Sản phẩm JET và HERO chiếm hơn 80% lượng thuốc lá nhập lậu, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng/năm. |
Liên quan tới câu chuyện Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) muốn đăng ký 2 nhãn hiệu Jet, Hero và yêu cầu huỷ bỏ quyền sở hữu nhãn hiệu với công ty STTC (Indonesia), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản đồng ý với kiến nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ và yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan rút kinh nghiệm do đăng tải các thông tin không đúng.
Trước đó, với lý do “để bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia và người tiêu dùng tại Việt Nam”, Vinataba đã tiến hành nộp đơn đăng ký các nhãn hiệu JET và HERO tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Vinataba kêu gọi ủng hộ việc hủy bỏ nhãn hiệu JET, HERO của STTC để hủy bỏ việc bảo hộ các nhãn hiệu cho sản phẩm thuốc lá đang được nhập lậu với số lượng lớn vào Việt Nam, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, phá hoại sản xuất và kinh tế Việt Nam…
Tuy nhiên, trong văn bản mới ban hành chiều nay của Văn phòng Chính phủ, cơ quan này nêu chỉ đạo của Phó Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, do đến nay, Vinataba không cung cấp chứng cứ về việc STTC liên quan đến hoạt động buôn lậu thuốc lá, đồng thời hành vi buôn lậu không phải căn cứ pháp lý để huỷ bỏ hiệu lực các nhãn hiệu Jet và Hero cho sản phẩm thuốc lá nên Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ không chấp nhận đề nghị của Vinataba chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ các nhãn hiệu của STTC.
Bên cạnh đó, nếu Vinataba không đưa ra được chứng cứ xác đáng về việc STTC không sử dụng các nhãn hiệu Jet và Hero cho sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ giải quyết vụ việc theo hướng không chấp nhận đề nghị của Vinataba chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ các nhãn hiệu của STTC.
Cụ thể, nhận định về vụ việc này, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, Vinataba đưa ra 2 lý do đề nghị chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực là không sử dụng nhãn hiện trong thời gian đăng ký và không trung thực/có dụng ý xấu khi nộp đơn đăng ký nhằm che giấu cho các sản phẩm thuốc lá nhập khẩu bất hợp pháp và kém chất lượng vào Việt Nam, cho đến nay vẫn chỉ dựa vào lập luận và nhận xét chưa có chứng cứ, tài liệu chứng minh, những lập luận của phía Vinataba không được quy định trong pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam.
“Có thể thấy lập luận này cũng nhiều phần mang tính chất suy diễn vì hành vi “buôn lậu” hoặc “làm hàng giả” sản phẩm thuốc lá không phải căn cứ pháp luật về sở hữu trí tuệ đã được quy định để chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. STTC nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Jet và Hero tại Việt Nam từ năm 1989 và hiện nay tại Việt Nam nhiều đối tượng sở hữu công nghiệp như sáng chế, nhãn hiệu… tuy được bảo hộ nhưng do nhiều điều kiện khác nhau vẫn chưa được đưa vào sử dụng”, Bộ Khoa học và Công nghệ nhìn nhận.
Về phía STTC, ngoài việc đưa ra các chứng cứ bảo vệ cho lập luận của mình thì còn đề cập tới việc đưa ra toà án quốc tế. Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, với tranh chấp của vụ việc giữa một công ty nước ngoài đã hoạt động lâu năm trên lãnh thổ Việt Nam, đăng ký nhãn hiệu tại nhiều nước và một doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam chiếm lĩnh thị trường về thuốc lá thì “sự chú ý của giới trong và ngoài nước đối với vụ việc rất cao”.
Theo Dân trí