Bí thư Nguyễn Văn Nên: “Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, đừng chờ đợi”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – “Hãy cứ bắt đầu, đừng chờ đợi đến khi có đủ điều kiện mới làm!” – Bí thư thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh trong dịp ghé thăm Đường sách TP.HCM.
Bí thư thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên và ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam trên Đường sách TP.HCM sáng 15/1/2021 (Ảnh: Hoà Bình)
Bí thư thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên và ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam trên Đường sách TP.HCM sáng 15/1/2021 (Ảnh: Hoà Bình)

Sáng nay, ngày 15/1/2021, trong chuyến ghé thăm Đường sách Nguyễn Văn Bình, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết rất ấn tượng với mô hình xe bus sách – thư viện mini được sắp xếp đầy tính nghệ thuật, đỗ trong lòng Đường sách, dưới bóng hàng me xanh rợp mát.

Ghé thăm Quán sách mùa thu ở trung tâm Đường sách – một địa chỉ lưu giữ rất nhiều cuốn sách cũ, sách cổ, sách quý hiếm, bí thư Nguyễn Văn Nên xúc động bồi hồi chiêm ngưỡng từng pho sách với bao nhiêu tâm tình gửi gắm của cả người làm sách và người lưu giữ sách.

Có mặt tại Đường sách sáng 15/1, ông Lê Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Xuất Bản Việt Nam, báo cáo với Bí thư Nên: “Trong 5 năm thành lập, Đường sách đã đón khoảng 11.5 triệu lượt khách, tổng doanh thu của các đơn vị có gian hàng đạt được 181 tỷ đồng; với hơn 3,5 triệu bản sách được bán ra, trong đó có hơn 57.000 tựa sách mới”.

Bí thư Nguyễn Văn Nên xúc động với thành quả của Đường sách TP.HCM

Bí thư Nguyễn Văn Nên xúc động với thành quả của Đường sách TP.HCM

Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Chúc mừng thành quả vượt ngoài sức tưởng tượng ban đầu của Đường sách TP.HCM. Để có được thành công ngày nay, chắc chắn phải bắt đầu từ những quầy sách nhỏ. Hãy cứ bắt đầu, đừng chờ đợi đến khi có đủ điều kiện mới làm!”.

“Đường Sách TP.HCM thực sự trở thành điểm đến thân thiện không chỉ của người dân TP.HCM mà đã lan tỏa niềm say mê tới du khách cả nước và bạn bè quốc tế. Nơi đây không chỉ là nơi mua, đọc và trao đổi sách mà còn là nơi gặp gỡ, trao đổi nghề nghiệp của các tác giả, các nhà xuất bản mà còn là nơi diễn ra các hoạt động nhằm lưu truyền và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, là nơi giao thoa, trao đổi về văn hóa trong cả nước và quốc tế” – ông Lê Hoàng nói thêm.

Năm 2020, vì ảnh hưởng của COVID-19 khiến sụt giảm mạnh lượng khách quốc tế đến với Đường sách TP.HCM. Tuy nhiên, số lượt khách trong nước từ các địa phương và người dân TP.HCM thì vẫn ghé tham dự nhiều hoạt động, cổ vũ cho văn hoá đọc phát triển. Với số lượng người đọc đến thăm, đọc sách tại chỗ và mua bán giao dịch cả sách mới lẫn sách cũ, sách cổ rất đông nhưng Đường sách TP.HCM vẫn luôn giữ được sự yên bình, trầm tĩnh, bố trí được rất nhiều góc đọc sách khác nhau trên một con đường với rất nhiều cửa hàng sách giữa không gian thoáng đãng, sạch sẽ, phát huy tính sáng tạo.

Bí thư Nên rất ấn tượng với mô hình xe bus sách (Ảnh: Hoà Bình)

Bí thư Nên rất ấn tượng với mô hình xe bus sách (Ảnh: Hoà Bình)

Trao đổi cùng VietTimes về mô hình Đường sách TP.HCM, ông Lê Hoàng cho biết thêm: “Tại sao TP.HCM làm được mà các thành phố khác khi triển khai mô hình Đường sách vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tôi nghĩ, yếu tố cơ bản nhất là sự ủng hộ của người đọc ở TP.HCM khá tốt. Với các tỉnh, thành khác, sách vẫn chưa phải là món ăn tinh thần được đông đảo người dân lựa chọn, ủng hộ, mặc dù giá trị của sách có thể nói là những giá trị cốt lõi, ảnh hưởng mạnh mẽ đến hình thành nhân cách con người và mang lại nhiều kiến thức hữu ích cho cuộc sống”.

Ngoài không gian cố định của Đường sách TP.HCM, trên địa bàn thành phố, Hội sách TP.HCM tại Công viên Lê Văn Tám (Võ Thị Sáu, quận 3) cứ hai năm diễn ra một lần. Hội sách TP.HCM năm 2018 đã thu hút 1 triệu lượt người ghé thăm, doanh số bán sách lên tới hơn 60 tỉ đồng.

Riêng Hội sách TP.HCM lần thứ 11 (năm 2020) hồi tháng 3/2020 đã phải huỷ bỏ do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Để đảm bảo sức khỏe cho người dân thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất UBND TP.HCM xin dời lịch tổ chức Hội sách TP.HCM năm 2020.

Ông Lê Hoàng chia sẻ thêm: “Để người đọc TP.HCM có được tinh thần ủng hộ cho văn hoá đọc tốt như thế, chúng tôi đã kiến nghị Bộ GD&ĐT đưa tiết đọc vào trong nhà trường phổ thông. Nhiều trường trên địa bàn TP.HCM đã triển khai thành công tiết đọc trong thời gian biểu chính thức, không chỉ giúp học sinh khám phá kiến thức chiều sâu từ sách, nâng cao văn hoá, tri thức mà còn bồi đắp vẻ đẹp tâm hồn”.