Lời Tòa soạn: Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn thu hút sự chú ý của của các nhà giáo dục nói riêng và giới khoa học, công chúng nói chung. Nó cũng luôn gây ra không ít tranh cãi, mặc dù công nghệ giáo dục đã được triển khai từ hơn 40 năm qua. Để rộng đường dư luận VietTimes xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của GS Hồ Ngọc Đại tới bạn đọc.
- Bài 1: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục
- Bài 2:"Anh nên dùng “Quy trình kỹ thuật” của anh để xử lý môn Tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam"
Giáo sư Hồ Ngọc Đại
|
Trường thực nghiệm khai giảng năm học đầu tiên 1978 – 1979.
Lễ khai giảng đơn sơ, không có khẩu hiệu căng ngang, không có hai “băng-rôn” treo dọc:
• Đi học là hạnh phúc
• Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui.
Khách mời và thầy trò đều đứng.
Lớp học là các phòng cũ, vốn dùng chứa vật liệu xây dựng để xây khu nhà Giảng Võ – Hà Nội.
Sân chơi là các mảnh ruộng bỏ hoang giữa các nhà chung cư, mưa xuống là úng ngập. Ngập cả sân, ngập cả phòng học. Thầy trò phải co chân lên ghế, nước cuốn trôi cả dép của thầy trò.
Thực nghiệm là cái van an toàn lắp vào quá trình giáo dục thực thi công nghệ giáo dục.
Công nghệ giáo dục là một công nghệ, một quá trình được tổ chức và kiểm soát, độc lập với các cá nhân.
Dùng điện thoại di động là ví dụ về dùng một công nghệ: dùng nó theo “công nghệ” của nó, buộc người dùng phải theo nó.
Tôi ý thức được giá trị và vai trò của Công nghệ giáo dục đối với nền giáo dục. Tôi cũng ý thức được giá trị Công nghệ giáo dục của tôi, nên tôi viết tắt là CGD, bắt mọi người phải theo, dù dịch ra bất cứ thứ chữ nào, ngay cả chữ Trung Quốc.
Tôi xem tận mắt chiếc ti-vi đầu tiên, mỗi cạnh chừng 3m, mà màn hình chỉ bằng bàn tay.
Tôi đã xem tận mắt chiếc máy tính đầu tiên, đồ sộ như một tòa nhà 3 tầng mà chỉ nhớ được 21 bít.
Thiết kế CGD, tôi dùng thao tác. Giáo sư Din-trên-cô nói với tôi là để huấn luyện phi công, ông phải dùng những đơn vị nhỏ hơn – dưới thao tác. Tôi nói lại là thao tác đã đủ cho giáo dục phổ thông.
CGD là một chuỗi thao tác tuyến tính, dọc theo thời gian. Trật tự tuyến tính này thể hiện tính tối ưu của CGD. Nói cách khác, thiết kế CGD thì phải thiết kế thành chuỗi thao tác tuyến tính, theo trật tự tối ưu. Nói cách khác, nếu thay đổi vị trí (thứ tự) hai thao tác liền nhau thì không có được hai giá trị tương đương nhau (trong việc làm ra một sản phẩm).
CGD là một chuỗi thao tác tuyến tính, theo một trật tự tối ưu. Không có sẵn trật tự tối ưu này. Phải mày mò, thử và sai. Ý nghĩa của Thực nghiệm là ở chỗ đó. Người này (học sinh thực nghiệm) phải chịu thiệt lúc này để có lợi cho người khác lúc khác. Giáo dục dùng CGD phải đảm bảo sản phẩm làm ra đáng tin cậy hơn, ít rủi ro hơn.
Các thao tác CGD đều là các thao tác bằng tay, trẻ em 6 tuổi đã làm thành thạo ở nhà.
Các thao tác của CGD đều bắt đầu từ thao tác nói to, trẻ em 6 tuổi đã nói sõi ở nhà (là tiếng mẹ đẻ, của dân tộc mình).
Các thao tác của CGD đều có thể tổ chức và kiểm soát từ bên ngoài trẻ em, vượt qua may rủi: ai làm cũng được. Có thể nhanh chậm khác nhau, có thể vụng khéo khác nhau, nhưng làm theo CGD thì ai cũng làm ra sản phẩm tất yếu như sản phẩm của công nghệ sản xuất vật chất.
Trẻ 6 tuổi, dù sinh ra ở đâu, trong gia đình nào, thuộc dân tộc nào, có đi Mẫu giáo hay không… nếu 6 tuổi đến trường học Tiếng Việt CGD thì học một năm lớp Một đã đọc thông viết thạo – viết đúng chính tả - không thể tái mù.