Báo Nga: Trung Quốc chiến thắng COVID-19 nhưng mất uy tín, kinh tế lâm nguy vì ngoại giao Chiến lang

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –Bất chấp thành công của Trung Quốc trong chống đại dịch COVID-19, cảm tình của các nước phương Tây đối với họ vẫn đang giảm sút. Trong bối cảnh đó, phong cách ngoại giao của Bắc Kinh cũng gây tranh cãi.
Tên của bộ phim ăn khách Chiến lang đã trở thành từ đại diện cho phong cách ngoại giao hiếu chiến của Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).
Tên của bộ phim ăn khách Chiến lang đã trở thành từ đại diện cho phong cách ngoại giao hiếu chiến của Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 28/12, báo Độc lập của Nga ra ngày 27/12 đưa tin, các cuộc thăm dò cho thấy danh tiếng của Trung Quốc ở các nước phương Tây và các nước đang phát triển năm 2020 đã xấu đi rõ rệt. Nhiều người không thích việc Bắc Kinh quy kết sự thành công trong việc chống lại dịch bệnh COVID-19 là nhờ vào tính ưu việt của hệ thống chính trị của họ. Đồng thời, các chuyên gia cho rằng do sức mạnh của Trung Quốc ngày càng gia tăng, nước này thường xuyên sử dụng vũ lực để tăng cường các yêu sách về chủ quyền lãnh thổ, do đó chắc chắn sẽ làm gia tăng mâu thuẫn với Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

Theo Độc lập, Bắc Kinh đã chứng tỏ với thế giới bên ngoài thành công không thể bàn cãi của họ trong việc chống lại coronavirus mới (SARS-CoV-2). Trung Quốc tuyên bố họ đã tạo thời gian quý báu để các nước khác có thể chuẩn bị đối phó với thảm họa đại dịch COVID-19 sắp ập đến. Nhưng ở phương Tây, người ta thường cho rằng Trung Quốc đang che giấu điều gì đó và thậm chí Bắc Kinh không minh bạch trong các hành động chống lại đại dịch.

Tờ South China Morning Post của Hồng Kông dẫn báo cáo thăm dò của Pew Research Center (Trung tâm Nghiên cứu Pew) của Mỹ cho biết quan điểm tiêu cực về Trung Quốc đạt mức cao nhất ở Tây Ban Nha, Đức, Canada, Hà Lan, Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Thụy Điển và Australia.

Báo Độc lập (Nga): Chính sách ngoại giao kiểu Chiến lang đang khiến Trung Quốc bị mất uy tín trên quốc tế (Ảnh: Dwnews).

Báo Độc lập (Nga): Chính sách ngoại giao kiểu Chiến lang đang khiến Trung Quốc bị mất uy tín trên quốc tế (Ảnh: Dwnews).

Theo báo này, sau khi đại dịch COVID-19 được khống chế, thuyết cho rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc vượt trội hơn so với hệ thống dân chủ đã nhận được phản ứng tích cực trong nước Trung Quốc, nhưng nó đã không hề được nhìn nhận ở thế giới bên ngoài.

Ông Alexander Lukin, Giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế Matxcơva, cho rằng những thách thức chính mà Trung Quốc phải đối mặt trong một năm vừa qua là sự xấu đi của quan hệ Trung - Mỹ và dịch COVID-19. Trung Quốc đã ngăn chặn đại dịch COVID-19 rất tốt, nền kinh tế của họ đang phục hồi, nhưng Trung Quốc đã bị mất đi uy tín, không phải vì Trung Quốc đã che giấu sự thật về SARS-CoV-2. Khi các nhà ngoại giao Trung Quốc bắt đầu lên giọng dạy người ta phải làm gì và mắng mỏ các nước khác, Bắc Kinh đã đánh mất uy tín của mình do phong cách ngoại giao được gọi là Chiến lang (con Sói chiến tranh).

Học giả Alexander Lukin nói rằng các cuộc thăm dò cho thấy cảm tình của cả thế giới đối với Trung Quốc đang giảm đi. Nền kinh tế Trung Quốc chỉ có thể tồn tại và phát triển nếu nước này duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với các nước khác. Nếu mối quan hệ này xấu đi, sớm muộn gì cũng ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của Trung Quốc.

Bức ảnh ghép trên trang Twitter đã khiến quan hệ giữa Australia và Trung Quốc trở nên căng thằng (Ảnh: Dwnews).

Bức ảnh ghép trên trang Twitter đã khiến quan hệ giữa Australia và Trung Quốc trở nên căng thằng (Ảnh: Dwnews).

Trước những lời chỉ trích của bên ngoài về “ngoại giao Chiến lang” của Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều 10 tháng 12 đã đáp trả tại cuộc họp báo thường kỳ: “Về cơ bản, những lời chỉ trích về “ngoại giao Chiến lang” thực tế là một phiên bản khác của “thuyết về mối đe dọa Trung Quốc”. Mục đích là buộc Trung Quốc ‘đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu’ (bị đánh không được đánh trả, bị chửi không được chửi trả), buộc Trung Quốc từ bỏ quyền nói sự thật”.

Bà Hoa Xuân Oánh nói tiếp: “Những người này cần hiểu rằng Trung Quốc đã không còn là Trung Quốc như 100 năm trước. Các đại diện ngoại giao và những người bảo vệ Trung Quốc là đại diện, bảo vệ lợi ích và phẩm giá của 1,4 tỷ người Trung Quốc, chiếm 1/5 dân số thế giới. Trung Quốc không chủ động gây chuyện, nhưng không sợ chuyện, sẽ không chịu để bị hiếp đáp, tống tiền”.

Bà nhấn mạnh: “Nếu người không đụng đến ta, ta sẽ không đụng đến người, nếu người đụng đến ta, ta ắt đụng đến người. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền, an ninh và sự phát triển của Trung Quốc, bảo vệ lợi ích và phẩm giá quốc gia, cũng như bảo vệ công bằng và công lý quốc tế, làm Chiến lang thì đã sao?”.

Cùng ngày hôm đó, Đại sứ EU tại Trung Quốc, Nicolas Chapuis, khi phát biểu tại một diễn đàn năng lượng ở Bắc Kinh đã thẳng thắn nói rằng EU và Mỹ nên làm việc cùng nhau để chống lại chính sách ngoại giao kiểu ép buộc của Trung Quốc và nói "không" với chính sách ngoại giao "Chiến lang" của Trung Quốc. EU hy vọng có được sự nhất trí với chính phủ mới của Mỹ về chính sách đối với Trung Quốc.

Học giả Nga Alexnder Lukin: các cuộc thăm dò cho thấy cảm tình của cả thế giới đối với Trung Quốc đang giảm đi. (Ảnh: Getty).

Học giả Nga Alexnder Lukin: các cuộc thăm dò cho thấy cảm tình của cả thế giới đối với Trung Quốc đang giảm đi. (Ảnh: Getty).

Tờ Bild Zeitung của Đức hồi giữa tháng 5 năm nay dẫn lời ông Thorsten Benner, Giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách công toàn cầu Berlin, viết: “Các nhà ngoại giao Chiến lang đã đấu tranh cho lợi ích của Trung Quốc theo kiểu Rambo và sử dụng các lời đe dọa, tuyên truyền và thông tin sai lệch thay vì ngoại giao. Một ví dụ điển hình của ngoại giao Chiến Lang là Triệu Lập Kiên, Vụ phó Thông tin kiêm người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc”.

Nhận xét nổi tiếng nhất của ông Triệu Lập Kiên bao gồm tuyên bố trên tài khoản Twitter cá nhân hồi tháng 3 năm nay, cho rằng quân đội Mỹ có thể đã mang đại dịch COVID-19 đến Vũ Hán; cũng như vào ngày 30/11, ông ta đã đăng trên Twitter bức ảnh chế, thực ra là bức tranh của một họa sĩ trên mạng Trung Quốc tên là "Urha Kirin" tự nhận là "Họa sĩ Chiến Lang". Bức tranh có tên "Đạo quân hòa bình" vẽ một người lính Australia đang đứng trên lá cờ Australia với một con dao đang kề cổ một thiếu niên Afghanistan đang ôm một con cừu; bên dưới là phụ đề tiếng Anh “Don't be afraid, we are coming to bring you peace!” (Đừng sợ, chúng tôi đến để mang lại hòa bình cho bạn!). Dòng tweet này đã gây ra sự tức giận và phản đối mạnh mẽ từ Thủ tướng Australia Scott Morrison. Ông Morrison đã cáo buộc bức hình này là giả và lan truyền thông tin sai lệch, đồng thời yêu cầu Triệu Lập Kiên xóa bỏ hình ảnh liên quan và Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải công khai xin lỗi. Nhưng bà Hoa Xuân Oánh, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khác đã thẳng thừng từ chối công khai xin lỗi Australia, trong khi ông Triệu Lập Kiên đã đưa bản tweet lên tin hàng đầu trên Twitter cá nhân.