Grab đang là cái tên lớn nhất trong loạt các ứng dụng gọi xe qua di động có mặt tại Việt Nam. Ảnh: Internet
Theo Sách trắng thương mại điện tử 2018 do Bộ Công Thương công bố mới đây về đánh giá của người dân liên quan đến các dịch vụ đặt xe được cài đặt trên thiết bị di động (như Grab, FastGo, Go-Viet, Xelo, Vato…), có 60% tỷ lệ người dùng đã từng sử dụng dịch vụ đánh giá gọi xe qua di động nhanh chóng, tiện lợi; 33% đánh giá có giá thành rẻ và 7% đánh giá an toàn do các thông tin của tài xế được lưu lại ứng dụng.
Khảo sát của Bộ Công Thương
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, nói về lý do chưa sử dụng dịch vụ đặt xe trên thiết bị di động, tỷ lệ người chưa sử dụng ứng dụng gọi xe qua di động cho rằng không an toàn (chiếm 58%), 25% cho rằng giá dịch vụ không hợp lý và có 18% cho hay hình thức thanh toán không phù hợp với họ.
Thực tế cho thấy, sau khi Uber Đông Nam Á tuyên bố bán mình cho Grab từ cuối tháng 3/2018, tại thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt ứng dụng gọi xe máy, ô tô qua di động của cả trong và ngoài nước như Grab, Go-Viet, FastGo, Vato, Xelo…
Đây thực sự là cuộc chiến giành giật thị trường khốc liệt khi các doanh nghiệp lớn liên tục tung tiền chạy đua đưa ra các khuyến mãi có lợi cho người dùng nhằm sớm “kết liễu” đối thủ, chiếm lĩnh thị phần.
Sau khi Go-Viet bắt đầu vào thị trường TP.HCM từ đầu tháng 8 và ra mắt tại Hà Nội giữa tháng 9/2018, trong nước đang nổi lên cuộc chiến giữa 2 cái tên đáng gờm nhất đó là Grab (Malaysia) và Go-Viet (thuộc Go-Jek Indonesia).
Trong khi đó, các doanh nghiệp nội tỏ ra lép vế hơn, dù cũng có nhiều tuyên bố mạnh mẽ trước đó.
Ước tính, trong khi các thương hiệu nội như FastGo, Vato… chỉ có vài chục nghìn tài xế thì Grab có khoảng 175.000 tài xế đang hoạt động. Tuy nhiên, dù Grab có nhiều đối tác, nhiều xe, dễ gọi qua ứng dụng hơn cả nhưng không ít người dùng trong thời gian qua đã than phiền Grab tăng cước chóng mặt, thậm chí tăng gấp đôi giá vào thời gian cao điểm khiến họ rụt rè gọi xe.
Theo ICT News