công cụ đã có không xử lý được, chỉ có chuyên gia giỏi mới ra được vắc-xin mới để xử lý. Nước nào ít người giỏi, ra chậm vắc-xin thì sẽ gặp nguy hiểm. Đội ngũ này nằm ở các doanh nghiệp là chính. Nhưng khi cần thiết, đất nước lâm nguy thì có thể trưng dụng được. Hiệp hội và Cục An toàn thông tin nên cân nhắc đứng ra liên kết mạng lưới này.

Việc kết hợp sự kiện của Hiệp hội với một số hoạt động của Cục An toàn thông tin là một cách tiếp cận tốt, nó kết dính quản lý nhà nước với Hiệp hội. Bộ TTTT luôn coi Hiệp hội An toàn thông tin như một bộ phận quan trọng trong hệ thống an toàn, an ninh mạng quốc gia. Năm nay, nhân sự kiện Ngày an toàn thông tin Việt Nam, Cục An toàn thông tin sẽ tuyên bố một số nền tảng đạt chuẩn, thí dụ như nền tảng Cloud Computing của Việt Nam.

Chuyển đổi số là công cuộc toàn dân và toàn diện. Ứng dụng số sẽ là phổ cập. Và bởi vậy, đảm bảo an toàn, an ninh mạng cũng phải được phổ cập. Muốn phổ cập được thì phải rẻ, phải dễ dùng. Các doanh nghiệp an toàn thông tin phải có cách tiếp cận mới để phổ cập an toàn, an ninh mạng đến mọi cá nhân và tổ chức. Đó có thể là các sản phẩm an toàn, an ninh mạng được phát triển dưới dạng các nền tảng - Platform. Đó có thể là cung cấp an toàn, anh ninh mạng như dịch vụ. Đó có thể là cách tiếp cận Freemium, cung cấp dịch vị cơ bản miễn phí để phổ cập và thu phí phần dịch vụ nâng cao. Đó có thể là công khai giá cơ bản của các sản phẩm an toàn, an ninh mạng. Bộ TT&TT khuyến khích các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng có những cách tiếp cận mới, cả về công nghệ, sản phẩm và marketing, để đẩy nhanh việc phổ cập sản phẩm, dịch vụ an toàn, anh ninh mạng đến mọi người dân và tổ chức.

Đông đảo khách mời chú ý theo dõi nội dung phát biểu định hướng của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Đông đảo khách mời chú ý theo dõi nội dung phát biểu định hướng của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam mỗi năm, nên nhận về phần mình một số công việc mới. Không chỉ là hỗ trợ cho các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng. Mà còn là hỗ trợ cho người dân và xã hội. Đó có thể là soạn thảo và phổ cập cuốn cẩm nang về an toàn, an ninh mạng, dành cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Đó có thể là miễn phí và phổ cập phần mềm bảo vệ trẻ em trên KGM, chiếc iPhone, iPad của các em sẽ chỉ truy cập được vào các trang web lành mạnh. Hiệp hội nên đề cao hơn nữa trách nhiệm xã hội của mình.

Hiệp hội muốn dẫn dắt, muốn thống nhất các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng thì đầu tiên phải có một sứ mệnh lớn. Sứ mệnh lớn không chỉ là trách nhiệm. Sứ mệnh lớn thì mới tạo ra không gian lớn, mới tạo ra năng lượng lớn, mới liên kết sức mạnh. Sứ mệnh lớn thì mới có được sự ủng hộ của toàn dân, toàn xã hội, và của quản lý nhà nước. Và chỉ khi đó, các doanh nghiệp mới phát triển lớn mạnh được. Vì lợi ích lâu dài của chính mình, Hiệp hội và các doanh nghiệp hãy lấy sứ mệnh quốc gia làm sứ mệnh của mình.

Việt Nam cần tham gia tích cực, đóng góp thiết thực hơn cho các hoạt động an toàn, an ninh mạng quốc tế. Đặc biệt đối với các hoạt động do Liên minh Viễn thông Thế giới khởi xướng. Tạo ra một không gian mạng Việt Nam an toàn, chia sẻ thông tin, tổ chức các sự kiện khu vực và quốc tế, đóng góp cho thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp lớn mạnh, sản phẩm an toàn, an ninh mạng chất lượng cao là phương pháp tốt nhất để thực hiện mục tiêu này. Ngày ATTT Việt Nam năm nay đã có sự tham gia của các nước Lào, Campuchia và Myanmar. Năm sau, sẽ phải là tất cả các nước Asean và trở thành sự kiện thường niên của Asean.

Việt Nam phải bảo vệ được chủ quyền và sự thịnh vượng quốc gia trên không gian mạng. Mỗi người đều có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống mới của chúng ta. Hãy cùng thống nhất nhận thức và phối hợp hành động để hiện thực hoá tầm nhìn chiến lược này.

Xin chúc sức khoẻ các quý vị đại biểu, khách quý! Chúc Ngày An toàn thông tin Việt Nam được tổ chức thành công!

Xin trân trọng cảm ơn!