Bác sĩ bỏ việc hàng loạt có tác động đến chất lượng khám và điều trị của bệnh viện?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc gần 10.000 cán bộ, nhân viên y tế bỏ việc thời gian qua, trong bối cảnh "dịch chồng dịch" đang rình rập ở nhiều tỉnh, liệu có tác động đến chất lượng khám, chữa bệnh của các bệnh viện?
Trong dịch COVID-19, các bác sĩ đã làm việc với tất cả sức lực và sư tận tâm
Trong dịch COVID-19, các bác sĩ đã làm việc với tất cả sức lực và sư tận tâm

Đây là câu hỏi cũng là lo ngại của nhiều người trong bối cảnh “làn sóng” bác sĩ bỏ việc ở bệnh viện công để sang làm việc tại bệnh viện tư. Riêng ở TP.HCM, số bác sĩ và điều dưỡng nghỉ việc từ 2021 đến nay chiếm khoảng 5% tổng số nguồn nhân lực y tế của địa phương.

Ảnh hưởng đến việc khám và điều trị

Trao đổi riêng với VietTimes, TS. Vương Ánh Dương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho biết: Tác động của việc hàng nghìn nhân viên y tế bỏ việc - trong đó, đa phần là bác sĩ - đến chất lượng hoạt động của các BV đến nay ra sao, như ảnh hưởng đến kết quả điều trị, tỉ lệ tử vong vv… vẫn chưa có nghiên cứu đánh giá chính thức.

Tuy nhiên, theo TS. Vương Ánh Dương, đã có thực tế là ở một số bệnh viện, bác sĩ có chuyên môn sâu và nhiều năm kinh nghiệm về nhiễm khuẩn bỏ việc, khiến bệnh viện phải lập tức tuyển người thay thế. Nhưng các bác sĩ thay thế đều còn trẻ, chưa có kinh nghiệm trong khám và điều trị.

Các bác sĩ phải chịu nhiều áp lực lớn khi bệnh nhân trong đại dịch COVID-19 rất đông

Các bác sĩ phải chịu nhiều áp lực lớn khi bệnh nhân trong đại dịch COVID-19 rất đông

Còn trong lĩnh vực dược, một số bệnh viện cũng cho biết, việc lập dự toán đấu thầu mua sắm thuốc đã gặp khó khăn sau khi các dược sĩ, trưởng khoa dược có kinh nghiệm về lĩnh vực này bỏ việc. Vì người thay thế là các cán bộ trẻ, nhiều người mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, càng không thông thạo các hướng dẫn, quy định về đấu thầu mua sắm, trong khi văn bản pháp quy ở lĩnh vực này rất nhiều và rất phức tạp.

Để khắc phục chất lượng khám và chữa bệnh của bác sĩ, điều dưỡng trong hoàn cảnh này, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã chỉ đạo các bệnh viện có bác sĩ, điều dưỡng bỏ việc lập tức tổ chức tập huấn ngay cho đội ngũ thay thế. Nhưng lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng thừa nhận để đào tạo một bác sĩ, điều dưỡng giỏi không thể ngày một ngày hai, vì ngoài kiến thức chuyên môn, còn phải có kinh nghiệm thực tế. Việc các dược sĩ trẻ thay thế các dược sĩ có kinh nghiệm trong lập dự toán đấu thầu càng khó khăn, vì đòi hỏi thời gian dài.

Không chỉ ở lĩnh vực điều trị, mảng y tế dự phòng cũng có những tác động nhất định. Được biết, ở phía Nam, nhiều nơi, sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, nay nhiều nhân viên y tế không còn thiết tha chống dịch, khi dịch sốt xuất huyết đang bùng phát. Có CDC, nhân viên chống dịch nghỉ hết. Những người thay thế hầu hết chưa đủ kinh nghiệm, năng lực, như những người cũ. Nhiều nơi, ngay cả việc mua hoá chất để phun thuốc diệt muỗi cũng không dám, vì chưa có kinh nghiệm nên sợ biết đâu sau này kiểm tra lại sai.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc hàng loạt nhân viên y tế có tay nghề bỏ việc, ít nhiều cũng tạo một lỗ hổng mà ngành y tế sẽ phải mất nhiều năm nữa để lấp đầy bằng việc đào tạo, huấn luyện các cán bộ, nhân viên y tế.

Cần sớm đánh giá tác động

Thiết nghĩ, để có câu trả lời chính xác về việc có tác động hay không và ở mức độ nào việc nhân viên y tế bỏ việc nhiều cùng lúc, Bộ Y tế cần sớm có khảo sát, đánh giá chất lượng việc khám, điều trị tại các bệnh viện có nhân viên y tế bỏ việc, từ đó mới có giải pháp phù hợp. Bởi đây không chỉ là vấn đề liên quan đến riêng ngành y tế, mà còn có tác động lớn đến an sinh xã hội. Nhưng hiện nay, chưa có các nghiên cứu thực tế, nên mới chỉ thấy những giải pháp khá chung chung.

 Đúng như ý kiến của ông Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - là cần thống kê số lượng nhân viên y tế nghỉ việc trong cả nước từ trung ương đến địa phương, ở BV nào, tuyến nào là nhiều nhất, cũng như chủ yếu ở chuyên khoa nào. Bên cạnh đó, cũng cần đánh giá về lứa tuổi của các nhân viên y tế bỏ việc. Nếu từ độ tuổi 35 đến 40 – độ tuổi chững chạc về nghề nghiệp họ chuyển đi thì rất đáng lo ngại. Bên cạnh đó, cần đánh giá nguyên nhân bỏ việc của các nhân viên y tế.

Chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 nặng

Chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 nặng

Đáng nói là, trong khi vụ chức năng của Bộ Y tế còn lúng túng trước “làn sóng” bác sĩ bỏ việc, thì một đơn vị ngoài công lập là Công ty TNHH Phát triển nhân lực Y tế MediJob Việt Nam (MediJob) đã nhanh chóng có cuộc khảo sát 500 nhân viên y tế ở bệnh viện công, để tìm hiểu nguyên nhân với mục đích có thể đưa ra giải pháp triệt để.

Theo MediJob, có 6 nguyên nhân chính:

1. Mức lương, 93.8% số người được hỏi chọn nguyên nhân lương thấp.

2. 57.4% số người được hỏi không hài lòng với môi trường làm việc.

3. 47.3% số người cho rằng cường độ công việc quá áp lực.

4. 43% số người được hỏi cho rằng họ không có cơ hội được học hỏi nâng cao chuyên môn.

5. 38.8% không hài lòng với giám đốc đơn vị

6. 38% số người không hài lòng với cấp quản lý trực tiếp

6 nguyên nhân được MediJob chia làm ba nhóm chính:

Nhóm 1: Lương và thu nhập là nguyên nhân lớn nhất. Khi chưa đáp ứng nhu cầu này thì không thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề nghỉ việc hàng loạt hiện nay.

Nhóm 2: 3/6 nguyên nhân do yếu tố quản trị con người. Do đó, cần xem xét nghiêm túc vấn đề này nếu thực sự muốn cải thiện tình hình và hướng tới phát triển bền vững.

Nhóm 3: Cường độ công việc và phát triển chuyên môn, nhu cầu học hỏi để nâng cao chuyên môn là rất bức thiết với các bác sĩ. Bên cạnh đó, giảm tải áp lực công việc, cân bằng giữa công việc và cuộc sống sẽ giúp họ hạnh phúc hơn với công việc cũng như nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

MediJob cũng khảo sát ở khu vực y tế tư nhân và cho kết quả tương tự.

Ngay động thái vào cuộc nhanh chóng trước một vấn đề xã hội, đã cho thấy, phía ngoài công lập phản ứng tốt hơn khu vực công.