Bái biệt người Báo, người Thơ Vũ Duy Thông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – … Những năm xa ấy, cái người thơ, chất thơ của Vũ Duy Thông cứ là căng tràn, lồ lộ. Mà có giấu cũng chả được? Mà sao lại phải giấu? Cái thời ấy nó thế! Những năm ấy phải vậy.
Nhà thơ, Nhà báo Vũ Duy Thông
Nhà thơ, Nhà báo Vũ Duy Thông

Nghĩa là đã dính đã bập vào ngạch làm báo quốc doanh ăn lương nhà nước thì cấm tiệt cái việc leo sang ngạch thơ phú văn viếc, chả thể có chuyện ăn cây táo rào cây sung. Ngồi cùng buồng giấy Tòa báo tôi tòng sự là các phóng viên Ban kinh tế Dương Xuân Nam, Nguyễn Hoàng Sơn (sau này đều là các nhà thơ có danh cả). Để ý các lão thường hé cái ngăn kéo trước bụng trong giờ hành chính. Khi cửa phòng bất thần mở là rất lẹ, các ngăn kéo ấy ẩy ập vào êm ru. Thì ra trong lòng ngăn kéo là bản thảo thơ đang nháp dở!

Cũng cần nói thêm không có chỉ thị công văn nào cấm cái việc nhà báo sáng tác thơ văn nhưng cái lệ ấy là bất thành văn mà báo nào ông tổng biên tập nào cũng đều phải nhớ cho kỹ. Vũ Duy Thông đường đường là phóng viên tên tuổi, là người của Tổng Xã (Thông tấn xã Việt Nam) lại càng phải gương mẫu.

Chẳng cần biển đồng, bia đá nhưng lời huấn thị của cụ Tổng Bí thư Lê Duẩn từ cái lần cụ đến thăm Tổng xã đã được các thế hệ làm báo quán triệt nằm lòng. Câu ấy đại để rằng nghề của chúng ta là làm báo – cụ thể hơn là viết tin. Tin và Tin! Nhớ chưa? Chúng ta là Người Lính Xung Kích trên mặt trận báo chí cách mạng.

Vậy nên lứa làm báo mới bập vào nghề vài năm như cánh tôi trên chuyến xe đón về Vùng Mỏ lần ấy của thuở ấy cứ là phục lăn ông phóng viên chuyên tin Vũ Duy Thông. Đã đành tuổi đời, tuổi nghề, ngón nghề nổi trội, nhưng cái đoạn trên xe, chàng phóng viên họ Vũ này cứ hoạt ngôn thao thao chuyện văn chương thơ phú. Đã ngồn ngộn kiến thức văn cùng kinh nghiệm báo, lại rành thứ thủ thuật chuyện trò khiến trên xe lúc thì lặng phắc lúc ồ à lên các cung bậc ngạc nhiên thích thú. Chao ôi, cái khóe miệng như hờn dỗi như gây sự cộng với động thái nheo mắt cùng lọn tóc đen nhánh rủ xuống vầng trán tuổi băm cứ như hợp sức nhau họp thành một sự ma mị? Nhớ thêm hai ẻm đồng nghiệp của hai báo bạn tính khí vốn cũng tinh quái vậy mà có nhiều lúc ngó mặt đờ đẫn hẳn? Đến như tay tổ nhà báo Nguyễn An Định (mà hình như Vũ luôn có vẻ ngại nể, chứ chưa hẳn là sợ?) cũng vờ ngủ để Vũ chiếm diễn đàn!

Sau này tôi mới bừng ra rằng, hình như từ rất sớm, cái thuở bao cấp khốn khó nghiệt ngã ấy, Vũ Duy Thông đã được miễn dịch tự bao giờ? Miễn dịch? Phải quá đi chứ? Là dạng người, tuýp người khó hoặc không dễ bị bắt nạt bị chộ này khác? Mà đó là tài năng là bản lĩnh? Xem nào, năm ấy là 1983, Vũ Duy Thông hoạt ngôn đã có sành có mấu. Lại vừa được kết nạp vào Hội viên Hội Nhà văn. Cái Hội hồi ấy là sang trọng là tiêu chí của đẳng cấp đâu chỉ gần 300 hội viên chứ không một ngàn mấy trăm như bây giờ!

Lại nữa, từ những lẩu lâu, năm 1967 Vũ đã có bài thơ Bè xuôi sông La được Giải của Hội văn bút quốc gia. Lại có thơ được tuyển đưa vô sách Giáo khoa cho bậc học phổ thông. Đó là chưa kể Vũ là tác giả mấy tập thơ bắt mắt.

Anh Vũ Duy Thông (trái) khi đang là phóng viên chiến trường.

Anh Vũ Duy Thông (trái) khi đang là phóng viên chiến trường.

Đêm ấy vùng than ai thức (tên một tác phẩm nổi tiếng của Lý Biên Cương), ai thức thì không biết những cả lũ chúng tôi hầu như không ngủ gần như xuyên đêm. Ấy là cuộc trò chuyện của đám ký giả vừa từ Hà Nội xuống với vài tay viết đất mỏ. Những là Lý Biên Cương, Trần Ngọc Tảo, Mai Phương… Tất nhiên chủ soái cuộc tao đàn ngẫu hứng ấy vẫn là Vũ Duy Thông. Có thêm Nguyễn An Định vừa chủ chiếu kiêm phụ tá đưa đẩy một phần đêm căng chật bao nhiêu chuyện về vùng than mà cánh ký giả mới như bọn tôi luôn muốn hóng! Nhất là những ngày sau có Vũ cùng đi thực tế mỏ nên chất lượng chuyến đi càng thêm xôm tụ. Chả gì thì thổ công Vũ Duy Thông từng đứng chân thường trú mấy năm ở đất mỏ!

Cái đoạn về Hà Nội đến Phà Rừng nhọ mặt người thì trục trặc. Phà hỏng. Con đường huyết mạch thuở ấy nối Đông Bắc với Hải Phòng Hà Nội chỉ có hai lối Phà Rừng Quảng Yên và phà Phả Lại. Mà xe chở chúng tôi lại phải quay về mỏ có việc gấp. Bàn soạn chán, đành ngủ lại ở cái làng Tam Hưng xứ Quảng Yên có đền thờ cụ Trần Hưng Đạo mang địa danh bãi cọc lịch sử…

Làm chi có nhà trọ, khách sạn? Tám mạng người nhét đâu? Nhưng đêm đó gặp may bởi một tay tháo vát trong đoàn. Cụ chủ nhà quen với tay ấy đã hào phóng dọn nhà. Lại đãi món ruốc (loại bạch tuộc nhỏ) luộc cùng nhệch om mẻ. Nhệch tờ tợ như lươn, rắn. Vùng nước lợ Quảng Yên có sẵn giống này. An Định nói vui là cái thứ mà tư cách cao hơn lươn chỉ kém rắn một tý.

Cái đêm nhỡ độ đường ấy như là dịp nối dài cho chuyến đi thực tế vùng mỏ thêm tày tặn bởi sự góp sức của Vũ Duy Thông của An Định bằng những chuyện khá lọt tai! Tất nhiên chút thơ mộng ấy đã phải đánh đổi cả ngày và nửa đêm hôm sau, cả lũ mới mò về được Hà Nội.

Cái người thơ Vũ Duy Thông duyên dáng và chút kênh kiệu ấy lại bất ngờ sắc lẻm và lợi hại bởi những điều tra tân văn báo chí. Như thứ song kiếm hợp bích, loạt bài “Ngành than trước ngưỡng báo động” (tôi nhớ mang máng hình như là Nguyễn An Định và Vũ Duy Thông viết chung) cuối những năm 80 ấy đã làm rúng động Chính phủ, Bộ Nội Thương, Bộ Điện Than và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Tưởng thân gần hệ thống lãnh đạo T.Ư lẫn tỉnh, vậy mà hai tay ký giả gạo cội ấy lại đứng về phe nước mắt - đời sống của hàng vạn thợ mỏ đang đặt ra nhiều vấn đề câu hỏi cấp bách phải tháo gỡ…

Diễn tiến tình hình và kết quả khá ngoạn mục. Phóng viên Vũ Duy Thông, An Định và nhiều ký giả nữa được mời đến các buổi họp trọng. Tôi nhớ có cuộc ông Lê Đại - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh cho gọi ông Vũ Hoan - Phó Chủ tịch tỉnh lên đưa tờ báo ra nếu thế này thỉ phải xin lỗi công nhân…

Thời gian tôi cộng tác với Vũ Duy Thông, Trần Mai Hạnh để làm tờ Tuần Tin tức cũng là thời gian có nhiều điều sở đắc. Cố để vượt thoát kiểu làm báo xơ cứng và định kiến - tuần tin tức là đọc cái tin mà tức cả một tuần - Tờ báo gần như phụ san của TTXVN một thời gian dài được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận.

Một thời gian sau nghe ký giả Vũ Duy Thông sang hẳn phụ trách tờ Tạp chí Diễn Đàn Văn Nghệ. Hóa ra anh lại đầu quân cho cụ Huy Cận (Bộ Văn hóa) chứ không trong diện đề bạt lãnh đạo TTXVN? Rồi lại nghe Vũ Duy Thông đi học cái gì ấy để thi tiến sĩ? Chả phải lời đồn nữa mà Vũ Duy Thông trở thành PGS.TS thật. Ngành mỹ học.

Những câu thơ, bài thơ của ông vẫn còn đây trong tâm trí để nhớ mãi về một thi sĩ tài hoa, thân thiện và yêu thương tha thiết cuộc đời.

Những câu thơ, bài thơ của ông vẫn còn đây trong tâm trí để nhớ mãi về một thi sĩ tài hoa, thân thiện và yêu thương tha thiết cuộc đời.

Bẵng đi cũng lâu lâu. Rồi chính thức cái tin Ban Tuyên giáo TƯ có cán bộ mới. Ngồi vào cái ghế của Vụ trưởng Vụ báo chí của Ban là người báo người thơ Vũ Duy Thông. Cái chức ấy cũng chưa phải là ghê nhưng cũng là ngạch quan báo?

Cũng đã vài cái Tết ngó chồng báo Xuân mà báo nào cũng có bài, có thơ Vũ Duy Thông! Thấy cũng phải nhẽ. Nhưng có cảm giác kềnh kệnh thế nào? Thơ Vũ Duy Thông đăng báo mà là báo Tết thì phải quá đi rồi? Nhưng sẽ như thế nào nếu như các Tổng Biên tập lờ hoặc trót quên thơ Vũ Duy Thông nhỉ? Lẩn thẩn nghĩ vậy vì ông Thông đương phụ trách đương làm cái việc coi sóc trông nom công việc của các Tổng biên tập mà?

Nhớ cái lần có chút duyên may dự vào một cuộc đi công cán xứ người với vài quan báo. Có Vũ Duy Thông, Hữu Ước, Trần Đăng Tuấn (khi ấy là Phó Đài truyền hình T.Ư) Phạm Hoàn bên Lao động và mấy vị khác.

Đêm ấy ở một khách sạn Ma Cao - HongKong (trước thời điểm bàn giao cho Trung Quốc), nghe kháo nhau chuyện phục vụ khách sạn này đâu như có tới mấy trăm em chuyên nghề buôn phấn bán hương. Độc đáo là đội ngũ ấy gồm 25 quốc tịch cả thẩy? Thấy có cảm giác là lạ khi nghe Vũ Duy Thông khuyến khích tôi nên mạnh dạn làm cái việc đi gặp các ẻm để thực hiện một phóng sự mà ông cho là hết sức độc đáo? Tôi phì cười, ông Vũ ôi, giá như mà có sức lực của mươi năm trước! Giá mà cái vốn tài chính lẫn ngoại ngữ lưng lửng…

Chuyến đi ấy ngược mãi lên Bắc Kinh. Rồi quay về Thâm Quyến. Chúng tôi như có dịp ngồi lẫn nằm với nhau lâu hơn? Như là lặp lại những cự ly gần của một quá vãng chuyên hành nghề tin tức phóng sự…

Thôi cứ như cau vườn/ Nhích lên từng đốt một/ Trời đã cho một búp/ Gắng gỏi mà xanh tươi.

Tôi đọc lại khổ thơ của tác giả đương nằm bên cứ như một phương pháp một triết lý sống?

Vũ Duy Thông cười phá lên.

Chúng mày nhiều đứa hiểu trật lấc hết! Làm như tao can dự vào ghế này chức nọ là tao đang đánh mất mình! Không đâu cái búp cau Vũ Duy Thông mà giời cho ấy vẫn xanh vẫn tươi đấy chứ!

Bất đồ, chất giọng dường như thao thiết trở lại năm đã xa. Khẩu khí thời rất xa ấy. Khi Vũ giờ đương đọc lại những thứ cũ lẫn mới…

Cha ngồi xếp gạch góc vườn/ Bóng bửa ra theo từng viên gạch vỡ

Chập chờn tôi có nghe chuyện Vũ Duy Thông thường tắm cho ông cụ thân sinh hồi cụ đau yếu…

Em thành em của riêng tôi/ Tôi thành của bấy nhiêu người thoảng qua.

Dân quê ta khuấy đũa đánh phèn/ Bùn lắng xuống cho người rõ mặt.

Và cả chuyện có một Vũ Duy Thông rất mực chu toàn với vợ con cùng quê kiểng?

Sau chuyến đi ấy lại nghe sau khi hưu ông Vũ còn đảm nhận cái chức Phó cho ông Đào Duy Quát cái trang tin điện tử Đảng CSVN.

Tôi chợt thầm gật gù với cái ý nghĩ gần như đã mặc định, là cái ông quan báo này dẫu có đóng có bập vào chức gì thì chức thì lão vẫn tìm vẫn ghìm giữ lại cái người thơ! Để mà cân bằng mình. Để giữ để xanh cái búp cau giời cho thuở nào?

Với lại tính khí đa cảm ấy với lão chỉ đủ gắng gỏi được cái chức be bé? Mấy câu dưới đây nhiều người cứ quở là gở. Nhưng đây mới là thứ tuyên ngôn sống, tuyên ngôn thơ.

Mai sau trên những bãi cồn/ Đừng tìm tôi dưới cỏ non xanh dày/ Bởi tôi dẫu thoáng phút giây/ Từng theo đàn sếu xoải bay trong mù.

Lâu không có dịp gặp lại. Loáng thoáng biết thêm ông Vũ nghỉ hẳn bởi chứng bệnh tim.

Rồi lại nghe tin dữ, vậy là đã thăm thẳm bóng một người báo người thơ!

(Bài sẽ góp mặt trong cuốn "Đồng nghiệp, những cự ly gần" sắp xuất bản)

PGS.TS Vũ Duy Thông sinh năm 1944 tại Mê Linh, Vĩnh Phúc. Tốt nghiệp khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông từng là Phóng viên TTXVN, Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Ban Tư tưởng - văn hóa Trung ương.

Tác giả của 10 tập thơ, văn xuôi “Miền trung du”, “Những đám lá đổi màu”, “Tình yêu người thợ”, “Gió đàn”, “Trái đất không chỉ có một người”, “Chối từ cô đơn”, “Và cuộc đời sẽ cứu rỗi”, “Con bồ câu tha đi một cọng cỏ”,… cùng 10 tập truyện cho thiếu nhi và 1 tập kịch. Giải Ba cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ 1969.

Với đông đảo bạn đọc nhiều thế hệ, nhà thơ Vũ Duy Thông là tên tuổi quen thuộc, đặc biệt qua 2 bài thơ in trong sách giáo khoa bậc tiểu học: Bè xuôi sông La và Bé làm phi công.