Bài 3: Liên tiếp có hơn 1.000 F0/ngày, giải pháp nào để y tế Thủ đô không bị "vỡ trận"?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội tiếp tục "lập kỉ lục" mới với hơn 1.000 ca/ngày. Nhiều phường, xã đã quá tải. Giải pháp nào cho y tế Thủ đô để không bị "vỡ trận" đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân (Ảnh - Minh Thuý)
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân (Ảnh - Minh Thuý)

Y tế xã, phường phải quan tâm đến nhân lực

Số F0 tăng chóng mặt những ngày qua ở Hà Nội đã dẫn đến tình trạng y tế xã, phường nhiều nơi quá tải, nhiều người bệnh phải chờ để được đưa đi cách ly, điều trị, gây lo lắng trong nhân dân.

Trao đổi với VietTimes, PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng, việc nhiều F0 phản ánh chậm được đưa đi cách ly, điều trị, cần xem xét kỹ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Có thể do hệ thống y tế không tiếp nhận được người bệnh, hoặc do trách nhiệm của cán bộ y tế,… Tuy nhiên, dù lý do gì thì nhân viên y tế phải liên hệ chặt chẽ với người dân để tư vấn đầy đủ, không để họ lo lắng. Nếu F0 có dấu hiệu chuyển nặng thì nhân viên y tế phải phát hiện ngay để đưa người bệnh đi cấp cứu.

PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Ảnh - Minh Thuý)

PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Ảnh - Minh Thuý)

Tại Hà Nội, các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 chưa quá tải, nhưng hệ thống y tế ở 1 số nơi có thể chưa cân đối được (có phường chưa quá tải hoặc quá tải trong từng thời điểm,…). Do đó, y tế xã, phường cần có sự phân bổ, điều động hợp lý, thành lập thêm trạm y tế lưu động, đầu tư trang thiết bị, máy móc, cơ sở vật chất, oxy, thuốc chữa bệnh ban đầu,… theo quy định của Bộ Y tế.

Đặc biệt, ông Phu nhấn mạnh điều “tối quan trọng” mà y tế xã, phường phải quan tâm là nguồn nhân lực. Nhân viên y tế không cần có chuyên môn sâu về hồi sức cấp cứu, nhưng phải biết tư vấn phòng bệnh, ăn uống cho F0, tiên lượng, dự báo triệu chứng F0 chuyển nặng, để chuyển đi cấp cứu.

Với tình hình F0 tăng nhanh như hiện nay, y tế cơ sở cần lấy thêm nhân lực ở các đơn vị khác, có thể là học sinh (phải đào tạo, tập huấn), phân công nhiệm vụ hợp lý, tránh hiện tượng F0 liên hệ mà y tế không xử lý kịp thời.

Từ thực tế dịch COVID-19 ở TP. HCM, ông Phu khuyến cáo: "Y tế cơ sở của Hà Nội phải tiếp cận sớm F0, hướng dẫn tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, tận dụng mạng lưới thầy thuốc đồng hành. Nếu F0 diễn biến nặng, y tế phải nắm được để chuyển người bệnh đến bệnh viện. Điều này rất quan trọng để BV không bị quá tải, giảm tỉ lệ tử vong".

Người dân cần bình tĩnh khi test nhanh dương tính

Trước phản ánh của người dân về việc F0 chậm được đưa đi cách ly, điều trị mà VietTimes đã thông tin trong bài “Nhiều F0 ở Hà Nội không được đưa đi cách ly ngay, y tế cơ sở đang quá tải?”, một chuyên gia y tế khuyến cáo: Trong trường hợp này, người dân cần bình tĩnh, tự cách ly tại nhà. Hiện, Hà Nội thực hiện thích ứng an toàn với dịch theo Nghị quyết của Chính phủ nên việc F0 gia tăng là điều không thể tránh khỏi.

Theo chuyên gia này, Hà Nội đã chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không COVID-19 (Zero COVID) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong. "Theo thống kê có tới 80-85% bệnh nhân nhẹ hoặc không triệu chứng, nên người dân không phải cuống lên mỗi khi test nhanh cho kết quả dương tính. Trong thời gian đợi kết quả PCR, người dân cần bình tĩnh và tự cách ly tại nhà. F0 ở nhà tự điều trị có thể tốt và thoải mái hơn vào khu cách ly” - vị này nói.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh - Minh Thuý)

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh - Minh Thuý)

Đồng quan điểm với chuyên gia y tế trên, ông Phu cho hay: Bệnh nhân COVID-19 sẽ có triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Với những người không có triệu chứng/triệu chứng nhẹ thì có thể cách ly, theo dõi tại nhà. Người dân không nên quá lo lắng khi là F0, mà cần bình tĩnh liên hệ với nhân viên y tế, tham khảo cách điều trị tại nhà trên website của Bộ Y tế, không nên tự ý đến BV điều trị. Khi cảm thấy khó thở, oxy máu giảm, F0 cần báo cho y tế ngay để can thiệp kịp thời.

Dự báo số ca mắc mới tiếp tục tăng, ông Phu nhấn mạnh: Hà Nội cần có biện pháp phòng, chống dịch chặt chẽ; người dân không được chủ quan khi đã tiêm vaccine, thực hiện tốt 5K, hạn chế tiếp xúc, tránh đến những nơi đông người.

Tăng cường xét nghiệm, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà

Theo tìm hiểu của PV, do F0 ở Thủ đô tăng “chóng mặt” nên việc trả kết quả xét nghiệm PCR bị chậm. Việc này đã khiến nhiều F0 bức xúc, kêu cứu; y tế xã, phường lúng túng vì không thể ký quyết định cho F0 cách ly ở nhà/đưa đi điều trị.

Để khắc phục tình trạng này, trao đổi với PV VietTimes, ông Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc CDC Hà Nội – cho biết: "Hà Nội đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng test nhanh để xác định ca dương tính. CDC Hà Nội đã hướng dẫn các đơn vị sử dụng song song cả xét nghiệm PCR và test nhanh để xác định ca bệnh. Đây chính là giải pháp tối ưu để giảm tải công tác xét nghiệm, thông báo kết quả sớm nhất cho người dân. Do đó, người dân cần yên tâm khi điều trị, cách ly tại nhà. Nếu tự xét nghiệm dương tính thì người dân cần liên hệ với y tế để được hướng dẫn cụ thể".

Ông Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc CDC Hà Nội (Ảnh - Minh Thuý, nguồn: SYT HN)

Ông Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc CDC Hà Nội (Ảnh - Minh Thuý, nguồn: SYT HN)

Bên cạnh việc xét nghiệm, Hà Nội đã thành lập 508 trạm y tế lưu động cùng 20 trạm y tế xã đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Hiện, 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch/phương án chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trong việc triển khai mô hình trạm y tế lưu động.

Tại quận Hoàn Kiếm, vào tối 14/12, trạm y tế lưu động ở Trường tiểu học Quang Trung (số 9, phố Hai Bà Trưng) đã đi vào hoạt động với khả năng điều trị cho 200 bệnh nhân. Theo kế hoạch, quận Hoàn Kiếm có thể thành lập tới 38 trạm y tế lưu động.

Trạm y tế lưu động phường Hàng Gai (Ảnh - Công Thọ/KTĐT)

Trạm y tế lưu động phường Hàng Gai (Ảnh - Công Thọ/KTĐT)

Quận Hai Bà Trưng sắp đưa vận hành cơ sở điều trị F0 thể nhẹ tại ký túc xá Trường Đại học Xây dựng (phường Đồng Tâm) với 250 giường. Qua rà soát, chưa tới 30% hộ gia đình của quận đủ điều kiện cách ly F1, điều trị F0 tại nhà. Hiện quận đang có khoảng 50 F0 điều trị tại nhà.

Tại quận Tây Hồ, F0 thể nhẹ được điều trị ở trạm y tế lưu động số 1 tại Nhà thi đấu quận (phường Xuân La) với 300 giường. Trạm không tiếp nhận các trường hợp F0 là phụ nữ mang thai, người có bệnh nền.

Trạm y tế lưu động số 1 phường Đội Cấn (Ảnh - UBND quận Ba Đình)

Trạm y tế lưu động số 1 phường Đội Cấn (Ảnh - UBND quận Ba Đình)

Còn ở quận Ba Đình, ngày 18/12 tới Trạm y tế lưu động phường Đội Cấn tại trường Mẫu giáo (số 10, ngõ 100 Đội Cấn) sẽ hoạt động, có thể điều trị cho 180 bệnh nhân. Đây là Trạm y tế lưu động thứ 2 của quận sau trạm y tế lưu động tại phường Ngọc Khánh. Dự kiến quận sẽ thành lập trạm y tế lưu động tại 12 phường.

Còn tại Đống Đa, từ ngày 15/12, quận đã thành lập khu thu dung F0 tại Ký túc xá Đại học Thuỷ lợi với quy mô 500-600 giường. Ngay ngày đầu tiên đã tiếp nhận khoảng 100 ca.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - việc quản lý, theo dõi F0 không triệu chứng tại nhà đang được triển khai tại 30 quận, huyện, thị xã. Sở Y tế đã giao chính quyền địa phương, Tổ COVID-19 cộng đồng khảo sát, kiểm tra, đánh giá các hộ gia đình đủ điều kiện để theo dõi F0 điều trị tại nhà.

Hiện các ngành chức năng đã khảo sát được 2,1 triệu hộ gia đình. Kết quả, có gần 900.000 hộ gia đình đủ điều kiện để theo dõi F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà. “Việc quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 nhẹ không triệu chứng tại nhà rất cần sự giám sát của chính quyền địa phương để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Đặc biệt, địa phương cần tuyên truyền mạnh mẽ, đề nghị người dân nâng cao ý thức khi điều trị tại nhà” - bà Hà nói.