Chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh trĩ
Trĩ thường được miêu tả là những đám rối tĩnh mạch của hậu môn trực tràng giãn ra, những búi trĩ này sẽ to dần lên do máu tĩnh mạch bị ứ đọng hoặc do sự lỏng lẻo của hệ thống nâng đỡ búi trĩ ở ống hậu môn. Tùy thuộc vào vị trí của búi trĩ người ta chia làm 2 loại: trĩ ngoại và trĩ nội.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm phẫu thuật Đại trực tràng – Tầng sinh môn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết: Nguyên nhân chính xác gây nên bệnh trĩ hiện nay chưa được xác định rõ.
Tuy vậy, các yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh lý này thường bắt đầu ở những người sau tuổi 30, người bị táo bón mãn tính hoặc tiêu chảy, phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Yếu tố di truyền cũng là một nguy cơ dẫn đến bệnh trĩ.
Ngoài ra đại tiện khó khăn, phải rặn nhiều, chức năng đường ruột kém, thường xuyên phải dùng thuốc nhuận tràng, thụt hậu môn là những nguy cơ khiến người bệnh mắc bệnh trĩ.
Các dấu hiệu khi mắc bệnh trĩ gồm: Chảy máu khi đại tiện, xuất hiện các khối thòi ra ngoài khi đại tiện, ngứa vùng hậu môn, đau, xuất hiện những khối cứng nhỏ ở rìa hậu môn.
Nếu không điều trị bệnh trĩ kịp thời, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái thiếu máu mạn tính, sút cân, giảm thể lực, tắc mạch, chảy máu, hoại tử trĩ,...
Trước một số ý kiến cho rằng bệnh trĩ có thể tiến triển thành ung thư, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng nhấn mạnh: "Không có mối liên quan nào giữa bệnh trĩ và ung thư. Tuy nhiên những triệu chứng của bệnh trĩ, đặc biệt là đại tiện máu là dấu hiệu giống với người bệnh ung thư đại trực tràng và 1 số bệnh đường tiêu hóa khác. Vì vậy khi xuất hiện các dấu hiệu này, người bệnh nên đến khám ở phòng khám với những bác sĩ chuyên khoa sâu về hậu môn đại trực tràng. Bên cạnh đó, những bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên nên được tầm soát ung thư đại trực tràng."
Phương pháp trị bệnh hiệu quả, ít đau
Ngày nay có nhiều phương pháp điều trị bệnh trĩ hiệu quả và ít đau, tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Nếu bệnh nhẹ có thể chữa khỏi chỉ bằng cách điều chỉnh chế độ ăn nhiều chất xơ như rau, củ, quả và uống nhiều nước (2-3 lít/ ngày), loại bỏ các yếu tố gây tăng áp lực trong trực tràng (không rặn mạnh, không ngồi toilet lâu,...).
Bên cạnh đó, người bệnh dùng những thuốc gây co mạch, giảm nề, giảm đau như daflon, Ginkofort, proctolog,…,ngồi ngâm hậu môn vào chậu nước ấm khoảng 10 phút có thể giảm đau, sưng nề và giảm hiện tượng thòi búi trĩ ra ngoài.
Với những phương pháp trên, thì hầu hết các triệu chứng của bệnh trĩ như đau phù nề sẽ giảm trong vòng 2 - 7 ngày. Những khối trĩ ngoại tắc mạch có thể hết trong vòng 4 - 6 tuần.
Trong trường hợp khối trĩ tắc mạch đau nhiều liên tục, bác sĩ sẽ phải trích rạch lấy bỏ khối máu cục trong búi trĩ. Thủ thuật này thường được thực hiện tại phòng khám và được gây tê tại chỗ giúp bệnh nhân dễ chịu, bớt đau.
Nếu bệnh diễn biến phức tạp, người bệnh sẽ được điều trị bệnh trĩ bằng các thủ thuật hoặc phẫu thuật như: Thắt trĩ bằng vòng cao su; tiêm xơ búi trĩ, phẫu thuật LONGO, phẫu thuật triệt mạch, treo trĩ; phẫu thuật cắt trĩ kinh điển: phương pháp cắt trĩ hở để hở vết thương như phương pháp Milligan-Morgan hoặc phương pháp cắt trĩ kín khâu lại vết thương như phương pháp Ferguson,...