Đây là tin vui cho bệnh nhân và cho cả ngành y tế, sau một khoảng lặng của bệnh viện đầu ngành về mắt.
Từ năm 2022 đến cuối năm 2023, do thiếu các hàng hoá y tế cơ bản, Bệnh viện Mắt Trung ương phải hoạt động cầm chừng, bệnh nhân đến cấp cứu bị từ chối. Bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên cũng không được tiếp nhận. Lượng bệnh nhân đến khám không đạt nổi 50% so với trước. Khoa khám, chữa bệnh theo yêu cầu phải ngưng hoạt động, trong khi trước đó, bệnh viện mỗi ngày tiếp đón 2.000-3.000 bệnh nhân. Các lớp đào tạo không thể triển khai vì không có vật tư để thực hành.
Người dân bức xúc vì buộc phải khám, chữa bệnh ở hệ thống tư nhân với chi phí đắt đỏ, trong khi mà không phải ai cũng có điều kiện. Trong suốt thời gian dài, Bệnh viện Mắt Trung ương trở thành tâm điểm của dư luận, là nỗi lo âu của Bộ Y tế.
Đặc biệt, sau khi hơn nhiều người hiến giác mạc ở cộng đồng không được tiếp nhận, nguy cơ ảnh hưởng đến công tác vận động hiến tạng, báo chí đã đồng loạt lên tiếng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn giải thích rằng Bệnh viện Mắt Trung ương không có thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế để nhận và bảo quản vì “vướng mắc trong đấu thầu”.
Không ai có thể nghĩ rằng, một cơ sở y tế tuyến cuối như Bệnh viện Mắt Trung ương lại gặp khó khăn trong hoạt động đến vậy, trong khi các bệnh viện khác đã hoạt động trở lại sau dịch.
Ông Hoàng Minh Anh, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp của Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết bệnh viện đã trong tình trạng hết sức khó khăn trong gần 2 năm. Những vật tư tối thiểu như bông, băng, cồn, gạc, hoá chất xét nghiệm không có, các thiết bị, vật tư, sinh phẩm phục vụ cấp cứu cũng không. Để bệnh viện không bị đóng cửa, một số cán bộ trong Bệnh viện đã phải tài trợ bông băng, cồn gạc đủ để hoạt động tối thiểu.
Không thấy tương lai, một số phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa - nguồn nhân lực chất lượng cao của Bệnh viện - đã chuyển công tác đi nơi khác.
Theo ông Hoàng Minh Anh, nguyên nhân khó khăn là do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, đặc biệt là việc đấu thầu chậm triển khai do nội bộ không thống nhất, không dám chịu trách nhiệm và khi triển khai thì một số chính sách về đấu thầu thay đổi, trong khi những văn bản mới chưa kịp ra đời.
Bệnh viện Mắt Trung ương như một “ca đặc biệt” của ngành y tế. Năm 2023, Bộ Y tế phải lập một Tổ hỗ trợ gồm đại diện các cục, vụ chức năng nhằm tháo gỡ khó khăn, nhưng vẫn không giải quyết được.
Trước tình hình này, Bộ Y tế phải điều PGS.TS. Nguyễn Tuấn Hưng, Vụ phó Vụ Tổ chức - Cán bộ, tạm thời kiêm nhiệm phụ trách toàn diện Bệnh viện từ tháng 9/2023. Ông Hưng vừa kết thúc 2 năm kiêm nhiệm quản lý toàn diện Bệnh viện Tâm thần Trung ương cũng trong tình thế dàn lãnh đạo bệnh viện này bị kỷ luật, nên đã có những kinh nghiệm trong giải quyết “tồn đọng”.
PGS.TS. Cung Hồng Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và chỉ đạo tuyến - cho biết, việc đầu tiên mà ông Hưng thực hiện là thống nhất trong Ban Giám đốc không được để bệnh nhân cấp cứu phải chuyển viện, đồng thời, những bệnh nhân quá khả năng của tuyến dưới chuyển lên cũng phải tiếp nhận. Điều này đòi hỏi phải khẩn trương có các mặt hàng phục vụ cấp cứu.
Để có vật tư, sinh phẩm, hoá chất ngay lập tức, hàng loạt giải pháp đã được triển khai. Bệnh viện thực hiện áp thầu với các gói dưới 50 triệu đồng, dù mỗi gói thầu này rất nhỏ, chỉ 3-4 bộ vật tư, không đủ cho một khoa hoạt động một ngày, đồng thời, khẩn trương tổ chức đấu thầu các gói hàng hoá y tế để giải quyết lâu dài việc thiếu vật tư, hoá chất; sửa chữa, thay thế và mua mới các trang thiết bị.
Bệnh viện còn tăng cường hợp tác với các bệnh viện khác để mượn máy và huy động các nguồn lực hỗ trợ cả trong và ngoài: từ xi lanh, chỉ khâu, bông băng, gạc, vật tư, cho đến hoá chất để phục vụ cấp cứu.
Với tinh thần cao nhất là vì người bệnh và dám chịu trách nhiệm, bệnh viện đã vận dụng quy định tối đa để triển khai hàng loạt gói thầu, nên từng bước đảm bảo danh mục thuốc, vật tư, hoá chất...Nhờ vậy, bệnh viện đã có thể tiếp tục nhận các ca cấp cứu, các bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên.
Theo PGS.TS. Cung Hồng Sơn, đến nay, bệnh viện đã đủ điều kiện để đón nhận bệnh nhân trở lại như trước. Hiện mỗi ngày bệnh viện đã tiếp nhận hơn 2.000 bệnh nhân và mổ hơn 200 ca.
“Suốt thời gian qua, khi Bệnh viện không hoạt động được bình thường, chúng tôi luôn thấy áy náy khi phải từ chối bệnh nhân, để họ phải ra hệ thống y tế tư nhân khám, chữa bệnh với chi phí cao. Giờ đây, Bệnh viện Mắt Trung ương đã “hồi sinh” trở lại. Với đội ngũ chuyên gia đầu ngành giàu kinh nghiệm, giỏi nghề và tận tâm, hy vọng sẽ tiếp tục mang đến niềm tin cho người dân như đã từng”, ông Sơn bày tỏ.