Hội thảo “Chuyển đổi số” từ vượt trội đến dẫn đầu trong kỷ nguyên “bình thường mới” của VACOD (Ảnh: HB) |
Vận động mang tính sống còn
Từ giữa năm 2020, đặc biệt là trong và sau giai đoạn đại dịch COVID-19, “Chuyển đổi số” đã trở thành cụm từ không chỉ mang tính thời sự, mà còn chính là sự vận động mang tính sống còn của doanh nghiệp. Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí, mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có, góp phần vào sự tồn tại và phát triển bền vững của các Doanh nghiệp.
Theo "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Tuy nhiên, Chuyển đổi số nên bắt đầu từ đâu cho đúng và đặc biệt là phù hợp với các doanh nghiệp hàng tiêu dùng vẫn đang là nỗi trăn trở - không chỉ đối với các chủ doanh nghiệp, mà còn cả các chuyên gia công nghệ - những người nắm vững những nền tảng số tiên tiến nhất.
Tại hội thảo “Chuyển đổi số” từ vượt trội đến dẫn đầu trong kỷ nguyên “bình thường mới” do Văn phòng đại diện Hiệp hội hàng Tiêu dùng Việt Nam tại TP.HCM tổ chức, các chuyên gia kinh tế, công nghệ và lãnh đạo doanh nghiệp đã chuyển đổi số thành công, cùng chia sẻ những xu hướng kinh doanh, những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hàng tiêu dùng để trở nên vượt trội và dẫn đầu trong giai đoạn mới.
Toàn cảnh hội thảo chuyển đổi số do VACOD tổ chức ngày 27/11 |
Có mặt tại hội thảo, Giáo sư Hà Tôn Vinh – Chủ tịch Học viện Stellar Management - phân tích sự thay đổi của tâm lý người dùng công nghệ trong thời cách mạng 4.0: “Ngày xưa, cái gì chúng ta cũng phải đến tận nơi. Nay thì chỉ cần ngồi một chỗ, truy cập internet, có thể mua bán, quản lý con cái, nhà cửa, tài sản… xuyên quốc gia. Chẳng hạn, tôi có nhà ở nước ngoài, tôi về Việt Nam nhưng vẫn có thể nhìn thấy nhà mình đang như thế nào, có sạch sẽ không, cỏ đã cao quá quy định chưa… Nếu cần sử dụng các dịch vụ của các công ty chăm sóc, dọn dẹp, thì chỉ cần chuyển khoản trả phí dịch vụ là xong”.
“Hiện tại, ở Việt Nam vẫn đang còn dùng nhiều các app để mua hàng, quản lý tiêu dùng, tích luỹ điểm… Trong tương lai, ngay cả các app cũng sẽ dần biến mất, vì công nghệ nhận dạng qua vân tay và mắt của người dùng cho phép chính xác, bảo mật tuyệt đối. Bạn sẽ không còn lo cảnh bị cướp ở ngoài đường vì trên người không cần mang theo tiền mặt mà vẫn tiêu dùng được mọi thứ mình muốn” - Giáo sư Hà Tôn Vinh phân tích.
Cần tâm, tầm, và sự gắn kết
Hội thảo bao gồm 4 phần trình bày, đưa ra cái nhìn tổng thể về môi trường kinh tế vĩ mô, xu hướng của tiêu dùng của người Việt Nam sau, các giải pháp công nghệ - thương mại điện tử tiên tiến và câu chuyện chuyển đổi thành công của doanh nghiệp hàng tiêu dùng lớn. Song song với đó là 2 phiên thảo luận theo từng chủ đề, để các doanh nghiệp tham gia hội thảo và các diễn giả có cơ hội giao lưu, tương tác, đặt ra những câu hỏi và giải đáp những thắc mắc các nội dung liên quan đến Chuyển đổi số và Công nghệ.
Trong phiên 1, đưa ra cách nhìn nhận về tổng quan môi trường kinh doanh và xu hướng tiêu dùng Việt Nam, xu hướng mua sắm hàng tiêu dùng của người Việt sau Covid 19 với phần phát biểu của ông Nguyễn Huy Hoàng – Giám đốc Thương mại Kantar Worldpanel. Ông Vũ Tú Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) đặt vấn đề về các chính sách kinh tế mới thúc đẩy môi trường kinh doanh.
Phần tọa đàm tương tác về chủ đề những cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam bứt phá sau “bình thường mới” có sự tham gia của Tiến sĩ Trần Du Lịch – Thành viên tổ tư vấn Kinh tế Chính phủ; Giáo sư Hà Tôn Vinh – Cựu trợ lý Nhà Trắng, chủ tịch học viện Stellar Management; ông Vũ Tú Thành, Phó chủ tịch Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN (USABC); ông Nguyễn Huy Hoàng – Giám đốc thương mại Kantar Worldpanel.
Phiên 2 với chủ đề “Kinh tế số và những câu chuyện chuyển đổi số thành công” được thảo luận về các chủ đề: “Bình thường mới, kỉ nguyên của những liên minh kinh tế mới” do bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh – Group COO Yeah1, CEO Giga1 phát biểu.
Câu chuyện chuyển đổi số tại Tập đoàn Điện Quang do ông Phạm Lê Minh – Giám đốc điều hành Tập đoàn Điện Quang tham dự cũng gây ấn tượng với khách tham dự chương trình.
Bà Lê Thúy Nga – Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) tại TP.HCM phát biểu trong toạ đàm |
Phần tọa đàm tương tác cuối buổi hội thảo với chủ đề: “Chuyển đổi số đúng cách để để đón đầu” cũng hết sức “nóng” với các doanh nghiệp. Điều phối toạ đàm này do ông Lê Hải Bình – Chủ tịch Tập đoàn Mắt Bão, cùng sự tham gia của các diễn giả: ông Phạm Lê Minh – Giám đốc Điều hành Tập đoàn Điện Quang, bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh – Group COO Tập đoàn Yeah1, CEO Giga1 và bà Lê Thúy Nga – Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) tại TP.HCM.
“Khi đã thay đổi, thì sẽ có những nhân sự không đáp ứng được nhưng chúng ta phải thay đổi, hay là chết – Bà Lê Thúy Nga nhấn mạnh – Nếu thực sự quyết tâm, có tầm nhìn, có kỹ năng thì sẽ làm được. Trước hết cần xác định rõ chuyển đổi số từ bộ phận nào? Đâu là nguy cơ cho doanh nghiệp của mình? Xác định rõ rồi thì phải mời nhân viên tham gia vào quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp để họ sẵn sàng hơn trong hành trình và tự trang bị cho mình từ kiến thức, kỹ năng đến kinh nghiệm trải nghiệm ở những công việc mới xuất hiện”.
“Cả chủ doanh nghiệp lẫn nhân viên đều phải thay đổi cả về tư duy, kỹ năng và công cụ để giúp doanh nghiệp có thể chuyển đổi số tốt nhất. Vai trò của chủ doanh nghiệp là cung cấp các công cụ để nhân viên sau khi đã học được các kỹ năng rồi thì có đủ môi trường để phát huy được hết năng lực của họ. Nhiều khi đó lại là những năng lực tiềm ẩn mà trước đây họ còn chưa từng nghĩ là mình sở hữu nó nhưng giờ lại được phát lộ và phát huy” – Bà Lê Thúy Nga lưu ý.