Bên trong lò sản xuất màn hình iPhone của Trung Quốc

 Những chiếc màn hình iPhone bị vỡ trên khắp thế giới được nhập về các nhà máy ở Trung Quốc. Tại đây, chúng được tân trang và bán ngược lại các nước có nhu cầu lớn như Việt Nam.
Cận cảnh dây chuyền sản xuất màn hình iPhone hàng loạt ở Trung Quốc.
Cận cảnh dây chuyền sản xuất màn hình iPhone hàng loạt ở Trung Quốc.

Khác với tưởng tượng của nhiều người, quy trình tân trang màn hình smartphone tại Trung Quốc được diễn ra chuyên nghiệp với sự hỗ trợ của nhiều máy móc hiện đại.

Màn hình vốn là linh kiện dễ bị hư hỏng do rơi rớt. Nhiều người vẫn có thói quen đem máy đến các cửa hàng sửa chữa thay vì đem đi bảo hành. Nguyên nhân không phải smartphone nào cũng là hàng chính hãng. Chưa kể giá thành và thời gian sửa chữa bên ngoài cũng nhanh và rẻ hơn. Đây là lý do xuất hiện nhà máy chuyên tân trang màn hình với quy mô lớn tại Trung Quốc.

Những smartphone bị bể màn hình trên khắp thế giới được gom về Trung Quốc. Tại đây, họ bắt đầu phân loại và tân trang. Sau đó, những màn hình này lại được bán đi khắp nơi, đặc biệt những nước đang phát triển như Việt Nam.

Theo anh Hồng Quân - đại diện chuỗi bảo hành và sửa chữa điện thoại trên đường Lê Hồng Phong (TP.HCM), hầu hết màn hình iPhone hiện được nhập về từ Trung Quốc. "Tùy giá thành mà chất lượng cũng khác nhau. Một số sản phẩm cao cấp có chất lượng không thua kém hàng 'zin' trong khi giá thành tốt hơn nhiều", anh Quân cho biết.

Do nhu cầu lớn nên những nhà máy tân trang màn hình ở Trung Quốc cũng được đầu tư nhiều máy móc hiện đại, sản xuất theo dây truyền với số lượng khổng lồ.

Trên thực tế, những màn hình tân trang vẫn dùng lại phôi nguyên mẫu, công nhân chỉ ép lại mặt kính. Những nhà máy này cũng được trang bị máy móc hiện đại, độ chính xác cao.

Một nhân viên chuyên ép kính màn hình iPhone trên đường 3/2 (TP.HCM) cho biết mỗi ngày có đến chục khách đến ép lại mặt kính iPhone do bị rơi vỡ. Trước đây, toàn bộ máy móc, phụ kiện đều được nhập về từ Trung Quốc. Vài năm trở lại đây, người Việt đã tự sản xuất được máy móc nhưng phụ kiện như mặt kính, keo dán vẫn phải nhập về.

"Nếu ép lại mặt kính, khách có thể ngồi chờ và lấy luôn. Thợ Việt Nam hoàn toàn có thể ép kính với độ chính xác đến 90%", người này cho biết thêm. Những trường hợp nặng hơn phải thay mới thì của hàng dùng màn hình nhập về từ Trung Quốc. Giá thành sẽ tuỳ thuộc vào chất lượng nhưng rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng.

Những mặt kính bị hư hỏng nặng sẽ được cửa hàng phân loại tiếp. Nếu có thể sửa chữa, rủi ro ít thì kỹ thuật sẽ tự làm lại và thay cho khách hàng khác. Còn lại, họ sẽ gom và bán cho các dân buôn Trung Quốc. Những chiếc màn hình này sẽ được đưa về nhà máy tân trang. Vòng xoay cung cầu cứ thế tiếp diễn.

Trên thực tế, người dùng vẫn hài lòng với những màn hình này về chất lượng và chi phí. Vì vậy, những cửa hàng sửa chữa nhỏ lẻ vẫn đông khách và làm ăn tốt. 

Theo Zing