Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã phải xin lỗi vì diễn đàn trực tuyến đã không thể trực tuyến - Ảnh: PHẠM MINH KHÁNH |
Sáng nay, 22-9, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức diễn đàn trực tuyến Tác động của đại dịch COVID-19 - hành động của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với lãnh đạo các sở liên quan của 63 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, sau màn phát biểu khai mạc diễn đàn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng thì ông nhận ra không có tín hiệu âm thanh, hoặc hình ảnh được truyền trực tuyến giữa các điểm cầu qua tin nhắn các địa phương gửi tới điện thoại di động của bộ trưởng.
"Có làm được không hay chỉ nói theo sách vở?"
Bộ trưởng Hùng đã đề nghị nghỉ giải lao 15 phút để văn phòng bộ, bộ phận công nghệ thông tin khắc phục sự cố.
Tuy nhiên sau 15 phút, sự cố không được khắc phục. Bộ trưởng Hùng thể hiện rõ sự không hài lòng với sự chuẩn bị kỹ thuật của văn phòng bộ, ông đành xin lỗi lãnh đạo các địa phương, mời các địa phương "nghỉ", diễn đàn tiếp tục tổ chức "nội bộ" tại điểm cầu tại bộ.
Khẳng định đây là lỗi của bộ phận kỹ thuật, của văn phòng bộ, nhưng ông Hùng nói với tư cách là người đứng đầu, ông nhận lỗi và xin lỗi lãnh đạo các sở địa phương.
Sau đó, văn phòng bộ cho biết đây là lỗi kỹ thuật của đường truyền khiến không thể truyền tín hiệu tới các điểm cầu chứ không phải lỗi từ các thiết bị của bộ.
Sự cố trên rõ ràng đã khiến người đứng đầu ngành văn hóa - thể thao và du lịch rất không hài lòng, ông tiếp tục trở lại "trách cứ" sau phát biểu về chuyển đổi số trong tham luận mở màn diễn đàn của tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh.
Bộ trưởng đặt câu hỏi liệu Tổng cục Du lịch làm được gì với "khẩu hiệu" chuyển đổi số trong ngành này được nhắc tới rất nhiều gần đây, khi mà ngay cả ở bộ "hạ tầng kỹ thuật tối thiểu để truyền tín hiệu trực tiếp từ bộ đến sở cũng không làm được, đi thuê cũng không làm được".
"Hạ tầng kỹ thuật tối thiểu mà văn phòng bộ còn không làm được thì việc lớn như chuyển đổi số thì Tổng cục Du lịch có làm được không hay chỉ nói theo sách vở?", ông Hùng đặt câu hỏi.
Câu trả lời của ông Nguyễn Trùng Khánh trở về "vấn đề muôn thuở" là kinh phí, rằng Tổng cục Du lịch thời gian qua triển khai một số dự án đề án chuyển đổi số du lịch, nhưng các dự án, đề án này "đều cần nguồn lực lớn về vật chất và con người", đặc biệt là cần sự đầu tư quan tâm của Nhà nước vì để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trực tiếp, rất khó kêu gọi xã hội hóa.
Một số dự án có thể kêu gọi xã hội hóa nhưng cũng cần nguồn vốn đối ứng của Nhà nước.
Ông Hùng cũng nhìn thấy thực tế khó khăn này, nên trong phát biểu tổng kết diễn đàn, đã thừa nhận ngành văn hóa lâu nay muốn chuyển đổi số nhưng con người không có, nguồn lực không nhiều mà còn bị phân tán, cơ sở vật chất chưa đồng bộ.
"Nhìn lại chúng ta chẳng có một cái gì trong tay… Tôi nghe có đồng chí nói 'cứ hô chuyển đổi, nhưng chuyển bằng mắt à' cũng thấy chạnh lòng, nhưng thực tế hiện nay đúng là như vậy", ông Hùng nói.
Liên tục hỏi khó
Trong diễn đàn sáng 22-9, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch không phải là đại biểu duy nhất được hỏi khó. Bộ trưởng Hùng ngoài nhắc nhở các đại biểu không đọc tham luận, khuyến khích phát biểu trúng vào "đề bài", tăng mức độ tương tác trong hội nghị (nhưng vẫn nhiều người đọc tham luận), còn tiếp tục hỏi khó nhiều lãnh đạo các cục, tổng cục.
Sau phần đọc tham luận của phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn, ông Hùng cảm ơn bài phát biểu "giàu tính văn học và cảm xúc", ghi nhận những nỗ lực của cục trong việc tổ chức các chương trình nghệ thuật online, "tạo ra hiệu ứng vắc xin tinh thần, đem lời ca tiếng hát phục vụ nhân dân, vào tâm dịch để làm phong phú đời sống tinh thần, xoa dịu nỗi cô quạnh cho dân chúng".
Song, bộ trưởng cho rằng đó mới thực hiện được nhiệm vụ chính trị, còn nhiệm vụ phát triển kinh tế để nuôi bộ máy của hơn 100 đoàn nghệ thuật trong cả nước thì chưa làm được, đặt câu hỏi liệu Cục Nghệ thuật biểu diễn có thể "hiến kế" để các nhà hát, đoàn nghệ thuật có thể kiếm được tiền trên mạng xã hội?
"YouTuber có trên 1 triệu lượt theo dõi là phát sinh doanh thu rồi. Liệu các nhà hát, đoàn nghệ thuật có thể làm được điều đó?", ông Hùng đặt "đầu bài".
Ông Tuấn nói việc các nhà hát, đoàn nghệ thuật thu hút nhiều người theo dõi trên mạng xã hội, tiến tới trở thành kênh phát sóng có thu phí là hướng đi phù hợp với xu hướng công nghệ hiện nay, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ nghiên cứu hướng phát triển này để báo cáo lãnh đạo bộ, hướng dẫn các địa phương thực hiện.
Còn thực tế thì hiện nay đơn vị nào cũng có kênh trên mạng xã hội nhưng chưa thu hút được nhiều người theo dõi.
Với Cục Di sản văn hóa, sau tham luận về phát triển trưng bày online của các bảo tàng của cục trưởng Lê Thị Thu Hiền, Bộ trưởng Hùng "hỏi khó": Bảo tàng được xác định là một trong ba thiết chế văn hóa cần có và hiện tỉnh nào cũng có bảo tàng, nhưng thiết chế này "không hoạt động được, nhiều địa phương đắp chăn", nhờ Cục Di sản văn hóa hiến kế cho lãnh đạo bộ để giải quyết thực trạng này.
Tất nhiên câu trả lời chẳng dễ dàng, như Bảo tàng Hà Nội với đầu tư lớn, ngay giữa thủ đô nhưng đã hơn 10 năm mà vẫn chưa thể mở cửa đón khách.
Người làm văn hóa phải nhìn vào tuyến đầu chống dịch mà soi mình
Phát biểu tổng kết diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành văn hóa, thể thao, du lịch trong thời gian qua đã tích cực chuyển hướng hoạt động, mang đến những "liều vắc xin tình thần" góp phần cùng Nhà nước chống dịch COVID-19 cũng như làm tốt vai trò xây dựng chính sách về lĩnh vực quản lý.
Tuy nhiên, ở một chừng mực nào đó, nhiều hoạt động "có dáng dấp của phong trào, vẫn còn nhiều địa phương, cục vụ tách mình ra khỏi dòng chảy quyết tâm chung của bộ, thụ động, giao thì làm, không giao thì đứng yên".
Ông Hùng nhắc nhở ngành mình "không nên say sưa với những gì đã làm được, phải thẳng thắn, suy ngẫm sâu hơn, nhìn nhiều hơn, thấy sự hy sinh của tuyến đầu chống dịch mà soi mình nhiều hơn nữa".
Theo Tuổi trẻ