Theo đó, 220 người điều trị tại Bệnh viện Long Khánh, 9 ca chuyển viện, 11 trường hợp xuất viện và gần 90 người điều trị tại nhà trong vụ ngộ độc.
Bác sĩ Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, cho biết: Do số lượng bệnh nhân gia tăng đột biến gây tình trạng quá tải nên chỉ trong một tiếng, Bệnh viện đã khẩn trương mở thêm một đơn vị cấp cứu và điều trị ngộ độc với quy mô 70 giường bệnh để tiếp nhận, điều trị các trường hợp ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, Bệnh viện đã huy động tất cả bác sĩ ở các chuyên khoa khác nhau hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân.
Trong 8 ca chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai, có 2 trường hợp nặng: Một bệnh nhi 6 tuổi đang hôn mê, thở máy và tiên lượng rất nặng. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc nhiễm trùng từ đường tiêu hóa, ngưng tim, ngưng thở trên thể trạng béo phì và đang tích cực cứu chữa cho bệnh nhi này.
Bé thứ 2 là bé trai T.Đ.N.A. (7 tuổi) bị suy hô hấp, sốc nặng, đã được hồi sức, đặt nội khí quản, bù dịch chống sốc, truyền kháng sinh nhưng tình trạng vẫn còn khá nặng.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, một số trẻ đã hồi phục, tuy nhiên một số khác bị khá nặng, trong đó có 1 trường hợp bé trai bị rất nặng.
Bệnh viện đã huy động tối đa nhân lực, các bác sĩ giỏi cùng đội ngũ nhân viên y tế hỗ trợ tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhi. Riêng trường hợp bệnh nhi bị ngộ độc nặng, sau khi được cấp cứu đã được chuyển lên phòng hồi sức tích cực để lọc máu.
Ông Nghĩa cho biết Bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận thêm các bệnh nhi của vụ ngộ độc thực phẩm từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh chuyển lên. Trường hợp cần thiết sẽ huy động thêm thiết bị từ các bệnh viện khác sẵn có.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị Sở Y tế Đồng Nai điều tra, làm rõ nguyên nhân, đồng thời, chỉ đạo bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị, tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu Sở Y tế Đồng Nai:
Khẩn trương điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Đình chỉ ngay cơ sở bánh mì nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở trên, nếu phát hiện có sai phạm cần xử lý nghiêm theo quy định.
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.
Tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tối 2/5, lãnh đạo TP Long Khánh cho biết đến chiều 2/5, việc lấy mẫu thực phẩm tại tiệm bánh mì Băng đã hoàn tất và chuyển đến cơ quan chuyên ngành ở TP HCM kiểm nghiệm.
UBND TP Long Khánh đã yêu cầu tiệm bánh mì Băng ngừng hoạt động. Tiệm này có 4 nhân viên phục vụ bán bánh mì (3 trực tiếp, 1 gián tiếp) không khám sức khỏe định kỳ. Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào dùng để chế biến. Đoàn kiểm tra liên ngành TP Long Khánh đã niêm phong tủ cấp đông của tiệm.
Chủ cơ sở Băng cho hay ngày xảy ra vụ ngộ độc, tiệm phục vụ 1.100 ổ bánh (buổi sáng 500 ổ và chiều là 600 ổ).
Hiện UBND TP Long Khánh đã giao ngành y tế phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan điều tra nguyên nhân và xử lý nghiêm chủ tiệm bánh mì Băng theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra những nơi cung cấp nguồn nguyên liệu cho tiệm bánh mì Băng và xử lý nghiêm nếu phát hiện các vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm.