Bệnh mất ngủ đang trẻ hoá: Nguyên nhân và cách phòng tránh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hầu hết bệnh nhân mất ngủ đang điều trị nội trú ở Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã ở giai đoạn muộn, nhiều người đã có dấu hiệu rối loạn lo âu, trầm cảm mới đi khám.

VT_ Phúc 2.JPG
BSCKII. Đoàn Văn Phúc - một chuyên gia về thần kinh - kiểm tra sức khoẻ cho một bệnh nhân nữ bị mất ngủ

BSCKII. Đoàn Văn Phúc - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BV ĐK) Đức Giang (Hà Nội), Phụ trách Khoa Thần kinh - cho biết, bệnh mất ngủ khá phổ biến, nhưng đa số người Việt Nam ít quan tâm nên thường chỉ đến BV khi đã ở giai đoạn muộn.

Hiện nay, mỗi ngày BV ĐK Đức Giang khám và điều trị ngoại trú cho gần 20 bệnh nhân mất ngủ, chưa kể số lượng người mắc bệnh mất ngủ tương đối lớn mà BV đang quản lý. Hầu hết bệnh nhân đang điều trị nội trú ở BV ĐK Đức Giang đã ở giai đoạn muộn, nhiều người có dấu hiệu của rối loạn lo âu, trầm cảm mới đi khám.

Ngủ là quá trình nghỉ ngơi sau những mệt mỏi trong ngày, để hôm sau, cơ thể lại hoạt động bình thường. Giấc ngủ rất quan trọng trong việc bảo tồn sức khoẻ, bởi vậy mất ngủ kéo dài sẽ để lại hậu quả không nhỏ.

Mất ngủ đang bị trẻ hoá

Đáng chú ý khi hiện nay, mất ngủ không còn là “đặc quyền” của người lớn tuổi, mà đang bị trẻ hoá.

Chị Nguyễn Thị Lan (36 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội) đến BV ĐK Đức Giang sau thời gian dài mất ngủ. Chị cho biết hàng ngày rất khó vào giấc. Có lúc chợp mắt thì chỉ cần 1 tiếng động nhẹ là tỉnh dậy, hay đi vệ sinh xong là không ngủ lại được. Cũng do không ngủ được nên chị sinh ra lo nghĩ vu vơ, người luôn thấy uể oải, không muốn làm gì, hay nói chuyện với ai.

Chị Võ Thị Thu (43 tuổi, ở Đức Giang, Hà Nội) cũng cho biết, chị đến khám vì thấy mất ngủ kéo dài. Do không ngủ đủ giấc nên ban ngày mệt mỏi, chị không tập trung được vào công việc. Rồi nhớ nhớ quên quên, ảnh hưởng đến công việc chuyên môn. Chính vì thế, chị luôn trong trạng thái bứt rứt, khó chịu, bất an...

Cả hai người đều phải nhập viện để điều trị, vì bác sĩ cho biết, bệnh mất ngủ đã ở giai đoạn nặng có những dấu hiệu của rối loạn dạng cơ thể.

BSCKII. Đoàn Văn Phúc cho biết những người dễ bị mất ngủ là người cao tuổi, phụ nữ, người có bệnh mạn tính, người chịu áp lực công việc và những người có lối sống thiếu khoa học.

Người già thường bị mất ngủ, theo BS. Phúc, vì một số lý do: Thứ nhất là do nhiều người bệnh tật, phải uống thuốc nên ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Thứ hai, người già hay nằm và khi nằm thường có thói quen tắt điện để tiết kiệm điện và để đỡ bị chói mắt, nên dễ rơi vào trạng thái ngủ lơ mơ, không thành giấc, rồi lại giật mình mở mắt. Điều đó khiến buổi tối các cụ rất khó ngủ.

Thứ nữa là người cao tuổi thường đi nằm sớm, khoảng 7-8h tối và trong khi nằm là các cụ ngủ. Đến 10-11h đêm, khi con cháu đi ngủ, khóa cửa, đi lại, gây tiếng động, các cụ lại tỉnh và rất khó vào giấc.

Một lý do nữa là nhiều người cao tuổi không để ý đến việc uống nước hay ăn canh vào buổi tối khiến đi tiểu đêm, mà khi đang ngủ, dậy đi vệ sinh xong là rất khó ngủ lại.

VT_ Phúc.JPG
Mất ngủ không phân biệt giới tính và lứa tuổi với những hậu quả khá nặng nề nếu không được can thiệp kịp thời

Việc mất ngủ ở nhóm trung niên hay người trẻ do thường có thói quen vào giường rồi vẫn xem điện thoại, hoặc xem tivi.

Một lý do mất ngủ thường thấy ở nhóm người trẻ là nhiều người biến phòng ngủ thành nơi làm việc, mang máy tính vào làm bất cứ lúc nào, kể cả đêm, rồi bị công việc cuốn đi, có khi làm việc đến gần sáng, lâu dần thành thói quen thức khuya.

Thực tế cho thấy rối loạn giấc ngủ rơi nhiều vào phụ nữ hơn nam giới.

Những người hay hút thuốc lá, uống rượu bia, ít vận động, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng…dễ bị tăng nguy cơ mắc chứng mất ngủ.

“Khi không ngủ được, thường bệnh nhân hay suy nghĩ rồi suy diễn, mà chúng ta đều biết, khi đó, nghĩ chuyện khôn thì chỉ một lúc, còn lại đa số là chuyện dở. Rồi càng nghĩ lại càng không ngủ được và cứ như thế sẽ dẫn đến trầm cảm và lo âu”, BS. Phúc giải thích.

Cách tránh mắc bệnh mất ngủ

Với kinh nghiệm điều trị chuyên khoa thần kinh nhiều năm, BS. Phúc lưu ý: Với người cao tuổi, thời gian uống nước chỉ nên kéo dài từ sáng cho đến khoảng 16h, tối đa là 17h, sau đó hạn chế uống nước để tránh đi tiểu đêm. Các cụ nên ăn canh vào bữa sáng, bữa trưa, còn bữa tối chỉ ăn rau củ, quả luộc, không nên ăn canh, để ít bị đi tiểu đêm.

Người cao tuổi cố gắng ngủ và thức theo một khung giờ cố định, tạo thành thói quen. Không nên ngủ nếu chưa phải giờ ngủ, để tránh cả ngày ngủ lơ mơ và hậu quả là ban đêm không ngủ được. Rối loạn giấc ngủ nếu kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn lo âu và trầm cảm.

VT_ BN .JPG
Mỗi ngày, BV ĐK Đức Giang tiếp nhận và điều trị khoảng 20 người mắc bệnh mất ngủ

BS. Phúc cho biết: Cần phải thay đổi thói quen xem điện thoại, TV quá nhiều. Chỉ nên xem đến khoảng 20h30-21h là tối đa, rồi có thể đi bộ, vận động nhẹ nhàng trước khi ngủ, hoặc đọc sách.

Thói quen đọc sách rất tốt với cả người trẻ lẫn người già, khi mang đến rất nhiều thông tin và riêng ở người cao tuổi việc đọc sách có nhiều cái lợi: Chống được sa sút trí tuệ, vì não càng ít làm việc thì nguy cơ teo não ở người già càng cao, dẫn đến sa sút trí tuệ. Do đó, hình thành thói quen đọc sách trước khi ngủ sẽ giúp chóng buồn ngủ hơn.

Để tránh mất ngủ, BS. Phúc cũng khuyên mọi người không nên xem phim trước khi đi ngủ, đặc biệt là những phim hay. Bởi vì dễ bị cuốn theo nội dung phim, dẫn đến tỉnh táo hơn mức bình thường, thế là thức và thành thói quen thức đêm.

Việc xem mạng xã hội trong đêm cũng thường khiến khó buồn ngủ vì bị cuốn theo các nội dung Nhiều người đăng tải hình ảnh, sau đó bị các lượt like hoặc bình luận chi phối. Do đó khi đi ngủ tốt nhất là tắt hết mạng để ngủ ngon hơn.

Một chi tiết nữa để dễ vào giấc và ngủ ngon hơn và sâu hơn, theo BS. Phúc, cần chú ý để phòng ngủ phải thật tối.

Đi khám càng sớm càng tốt

BS. Phúc lưu ý: Nếu thấy tự nhiên bị mất ngủ kéo dài trong vài ba tuần, tối đa là một tháng, thì nên đi khám bệnh, đừng đợi thêm những dấu hiệu khác nữa mới đi khám. Gặp bác sĩ để biết được nguyên nhân mất ngủ và bác sĩ sẽ tư vấn cho cách để giải quyết. Nếu cần thiết, phải kết hợp với thuốc. Khi đó, bệnh sẽ giải quyết được sớm hơn.

“Điều quan trọng là phải đi gặp bác sĩ sớm trước khi sự mất ngủ ảnh hưởng, gây ra tình trạng rối loạn lo âu, rối loạn dạng cơ thể và trầm cảm, nhằm tránh phải điều trị lâu dài”, BS Phúc lưu ý.

Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ như ngủ không sâu giấc, khó đi vào giấc ngủ, thức dậy quá sớm và không ngủ lại được, sáng dậy mệt mỏi, mất tập trung, ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và chất lượng cuộc sống. Nếu mất ngủ kéo dài, không được điều trị kịp thời, dễ dẫn đến sa sút trí tuệ, trầm cảm, rối loạn lo âu, nguy cơ nhồi máu cơ tim...