Vốn hóa thị trường của Alibaba đã tăng lên tới 570 tỷ đô la vào năm 2019 tính đến ngày 20 tháng 12 đưa công ty này trở thành công ty có giá trị thị trường lớn nhất châu Á. Ảnh: Nikkei Asian Review |
Phạm vi thị trường của các công ty công nghệ châu Á đã tăng trưởng mạnh trong năm nay khi các nhà đầu tư đã bắt đầu đánh giá lạc quan hơn về sự phục hồi kinh tế. Đây cũng là yếu tố giúp giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn công nghệ khổng lồ Alibaba Group tăng mạnh, vượt mốc 500 tỷ USD.
Theo tờ Nikkei Asian Review, tính đến ngày 20/12/2019, giá trị vốn hóa thị trường của Alibaba được niêm yết tại New York đã tăng lên 570 tỷ USD, đưa công ty Trung Quốc này trở thành công ty số một châu Á kể từ lần đầu niêm yết vào năm 2014. Trên bảng xếp hạng giá trị vốn hóa toàn cầu, Alibaba xếp thứ bảy sau Facebook và một số “gã khổng lồ” công nghệ khác.
Ảnh: Nikkei Asian Review
|
Với con số này, giá trị vốn hóa thị trường của Alibaba đã tăng 60%, vượt xa mức tăng trưởng 20% của Amazon và 29% của Google.
Ivan Platonov, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn EqualOcean có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết: “Lợi nhuận của các công ty Trung Quốc liên tục tăng đã đóng góp tích cực cho đà tăng trưởng của Alibaba”. Ông cũng cho biết bán lẻ - lĩnh vực kinh doanh tạo ra doanh thu lớn nhất cho Alibaba dường như không hề bị tổn thưởng trước các cuộc chiến tranh thương mại trong thời gian gần đây. “Chính các nhà đầu tư toàn cầu cũng thừa nhận điều này”, ông Ivan nói.
Trong đợt niêm yết lần thứ 2 trên thị trường chứng khoán Hong Kong vào tháng 11, các nhà đầu tư đã đổ xô mua vào hơn 11 tỷ USD giá trị cổ phiếu của công ty này.
Công ty dẫn đầu thị trường châu Á năm 2018, Tencent Holdings đã chứng kiến cổ phiếu tăng 20% tính đến ngày 20/12 nhưng tụt xuống hạng hai trong năm nay do doanh thu quảng cáo giảm. Nguyên nhân của sự tụt dốc này được cho là do sự nổi lên của công ty truyền thông xã hội mới nổi ByteDance, công ty điều hành của ứng dụng video nổi tiếng TikTok. Tencent cũng bị ảnh hưởng bởi những quy định ngặt nghèo mới trong hoạt động kinh doanh game, cũng là mảng kinh doanh cốt lõi của công ty, cụ thể là việc Bắc Kinh phê duyệt ít tựa game hơn trong năm 2019 và áp đặt những hạn chế trong thời gian chơi game của trẻ vị thành niên.
Ảnh: Nikkei Asian Review
|
Trong lĩnh vực công nghệ, mảng kinh doanh chất bán dẫn cũng có khởi sắc. Cổ phiếu Samsung tăng 39% trong khi ngành công nghiệp chip nhớ có dấu hiệu phục hồi. Vào tháng 7, công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) cũng chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung-Mỹ hạ nhiệt.
Thị trường chứng khoán trên toàn cầu đã có một năm tương đối thuận lợi trong năm 2019, với các chỉ số chính tại Mỹ, Đức, Trung Quốc và Nhật Bản đồng loạt tăng 20% thậm chí hơn. Mặc cho tốc độ tăng trưởng kinh tế yếu đi tại hầu hết các quốc gia – Quỹ tiền tệ quốc tế dự đoán tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu trong năm nay sẽ đạt mức 3% - giảm từ mức 3,6% của năm 2018.
"Các nhà đầu tư vốn thích sự tăng trưởng. Vì vậy nếu chứng kiến dù chỉ là một chút sự phục hồi, một chút dấu hiệu tăng trưởng trở lại, bạn sẽ ngay lập tức thấy thị trường vốn phản ứng với điều đó".
Xếp hạng vốn hóa thị trường toàn cầu vốn luôn bị thống trị bởi các công ty Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng năm nay có sự xuất hiện của một công ty dầu mỏ đến từ Ả Rập: Saudi Aramco. Sau vụ "IPO lịch sử" vào đầu tháng 12, vốn hóa thị trường của Aramco đã vươn lên vị trí số một, vượt mặt những “gã khổng lồ” của thế giới như Apple hay Microsoft.
Theo đà tăng trưởng này, các nhà phân tích lạc quan về chứng khoán châu Á vào năm 2020. "Chúng tôi có một tầm nhìn tốt với thị trường vốn trong năm 2020. Nếu suy thoái không còn, bạn sẽ chứng kiến dòng tiền chuyển từ thị trường trái phiếu sang thị trường vốn".
Theo Nikkei Asian Review