Biến smartphone thành máy quay phim chuyên nghiệp

Việc nâng cấp thêm một số phụ kiện sẽ giúp smartphone có thể quay phim tốt hơn, không thua kém máy quay chuyên nghiệp.
Việc nâng cấp thêm một số phụ kiện sẽ giúp smartphone có thể quay phim tốt hơn, không thua kém máy quay chuyên nghiệp.
Việc nâng cấp thêm một số phụ kiện sẽ giúp smartphone có thể quay phim tốt hơn, không thua kém máy quay chuyên nghiệp.
Để tiết kiệm chi phí và thuận tiện hơn trong việc di chuyển, bạn có thể sử dụng smartphone và một số phụ kiện bổ sung như Gimbal (thiết bị chống rung), ống kính rời thay vì chọn mua máy quay phim chuyên dụng.
Sử dụng thiết bị cân bằng cầm tay

Khi quay phim bằng smartphone theo cách thông thường (cầm tay), phần lớn video sẽ bị rung lắc nếu bạn thường xuyên di chuyển. Hiện tại, trên thị trường có khá nhiều loại Gimbal dành cho smartphone với đủ mẫu mã và thương hiệu, tuy nhiên đơn giản và dễ sử dụng thì phải kể đến chiếc Smooth Q với mức giá chỉ khoảng 3 triệu đồng. Đây được xem là chiếc Gimbal rẻ nhất hiện nay với hệ thống chống rung ba trục, có thể gắn được nhiều loại smartphone, action cam với kích thước khác nhau và khả năng chịu tải tối đa lên tới 220 g.

Smooth Q có thiết kế khá nhỏ gọn, phần điều khiển bao gồm một nút joystick, nút bật/tắt nguồn và chuyển đổi chế độ. Trước khi sử dụng, bạn hãy gắn smartphone hoặc action cam vào Gimbal, sau đó cân chỉnh thăng bằng bằng tay để hạn chế tình trạng hao pin do motor chống rung phải làm việc quá nhiều. Smooth Q hỗ trợ đến ba chế độ khác nhau bao gồm Pan Following (cho phép smartphone quay sang trái và phải, khóa hướng quay lên xuống hoặc xoay tròn), Following (quay tùy ý theo tay người dùng) và Locking (khóa toàn bộ các trục và chỉ quay đúng một hướng), để chuyển đổi bạn chỉ cần nhấn vào nút Mode một, hai hoặc ba lần.

Nếu muốn sử dụng các chức năng nâng cao như quay Time-lapse (tua nhanh), Slow motion (quay chậm), Moving time lapse (tua nhanh thời gian), Livestream… người dùng cần phải cài đặt thêm ứng dụng ZY Play (https://goo.gl/V2WohG) cho iPhone hoặc Zhiyun Assistant (https://goo.gl/9Gwkvv) nếu đang sử dụng các thiết bị Android.

Nâng cấp thêm ống kính
Về cơ bản, camera trên smartphone thường không có khả năng quay cận cảnh (macro) hoặc góc rộng. Trong trường hợp này, bạn cần phải trang bị thêm ống kính gắn ngoài của Aukey, Orea… với mức giá khoảng vài trăm ngàn.

Ống kính góc rộng sẽ giúp mở rộng khung ảnh, thích hợp khi quay phong cảnh hoặc selfie với nhóm bạn. Thông thường, các ống kính sẽ có độ mở từ 0,67x đến 0,36x, con số càng nhỏ thì độ mở càng lớn. Tương tự, ống kính macro sẽ giúp bạn quay được cận cảnh những vật thể nhỏ như giọt nước, nhụy hoa, côn trùng… ở khoảng cách cực gần (tầm 1-4 cm) tùy vào ống kính đang sử dụng. Ở khoảng cách này, camera trên điện thoại sẽ không thể bắt nét, vì vậy bạn sẽ cần đến sự trợ giúp của ống kính macro. Ảnh chụp cận cảnh sau vẫn giữ được độ nét và trong, thậm chí một số loại còn hỗ trợ xóa phông. Ngoài ra còn có ống kính Zoom, mắt cá để đáp ứng nhu cầu quay phim từ xa hoặc muốn có một góc nhìn đặc biệt.

Cài thêm các ứng dụng hỗ trợ

Ứng dụng camera mặc định trên smartphone thường có rất ít tính năng, do đó người dùng nên cài đặt thêm một số phần mềm miễn phí như Musemage tại địa chỉ https://goo.gl/4CX0fu (iOS) hoặc https://goo.gl/uMNZf9 (Android). Giao diện của ứng dụng khá chuyên nghiệp, hỗ trợ nhiều chế độ như Blue Screen (tách nền), Magic Color (thay đổi màu sắc vật thể), Manual (tinh chỉnh các thông số bằng tay), Time-Lapse và Stop Motion. Khi bấm vào biểu tượng cây đũa ở góc phải, bạn sẽ thấy xuất hiện hàng chục bộ lọc theo kiểu màu phim, xưa cũ, cổ điển, trắng đen… cùng các hiệu ứng xóa phông, tranh vẽ, manga, tuyết, mưa rơi. Trong quá trình quay phim, bạn có thể bấm vào nút Pause để tạm dừng khi chuyển cảnh hoặc phân đoạn, việc này sẽ giúp hạn chế các thao tác cắt bỏ khi hậu kỳ và tiết kiệm dung lượng lưu trữ. Về cơ bản, tính năng này khá hữu ích nếu bạn thường xuyên sử dụng iPhone để quay phim.

Những giải pháp cao cấp

Ngoài những giải pháp kể trên, người dùng cũng có thể tìm mua Gimbal của các hãng nổi tiếng như Ikan, DJI Osmo... để được trang bị thêm tính năng chống nước và khả năng chống rung tốt hơn, trong đó một số có cả ống kính rời cao cấp. Bên cạnh đó, những loại ống kính rời của Sony như QX100 hoặc QX10 cũng là sự lựa chọn không thể bỏ qua. Tuy nhiên, các giải pháp trên đòi hỏi người dùng phải bỏ ra các chi phí không nhỏ.

Theo Pháp Luật TP.HCM
 
http://kynguyenso.plo.vn/ky-nguyen-so/thiet-bi-so/bien-smartphone-thanh-may-quay-phim-chuyen-nghiep-727481.html