Trong 16 tuần qua, cả nước đã phát hiện 130 bệnh nhân sốt rét, tăng 128% so với cùng kỳ, riêng Khánh Hòa có 86 bệnh nhân, chiếm 66% số ca nhiễm của cả nước.
Trước đó, năm 2023, Khánh Hoà cũng đứng đầu với 208 bệnh nhân sốt rét và Lai Châu với 93 bệnh nhân. Đáng chú ý khi nhiều địa phương cũng có số bệnh nhân sốt rét cao dù đã được loại trừ bệnh này như Hà Nội, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh. Việt Nam còn trên 6 triệu dân sống trong vùng sốt rét lưu hành.
Theo TS. Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng Trung ương, do Việt Nam là nước nhiệt đới, nhiều rừng núi nên véc tơ gây bệnh sốt rét phát triển, khó kiểm soát, khó tiêu diệt véc tơ. Ngoài ra, chúng ta còn phải đối mặt với tình trạng sốt rét ngoại lai gia tăng, nhất là ở người về/đến từ châu Phi, chiếm 50% số người sốt rét trong năm 2023.
TS, Cảnh cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo việc những người mắc sốt rét kháng thuốc từ châu Phi về có thể làm cho tình hình sốt rét của Việt Nam thêm phức tạp, do việc điều trị khó khăn hơn, vì kháng thuốc sẽ kéo dài thời gian làm sạch ký sinh trùng trong máu hơn nhiều ngày. Nhóm sốt rét kháng thuốc tập trung ở Bình Phước, Khánh Hoà...
Do đó, Việt Nam cần phải có biện pháp dự phòng với tình trạng kháng thuốc ở bệnh sốt rét.
TS. Cảnh cho rằng để khống chế dịch sốt rét, tiến tới loại trừ trên toàn quốc, nhóm người có nguy cơ cao mắc sốt rét phải được bảo vệ bằng các biện pháp thích hợp phòng, chống muỗi sốt rét. Các ca bệnh, ổ bệnh phải được điều tra, xét nghiệm chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và xử lý muỗi bằng phun tồn lưu, tẩm màn hóa chất và truyền thông cho người dân.
Việc áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, các biện pháp mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống và loại trừ sốt rét là cần thiết.
Tuy nhiên, ông Cảnh cũng cho biết công tác phòng, chống bệnh sốt rét còn nhiều thách thức: Người dân tại vùng sốt rét lưu hành, đồng bào dân tộc ít người có thói quen đi nương rẫy không ngủ màn, không uống thuốc đúng/đủ liều khi bị bệnh.
Bên cạnh việc xuất hiện bệnh nhân sốt rét kháng thuốc, cũng đã xuất hiện muỗi truyền bệnh sốt rét kháng hóa chất, khiến cho công tác phòng, chống bệnh gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, vướng mắc trong việc mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống sốt rét là một rào cản lớn trong hoạt động phòng, chống.
Ông Cảnh cho biết thêm, việc chẩn đoán, xét nghiệm ở tuyến cơ sở cũng gặp khó khăn do không có điểm kính hiển vi, hoặc có kính nhưng trình độ của nhân viên xét nghiệm không đảm bảo yêu cầu nên kỹ năng phát hiện kém, số lượng nhân lực không đủ.
Một thách thức lớn với công tác phòng, chống bệnh sốt rét ở Việt Nam là kinh phí cắt giảm, các tổ chức quốc tế cũng giảm dần kinh phí, dẫn đến thiếu hụt nguồn lực tài chính cho công tác giám sát véc tơ và giám sát ca bệnh, là nguy cơ sốt rét quay trở lại khi có ca bệnh ngoại lai hoặc thể ẩn (asymtomatic) phát bệnh lây thành dịch, do không được phát hiện sớm và xử lý không kịp thời.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu