Rút kinh nghiệm những tồn tại từ kỳ thi THPT quốc gia 2018, năm nay, các địa phương đã tổ chức Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng với nhiều đổi mới.
Một trong những nét mới này là công tác bảo quản đề thi và bài thi. Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết bài thi, đề thi sẽ được bảo quản tại một phòng riêng an toàn, chắc chắn, có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động bên trong phòng 24/24 giờ, có bộ lưu điện dự phòng để không xảy ra tình trạng mất điện.
Tại TP.HCM, công tác chuẩn bị cũng được triển khai nghiêm túc, tích cực. Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức 20 đoàn kiểm tra 111 điểm thi. Ngoài chuẩn bị các điều kiện tổ chức thi, đảm bảo an toàn điểm thi, Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh cũng quan tâm đến công tác truyền thông; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, lên phương án hỗ trợ thí sinh, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh dự thi.
Tại Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, Trưởng Ban chỉ đạo thi các tỉnh này cho biết, những “lỗ hổng” xảy ra sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã được các địa phương đặc biệt lưu ý, khắc phục. Ban Chỉ đạo thi các tỉnh này đều quyết tâm tổ chức tốt kỳ thi năm nay, nhằm lấy lại lòng tin của nhân dân.
Tuy nhiên, để ngăn chặn gian lận thi cử một cách triệt để vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Bên lề kỳ họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến việc phòng, tránh gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 và cho rằng cần có giải pháp căn cơ để đảm bảo kỳ thi thật công bằng đối với các thí sinh, ngăn chặn gian lận thi cử.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT - cho hay, năm nay, Bộ GD&ĐT đã có nhiều điều chỉnh mới để phòng chống gian lận thi cử.
Thứ nhất, về sắp xếp phòng thi, các thí sinh tự do sẽ được dự thi tại một số điểm thi do Sở GD&ĐT quy định. Thí sinh tự do sẽ dự thi cùng các học sinh THPT. Tỷ lệ thí sinh THPT sẽ chiếm ít nhất 60% tại các điểm thi. Như vậy sẽ không có việc các thí sinh tự do được bố trí thi riêng như các thí sinh thuộc Trung đoàn cảnh sát cơ động ở Lạng Sơn năm trước
Thứ hai, trong công tác in, sao bảo quản đề thi. Đây là một khâu đặc biệt quan trong nên yêu cầu các địa phương cần quan tâm để bảo đảm đề thi tuyệt đối bí mật. Năm nay có quy định rõ việc sử dụng camera an ninh giám sát. Cụ thể, tại khu vực lưu trữ đề thi, bài thi phải có camera an ninh, có lực lượng công an trực 24/24 giờ để kịp thời phát hiện, xử lý các dấu hiệu vi phạm và bảo đảm an toàn cho đề thi và bài thi. Khu vực in sao đề thi phải được thực hiện cách ly ba vòng độc lập.
Thứ ba, tăng cường thường trực ban đêm tại địa điểm lưu trữ đề thi và bài thi. Năm nay, việc trực đêm tại phòng lưu trữ đề thi, bài thi tại điểm thi do Phó Trưởng điểm thi, hoặc thư ký là cán bộ, giảng viên của trường đại học, cao đẳng thực hiện, không phải do Trưởng điểm thi là người của các địa phương như các năm trước đây. Việc này nhằm hạn chế tình trạng cán bộ thi của các địa phương liên kết với nhau để thực hiện gian lận thi cử như trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Trong khâu coi thi, niêm phong túi đựng bài thi cũng sẽ có sự điều chỉnh. Đó là sau khi dán tem niêm phong lên như mọi năm, thì túi đựng bài thi sẽ được bảo vệ bằng một lớp băng dính trong, phủ lên tem niêm phong, bảo đảm không ai có thể mở được túi đựng bài thi.
Thứ tư, trong khâu chấm thi tự luận đã quy định rõ việc cách ly trong quá trình làm phách và chấm 2 vòng độc lập. Việc chấm, kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi cùng tốc độ với chấm vòng 1, vòng 2. Các bài thi đạt điểm cao sau khi chấm sẽ được Hội đồng thi tiến hành kiểm tra lại. Các trường đại học trực tiếp chấm thi trắc nghiệm. Phần mềm chấm thi đã được điều chỉnh, dữ liệu chấm thi đã được mã hóa, tiến hành đánh phách điện tử các bài thi trắc nghiệm của thí sinh. Quy định năm nay là quét từng túi bài thi. Theo đó, thay vì quét ảnh bài thi theo lô, không hạn chế số bài như trước đây, năm nay mỗi lô chỉ quét một phòng thi, tương đương với 24 bài, sau đó niêm phong và mở lô mới.
Sự thành bại của kỳ thi THPT quốc gia 2019 trách nhiệm cao nhất thuộc về chính quyền của địa phương, từ cấp huyện cho đến cấp tỉnh, TP. Do đó, đòi hỏi chính quyền địa phương của các tỉnh, thành phố cần quan tâm chỉ đạo việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019, trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ tham gia làm thi. Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia của các địa phương cần lựa chọn thật kỹ các cán bộ coi thi có năng lực, kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm cao; được tập huấn đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, nắm chắc quy trình tổ chức thi.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, nhấn mạnh, để kỳ thi THPT quốc gia diễn ra an toàn, công bằng, nghiêm túc, phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người.