Tìm kiếm từ khóa “ Nguyễn Văn Nên “, Google cho hàng trăm triệu kết quả. Dư luận, truyền thông trong nước, nước ngoài đang dành sự quan tâm đặc biệt cho ông Nguyễn Văn Nên, được Bộ Chính trị cử về TP. Hồ Chí Minh. Và ông đã chính thức trở thành Bí thư Thành ủy TP. HCM tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, ngày 17 tháng 10 năm 2020, với số phiếu bầu tuyệt đối 100%, 62/62 đại biểu tín nhiệm . Ngày 18.10.2020, tại lễ ra mắt Ban chấp hành Đảng bộ khóa XI, tân Bí thư Thành ủy kêu gọi sự đồng tâm hiệp lực của tập thể lãnh đạo, của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, đối tác trong nước và quốc tế, vì một thành phố giàu truyền thống cách mạng, nghĩa tình, sáng tạo, phát triển cùng cả nước, vì cả nước. Ông mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ, giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ngành, địa phương và lãnh đạo TP. qua các thời kỳ…
Nguyễn Văn Nên là người thế nào? Và ông sẽ làm được những gì cho thành phố Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông – thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới? Một thành phố lớn, năng động, bộn bề, đang còn phải giải quyết tiếp những bức xúc của nhân dân về những tồn đọng tiêu cực (ví dụ điểm nóng Thủ Thiêm), đồng thời sáng tạo, thực hiện những khát vọng tích cực của kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn và tổng thể, trong dòng chảy nhất thống của một Việt Nam ước ao thịnh vượng.
Từ hơn 300 năm, Sài Gòn đã đi qua biết bao thăng trầm lịch sử. Từ năm 1975 đến nay, thành phố đã có biết bao đổi thay. Cho đến thời điểm này, trong 5 năm 2015-2020 gần nhất, TP. HCM đóng góp hơn 22 % cho kinh tế cả nước. Con số này là đáng kể, trong đó có sự đóng góp của nhiều thành phần kinh tế, của trung ương và địa phương, của những cư dân từ mọi miền đất nước và quốc tế. Nhấn mạnh điều này, để ghi nhận sự năng động tự chủ, đồng thời góp phần nhắc nhớ việc khắc phục định kiến vùng miền, tránh lợi ích cục bộ địa phương mâu thuẫn với lợi ích quốc gia. GS.TS Nguyễn Thiện Nhân đảm nhiệm vị trí Bí thư Thành ủy TP. HCM từ năm 2017 đến nay, cũng đã cùng tập thể thiết kế được một số cơ sở bước đầu cho câu chuyện kỹ trị - quản trị với thiên hướng khoa học kỹ thuật, công nghệ thời đại số.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ: "TP. HCM mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên phải có sự phát triển xứng đáng với tên gọi và niềm tự hào thiêng liêng đó".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Bộ Chính trị đã chỉ đạo ngay tại Đại hội Đảng bộ TP. HCM lần thứ XI: "Các cơ chế trong báo cáo chính trị đã nêu như chính quyền đô thị, phát triển TP. Thủ Đức, dự án Trung tâm tài chính quốc gia và quốc tế... đều được Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ ủng hộ. Còn các cơ chế gì nữa, các đồng chí nghiên cứu đề nghị tiếp, Trung ương lắng nghe và giải quyết kịp thời, tạo mọi điều kiện để TP.HCM. phát triển trong thời gian tới".
Việc kế thừa, phát triển tiếp theo của ông Nguyễn Văn Nên cùng tập thể lãnh đạo TP. HCM. trong dòng chảy của đất nước với Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp diễn ra vào đầu năm 2021, để tạo ra những chuyển biến mới, thành tựu mới, quả là không ít thử thách. Trong khi, Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM. cho biết gần 70% doanh nghiệp trong 16.800 doanh nghiệp được khảo sát trên địa bàn TP.HCM đang gặp khó khăn thời đại dịch COVID-19. Riêng câu chuyện kẹt xe bức bối, quá tải giao thông hàng ngày của thành phố cũng đang gọi hỏi bình an và biết bao điều, v.v…
Đinh hướng của TP. HCM đến năm 2025: Chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (Gross Regional Domestic Product – GRDP) đạt 8%, GRDP bình quân đầu người 8.500 USD; là đô thị thông minh, TP dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại; giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Năm 2030: GRDP bình quân đầu người 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á; là TP. dịch vụ, công nghiệp hiện đại, TP. văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số.
Tầm nhìn đến năm 2045: GRDP bình quân đầu người 37.000 USD; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á; phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao.
Cuộc trao đổi nhanh của chúng tôi với vị tân Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên, diễn ra ngay thời điểm ông nhận trọng trách.
PV: Cảm xúc lớn nhất của ông lúc này?
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên: Tôi lo lắng với trách nhiệm mới, với khối lượng công việc lớn.
PV: Ông đã chuẩn bị những gì cho mình khi đảm nhận vị trí Bí thư Thành ủy TP. HCM?
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên: Mới là những bước đầu thôi anh. Ngoài tình yêu thương và thấu hiểu lâu nay đối với con người và thành phố tuyệt vời này, tôi còn phải tìm hiểu, học hỏi và thực thi rất nhiều...
PV: Mục tiêu của ông khi đảm nhận cương vị này?
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên: Cống hiến hết mình.
PV: Ông sẽ làm việc gì đầu tiên?
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên: Thầm lặng trải nghiệm cuộc sống của một công dân bình thường của thành phố này, để lắng nghe, cảm hiểu sức dân như nước, như lời tiền nhân đã dạy.
PV: Điều ông muốn tâm sự, chia sẻ thêm là?
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên: Mong nhân dân ủng hộ, chung tay…
PV: Ông có nhắn gửi gì đối với Tạp chí điện tử VietTimes – Cơ quan ngôn luận Hội Truyền thông số Việt Nam?
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên: Tên gọi và cơ quan chủ quản của VietTimes có lẽ đã nói lên yêu cầu của độc giả và cũng là mong muốn của tôi rồi. Thời Truyền thông số thì câu chuyện truyền thông đa phương tiện sẽ là một nỗ lực cần yếu, phải không anh?!...
Từ lâu, ông đã được một nghệ sĩ sáng tạo Thông điệp Cuộc đời: Nguyễn Văn Nên – Vì thành công nhân văn. Vì sự thành công mang vẻ đẹp con người. Chợt nhớ câu thơ “Văn vũ tròn thi liệu. Nên cung bậc đá vàng…”( Xuân Thế ). Đi cùng năm tháng, chúng tôi nghĩ rằng ông với trái tim nhân văn, bản lĩnh sống từng trải thử thách, đã, đang thực hành trân trọng thông điệp ấy, trong thời đại số với công nghệ, sáng tạo, đổi thay kỳ diệu. Ông đang khiêm nhường học hỏi, có những nỗ lực lớn và những ủng hộ lớn. Chúng ta cùng chờ đợi, dõi theo hành trình của ông, Nguyễn Văn Nên- Vì thành công nhân văn thời đại số, với con người tích hợp của chính mình, sức mạnh tích hợp của tập thể, cộng đồng. Nỗ lực. Và thành tựu. Tại sao không?!…
(Ảnh: Nguyễn Lê)