Bài 3: Nhà hát ngàn tỉ ở Thủ Thiêm, giấc mơ liệu có xa vời ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mơ ước Nhà hát ngàn tỉ ở Thủ Thiêm cho thành phố đầu tàu kinh tế hơn 10 triệu dân có lẽ còn xa vời khi việc công bố điểm thi phương án kiến trúc đang bộc lộ những chậm trễ khó hiểu.
Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM hiện đang phải thuê địa điểm cho từng chương trình biểu diễn (Ảnh: Hoà Bình)
Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM hiện đang phải thuê địa điểm cho từng chương trình biểu diễn (Ảnh: Hoà Bình)

Đầu xuôi…

Vì là công trình sử dụng vốn ngân sách, vốn đầu tư công, có chi phí xây dựng lên tới hơn 1.500 tỉ đồng, nên cuộc thi thiết kế phương án kiến trúc công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được tổ chức theo bản quy chế được công bố rộng rãi.

Lúc mới công bố thông tin về cuộc thi này, các văn bản từ BTC cho biết đã thành lập Hội đồng chấm thi 13 thành viên, gồm những gương mặt tên tuổi trong giới thiết kế kiến trúc và một số thành viên dự khuyết (quy định tại Thông tư số 13 – Bộ Xây dựng ban hành năm 2016 là phải trên 11 thành viên). BTC đã gửi thư mời các đơn vị tham gia dự thi, tổ chức hội nghị khởi động và cung cấp thông tin thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với sự tham dự đầy đủ của đại diện chủ đầu tư – UBND TP.HCM, Sở Văn hoá & Thể thao, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, Ban Quản lý các công trình Xây dựng dân dụng và công nghiệp (Ban DDCN), Ban Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch, mời thuyết trình (song ngữ Anh - Việt) các phương án thiết kế kiến trúc v.v.

Vòng chung khảo, Hội đồng đã nghe thuyết trình của 10 phương án được đánh giá là tốt nhất, lọt qua vòng sơ tuyển. Từ 10 phương án này, Hội đồng đã xem xét, đánh giá, chấm điểm trên nhiều tiêu chí, chứ không chỉ là cảm nhận thiết kế theo ngôn ngữ nghệ thuật, mỗi thành viên đều chấm điểm độc lập, rồi mới ghép bảng điểm vào dữ liệu chung.

Hồ sơ cuộc thi ghi nhận điểm số chi tiết của từng thành viên trong Hội đồng giám khảo này dành cho 5 phương án được lựa chọn vào vòng thi cuối. Cụ thể, gồm các phương án có mã số: A747, L013, D102, V102, S099.

Kết quả điểm thi, các văn bản báo cáo ngày 25/2/2021, và tờ trình số 595 ngày 26/10/2020 của Ban DDCN gửi UBND TP.HCM cho thấy: “Phương án dự thi có mã số S099 của Liên danh Công ty Tư vấn thiết kế Studio Milou và Công ty Cổ phần Thiết kế Xây dựng Hà Nội (Pháp và Việt Nam) có số điểm: 86.50. Phương án dự thi có mã số D102 của Công ty GMP International GmbH (CHLB Đức) có số điểm: 82.58”.

Trước đó, được biết, ở lần chấm thứ nhất, phương án dự thi có mã số S099 đạt 91,17 điểm, còn phương án dự thi có mã số D102 đạt 77 điểm. Sau cả hai lần chấm thi, S099 đứng đầu về điểm số, D102 đứng thứ Nhì, và kết quả khẳng định chỉ có hai phương án này đạt số điểm cao nhất so với các thiết kế còn lại.

Mong chờ một nhà hát đạt chuẩn cho TP.HCM nhưng công trình ngàn tỉ xem ra còn xa vời (Ảnh: Hoà Bình)

Mong chờ một nhà hát đạt chuẩn cho TP.HCM nhưng công trình ngàn tỉ xem ra còn xa vời (Ảnh: Hoà Bình)

Đuôi chưa lọt

Trả lời VietTimes, ông Hồ Chí Quang – Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây Dựng) – có ý kiến: “Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, do đó, các cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình cần tuân thủ theo quy định của Luật. Cụ thể, chủ đầu tư tại địa phương có quyền quyết định. Liên quan còn có Sở Quy hoạch Kiến trúc và Ban Quản lý Dự án đầu tư các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp”.

Tuy nhiên, Khoản 1, Điều 20, Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 1/7/2020 của Chính phủ cũng quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc đánh giá, xếp hạng phương án dự thi và công bố kết quả, cụ thể: “Việc đánh giá, xếp hạng phương án dự thi được thực hiện theo đúng phương pháp, tiêu chí quy định trong Quy chế Hội đồng và theo nguyên tắc bỏ phiếu kín để chọn ra phương án theo thứ tự từ 1 đến 3. Phương án xếp hạng cao nhất là phương án kiến trúc trúng tuyển.

Đơn giản vậy thôi, Luật và Nghị định quy định phương án nào xếp hạng cao nhất thì đương nhiên được chọn là "phương án kiến trúc trúng tuyển."

Nếu vận dụng đúng theo Luật Kiến trúc và Nghị định số 85 thì rất đơn giản. Vậy tại sao sau khi cuộc thi thiết kế Nhà hát ngàn tỉ ở Thủ Thiêm đã kết thúc các vòng chấm điểm được 6 tháng rồi, hồ sơ ghi nhận điểm số đã rất rõ ràng rồi, mà BTC vẫn chưa công bố công khai minh bạch kết quả này?

Hội đồng chấm thi thì đã có ý kiến rõ ràng bằng lá phiếu, bằng điểm số tường minh, còn nếu muốn lấy thêm ý kiến nhân dân thì Ban tổ chức có thể dễ dàng trưng bày công khai các phương án thiết kế, hoặc tận dụng lợi thế của xã hội 4.0, tạo ra những đợt lấy ý kiến rộng rãi từ cộng đồng mạng để thêm chất liệu giúp hoàn thiện phương án trúng tuyển.

Điện thoại của ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đổ chuông nhưng không nhấc máy. Còn khi phóng viên VietTimes liên lạc tới ông Võ Đức Thanh – Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (Ban DDCN) để hỏi về lý do chưa công bố kết quả điểm thi thì nhận được câu trả lời: “Liên quan đến việc công bố thông tin về cuộc thi, Ban phải chờ ý kiến chỉ đạo từ UBND TP.HCM”.

Trong khi đó, như VietTimes đã thông tin, ngày 25/2/2021, UBND TP.HCM đã có Công văn Khẩn số 91/TB-VP của UBND TP.HCM, gửi Ban DDCN, Sở Văn hoá & Thể thao TP.HCM và các cơ quan liên quan, thông báo về “Kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Lê Hoà Bình, về nội dung kết quả thi tuyển phương án kiến trúc công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, giao Ban DDCN khẩn trương hoàn chỉnh tờ trình, báo cáo trình ban cán sự Đảng uỷ UBND TP.HCM trong tháng 2/2021 để có ý kiến trước khi trình Ban Thường vụ Thành uỷ xem xét, thông qua”.

UBND TP.HCM giao Ban DDCN phải hoàn chỉnh tờ trình trong tháng 2/2021, giờ đã gần hết tháng 3/2021. Trong khi đó, Ban này lại trả lời là đang chờ chỉ đạo từ UBND TP.HCM. Thật khó hiểu, cuối cùng thì ai đang chờ ai?

(Còn tiếp)