Bệnh trầm cảm và những hiểm họa khôn lường

VietTimes – Trầm cảm là căn bệnh diễn biến âm thầm nhưng vô cùng nguy hiểm. Mặc dù không cướp đi sinh mạng con người ngay lập tức, trầm cảm lại khiến bệnh nhân suy kiệt tinh thần, dễ tìm đến tự sát. Trong nhiều trường hợp, trầm cảm được coi là "sát thủ giấu mặt", là nguyên nhân thực sự của nhiều vụ tự tử.
Trong thời đại ngày nay, các bệnh rối loạn tâm thần, đặc biệt là trầm cảm ngày càng phổ biến
Trong thời đại ngày nay, các bệnh rối loạn tâm thần, đặc biệt là trầm cảm ngày càng phổ biến

Trầm cảm – căn bệnh “thế kỷ”

Trầm cảm được xem là một rối loạn tâm trạng, khiến bạn có cảm giác buồn bã, mất mát, chán nản với mọi hoạt động hàng ngày. Theo tờ Medicalnewstoday, trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất trên toàn thế giới và là nguyên nhân hàng đầu gây ra các khuyết tật. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, đến năm 2017, ước tính có đến 350 triệu người bị ảnh hưởng bởi trầm cảm trên toàn cầu.

Chia sẻ với VietTimes, Đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Ca – Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện (BV) Quân y 175 - cho biết các thống kê chỉ ra có tới 20-30% dân số Việt Nam mắc các rối loạn tâm thần, trong đó, trầm cảm chiếm đến 25%. Riêng tại TP.HCM, có khoảng 6% dân số mắc trầm cảm. Đặc biệt, nữ giới dễ mắc trầm cảm hơn nam giới gấp 2 lần.

Đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Ca – Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 175
Đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Ca – Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 175

Bác sĩ Nguyễn Văn Ca nhận định: “Trong thời đại ngày nay, căn bệnh trầm cảm đã trở nên phổ biến. Đặc biệt, trong những năm gần đây số người tự sát do trầm cảm đã tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, nếu phát hiện trầm cảm sớm và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ khỏi bệnh và sinh hoạt bình thường. Do đó, chúng ta cần chủ động trong việc điều trị bệnh trầm cảm, tránh để lâu ngày dẫn đến nặng hơn và người bệnh tìm đến tự sát. 

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm

Bác sĩ Nguyễn Văn Ca chia sẻ: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, trong đó di truyền chiếm một tỉ lệ nhất định. Khi trong gia đình có một người bị trầm cảm thì người trong gia đình sẽ dễ bị mắc căn bệnh này”.

Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến tâm lý như áp lực công việc hay các mối quan hệ, tác động từ mạng xã hội, áp lực học tập, kỳ vọng về chính mình hay người khác nhưng không đạt được… cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh trầm cảm.

Bên cạnh đó, làm dụng chất kích thích như rượu, bia, ma túy,... cũng là một trong những nguyên nhân khiến thể trạng, tinh thần sút và gây ra các rối loạn tâm thần, trong đó có trầm cảm.

Đặc biệt, phụ nữ là đối tượng dễ bị mắc trầm cảm. Theo quy luật, hormone trong cơ thể phụ nữ sẽ có thời kỳ bị sụt giảm kéo theo các vấn đề liên quan đến cảm xúc cũng bị thay đổi.

Một nữ bệnh nhân bị mắc bệnh về sức khỏe tâm thần tại Khoa Tâm thần - BV Quân y 175
Một nữ bệnh nhân bị mắc bệnh về sức khỏe tâm thần tại Khoa Tâm thần - BV Quân y 175

Đối với phụ nữ thời kỳ sinh con, họ thường xuyên gặp áp lực đến từ con cái, gia đình hai bên, nếu không được quan tâm đúng mức, sẽ dễ bị trầm cảm sau sinh. Đồng thời, từ quá trình mang thai đến lúc sinh con, hormone bên trong người phụ nữ cũng đã thay đổi nên cũng sẽ dễ dẫn đến trầm cảm sau sinh.


Dấu hiệu trầm cảm và cách điều trị

Triệu chứng căn bản của trầm cảm là mất hứng thú, cảm thấy bị mất năng lượng và hoạt động trở nên chậm chạp, ngủ ít, giảm cân mà không rõ nguyên nhân. Riêng với thanh thiếu niên, khi bị trầm cảm, họ có thể rơi vào trạng thái cáu kỉnh, khó chịu, cáu gắt, cảm thấy tội lỗi.

Khi thấy một người khác hoặc mình bỗng dưng có những biểu hiện trên, bạn có thể thực hiện các bài test tham khảo trên internet, để biết sơ qua về bệnh. Đồng thời, người bệnh nên đến các cơ sơ chuyên khoa để khám điều trị và tư vấn kịp thời.

Phương pháp điều trị bệnh trầm cảm

“Bệnh trầm cảm nếu không được quan tâm đúng mức và điều trị đúng cách, sẽ gây ra hậu quả nặng nề đối với người bệnh và gia đình. Thậm chí, ở mức độ nặng, bệnh nhân sẽ tìm đến cái chết.

Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh nhân trầm cảm sẽ nhanh chóng cải thiện tình trạng chỉ sau vài tuần” - Bác sĩ Nguyễn Văn Ca cho hay.

Theo bác sĩ Ca, khi phát hiện trầm cảm ở mức độ nhẹ, bệnh nhân cần phải được điều trị đúng đắn để sớm hồi phục sức khỏe tâm thần cũng như ngăn ngừa diễn tiến nặng hơn. Bác sĩ sẽ xem xét các nguyên nhân gây ra trầm cảm ở bệnh nhân sau đó áp dụng phương pháp điều trị thích hợp. Trong trường hợp bệnh nhân bị trầm cảm nội sinh phải dùng hóa dược và có thể áp dụng song song với liệu pháp tâm lý để điều trị.

Nếu bệnh nhân bị trầm cảm do tâm lý phải có sự hỗ trợ của các nhà tâm lý, đồng thời, chính người bệnh cũng phải có sự cố gắng hiểu cảm xúc của mình, có nghị lực để vượt qua căn bệnh.

Bên cạnh đó, tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ có thể áp dụng thêm các biện pháp khác như hoạt động nhóm, hỗ trợ lẫn nhau… Thậm chí, bác sĩ có thể áp dụng đa phương pháp để đạt kết quả cao trong điều trị.