Bộ trưởng Đầu tư 'chê' Bộ Công thương chỉ có giải pháp tinh thần

Lo lắng thị trường xuất khẩu nông nghiệp đang dần bị thu hẹp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chỉ ra những việc như Bộ Công thương phát động mua dưa cho người dân chỉ là giải pháp tinh thần, không có ý nghĩa về kinh tế.
Bộ trưởng Đầu tư 'chê' Bộ Công thương chỉ có giải pháp tinh thần

Có lẽ so với các kỳ họp, chưa kỳ nào Bộ trưởng KH&ĐT lại dành nhiều lời nhất để nói về nông nghiệp với hàng loạt thách thức nổi lên như tại phiên thảo luận tổ QH về kinh tế - xã hội chiều nay.

Chỉ ra câu chuyện phát động nhà nhà, người người mua dưa mang ý nghĩa giải pháp tinh thần hơn là kinh tế, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ với các ĐB tổ Lào Cai cả những câu chuyện đáng lo của người trồng cao su, thanh long. 

"Mấy ngày trước DN cao su gặp tôi rất buồn bã, trước 150 triệu đồng/tấn, giờ thậm chí chỉ còn 25 triệu đồng/tấn, đơn hàng nào được 30 triệu đồng là hiếm lắm. Nhiều nơi bắt đầu chặt cây cao su" - ông kể.

Bộ trưởng cho hay, đây là vấn đề không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn cả chính trị nữa vì nhiều nơi ở Tây Nguyên, Sơn La, Điện Biên đã phát động trồng rất mạnh mẽ mà giờ chưa thu hoạch được cao su. 

Nếu 1-2 năm nữa mới cho thu hoạch thì giá không thể thể bán được như bây giờ, chuyện gì sẽ xảy ra?

Câu chuyện của gạo cũng đáng lo. 

Những năm cao xuất khẩu 7,7 triệu tấn/năm vậy mà năm nay quý 1 rất thấp.

Có 3 điểm phải đối mặt mà ông chỉ ra, đó là VN trồng nhiều số lượng nhưng kém về chất lượng, không đủ sức cạnh tranh như gạo Thái Lan. 

Trong khi đó, một số nước bắt đầu dùng chính sách bảo hộ nông nghiệp như Indonesia trước nhập rất nhiều, nay hạn chế nhập khẩu, tự cung tự cấp trong nước.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng kể, vừa rồi tháp tùng Tổng bí thư thăm TQ, ông nghe từ nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nói TQ mấy năm nay sản xuất gạo được mùa, thừa nhu cầu. 

TQ trước đó vốn dĩ nhập gạo của VN vì quá rẻ (khoảng 2triệu tấn/năm). Nên giờ TQ đưa ra quota nhập khẩu rất hạn chế vì đang phải xây kho để chứa gạo nên DN nào nhập gạo phải kèm điều kiện tiêu thụ được bao nhiêu sản phẩm trong nước trước. Điều này khó khăn cho VN vì đây là thị trường lớn nhất.

Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh cũng nhiều lên, có 2 nước trước chỉ nhập không xuất mà giờ tham gia xuất khẩu là Ấn Độ và Pakistan; Thái Lan tích trữ lớn nên cũng bung bán ra với giá rẻ hơn để giải phóng kho nên VN bị cạnh tranh rất gay gắt.

Vậy nếu mỗi năm cứ tiếp tục sản xuất 7-8 triệu tấn gạo thì không biết bán đi đâu.

Câu chuyện của thanh long cũng buồn không kém. Ông kể, mới đây đi cùng đoàn Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vào Bình Thuận, ông chứng kiến cảnh người dân "đua nhau làm và cùng đua nhau chết" khi trồng Thanh Long.

"Diện tích quy hoạch thanh long 15.000 ha nhưng nông dân thấy lợi nên đua nhau trồng, đến 22.000 ha rồi, làm gì chả ế thừa. Như thế là đua nhau làm và cùng đua nhau chết. Vậy mà diện tích trồng vẫn đang tiếp tục tăng lên"- Bộ trưởng kể. 

Từ câu chuyện thực tế, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay, vấn đề nông nghiệp phải nhìn căn cơ và làm ngay trong năm nay.

"Trong khi nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, được đánh giá rất cao về tiềm năng, khả năng, ta cần phải có tính toán cụ thể" - ông nói.

Theo Viet Nam Net