Vấn nạn SIM rác

Bài 5: Ý kiến của cơ quan quản lý về tình trạng SIM rác tràn lan trên thị trường

VietTimes -- Liên quan đến vấn đề SIM rác, SIM kích hoạt sẵn, Cục Viễn thông cho biết sẽ có những biện pháp mạnh để ngăn chặn việc mua bán SIM rác, trong đó có việc thu hồi các SIM được kích hoạt sẵn còn tồn trên thị trường. Đồng thời, Bộ TT-TT cũng tăng cường các biện pháp truyền thông, đến quý IV/2019 sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra diện rộng và xử lý nghiêm theo quy định.
(ảnh minh họa: thegioididong)
(ảnh minh họa: thegioididong)

Thu hồi toàn bộ SIM rác kích hoạt sẵn trên thị trường trong tháng 9

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ TT&TT đã ghi nhận gần 22.000 lượt phản ánh tin nhắn rác, giảm 48,7% so với cùng kỳ năm trước. Thời gian qua, Bộ cũng đã cắt giảm 1,85 triệu tài khoản viễn thông do không đủ thông tin thuê bao hoặc bị phát hiện là thuê bao kích hoạt sẵn. 

Theo đánh giá của Bộ TT&TT cho thấy, tình trạng SIM rác, mua bán SIM kích hoạt sẵn thông tin thuê bao đã giảm đáng kể nhưng vẫn tái diễn. Bộ đã xử phạt 4 doanh nghiệp là Viettel, VNPT VinaPhone, Mobifone, Vietnamobile về hành vi vi phạm trong công tác quản lý thông tin thuê bao. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã ban hành văn bản nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các doanh nghiệp viễn thông nếu vẫn còn để xảy ra tình trạng SIM rác.

Thực tế, qua khảo sát của VietTimes, trên thị trường vẫn có hiện tượng bán SIM rác, SIM kích hoạt sẵn. Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Minh Cường, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, cơ quan quản lý nhà nước sẽ cùng với các nhà mạng tăng cường quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn tình trạng mua bán, sử dụng SIM kích hoạt sẵn (SIM rác). 

Theo đó, ngay trong tháng 9/2019, Cục và các doanh nghiệp viễn thông thống nhất triển khai việc rà soát, phát hiện và có biện pháp thu hồi các SIM có dấu hiệu nghi vấn là SIM được kích hoạt sẵn còn tồn trên thị trường. Cùng với đó, cũng sẽ xây dựng và áp dụng các tiêu chí ngăn chặn kênh phân phối sử dụng thông tin không chính danh để đăng ký thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn SIM thuê bao.

Đặc biệt, Cục Viễn thông cho biết dự kiến từ tháng 7/2019, các nhà mạng sẽ triển khai công nghệ tự động nhận dạng hình ảnh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ gia tăng tính chính xác trong việc đăng ký thuê bao. Đến thời điểm hiện tại, ứng dụng này đang được các đơn vị thử nghiệm.

Bên cạnh đó, Cục Viễn thông cũng kêu gọi người dân tham gia ngăn chặn SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác… bằng cách chỉ sử dụng SIM thuê bao có thông tin đúng với thông tin cá nhân, tổ chức và mục đích sử dụng của mình, không mua bán SIM kích hoạt sẵn, không cho các cá nhân, tổ chức khác mượn, sử dụng giấy tờ của mình để đăng ký thông tin thuê bao, thực hiện các thủ tục giao kết lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

“Đối với các doanh nghiệp lớn, theo thông tin Cục Viễn thông nắm được đã bắt đầu đưa vào hệ thống chọn lọc giảm bớt các tình trạng SIM rác, SIM kích hoạt sẵn. Có một số biện pháp hiện nay đang chuẩn bị triển khai như áp dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để gia tăng tính chính xác trong đăng ký thuê bao, đảm bảo ảnh người đến đăng ký và giấy tờ của họ trùng khớp nhau. Theo báo cáo của các doanh nghiệp trong tháng này sẽ thực hiện.

Doanh nghiệp cũng có nhiều biện pháp như làm giảm bớt tần suất có thể đăng ký được thông tin thuê bao của các nơi bán lại. Đồng thời, báo cáo lên Cục Viễn thông chuẩn bị cho các kế hoạch thu hồi SIM khi phát hiện có thông tin không chính xác trên kênh phân phối của họ”, ông Cường cho biết.

Xử lý nghiêm tình trạng SIM rác tái diễn

(ảnh minh họa: vneconomy)
(ảnh minh họa: vneconomy)

Trước những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực viễn thông, ông Cường cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng SIM rác, SIM kích hoạt sẵn chưa thể xử lý triệt để.

Theo ông Cường, trước đây có tình trạng đăng ký SIM không có thông tin cụ thể, thiếu thông tin, thông tin không đúng người... nhưng điều đó đã được giải quyết từ khi Nghị định 49 ra đời, đến nay các SIM bán ra đều có đăng ký bởi chủ thể cụ thể có thông tin thuê bao, có ảnh chụp đúng quy định. Cục thường xuyên thanh tra kiểm tra và nhận thấy các doanh nghiệp đã áp dụng tốt.

Tuy nhiên, ở đây phát sinh hiện tượng thông tin người dùng SIM và người đăng ký SIM không trùng khớp. Vấn đề là ở Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu dân cư để tham chiếu nên khi nhà mạng đăng ký thuê bao chỉ có thể dựa trên giấy tờ người dùng cung cấp, khi thông tin và ảnh khớp nhau là coi như hợp lệ, còn giấy tờ đó sai hay bị sửa đổi, doanh nghiệp cũng khó kiểm tra được. Điều đó cũng dẫn tới tỷ lệ nhất định không thể triệt để trong quản lý SIM. Thêm nữa, theo quy định hiện hành không hạn chế việc một người được đăng ký nhiều SIM, do đó có thể xuất hiện trường hợp họ đăng kí nhiều rồi bán lại cho người khác thì cũng gây ra hiện tượng tràn lan SIM rác.

“Đánh giá khách quan, tình hình hiện nay đã tốt hơn rất nhiều so với trước. Từ phía Bộ TT&TT đây cũng là giai đoạn vào cuộc rất quyết liệt, thường xuyên làm việc với các nhà mạng để giải quyết tình trạng này. Bộ đã ban hành văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải khắc phục tình trạng này, qua thanh tra kiểm tra nếu phát hiện được sẽ có các biện pháp xử lý mạnh.

Bộ cũng đang chuẩn bị kế hoạch truyền thông đưa thông tin đến rộng rãi hơn với cộng đồng, với người sử dụng để họ nhận thức đúng hơn rằng việc dùng SIM đăng ký thông tin của người khác là không đúng, thậm chí vi phạm pháp luật. Người cố tình đăng ký thông tin của mình rồi bán cho người khác nếu người mua lại/sử dụng SIM đó mà vi phạm pháp luật thì cũng sẽ bị liên đới... Cùng với đó, Cục Viễn thông cũng đang phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sớm đưa các công cụ kỹ thuật vào để phát hiện các trường hợp sử dụng SIM không chính chủ và có các biện pháp ngăn chặn hoặc thu hồi, giảm tần suất đăng ký ồ ạt hay quá nhiều”, ông Cường cho hay.

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cũng cho biết thêm: Hiện nay đối với các doanh nghiệp việc có cơ sở dữ liệu thuê bao chính xác cũng rất có ích. Bởi, khi có thông tin thuê bao chính xác giúp doanh nghiệp sẽ phát triển được các loại hình dịch vụ khác, trong đó đặc biệt là việc thanh toán áp dụng mobile money nên họ vào cuộc rất mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu trong 6 tháng cuối năm 2019, phải xử lý triệt để các vấn nạn về rác viễn thông như SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư rác. 

Chia sẻ về định hướng phát triển của lĩnh vực viễn thông 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, nhiệm vụ của ngành là phải chuyển dịch hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT để thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển dịch ngành viễn thông từ thoại sang data thông qua việc giảm cước kết nối thoại, phổ cập smartphone, đấu thầu băng tần 2.6 GHz và 700 MHz, quy hoạch tần số 5G, tuyên bố lộ trình cắt sóng 2G, 3G và đưa dịch vụ mobile money vào thử nghiệm.