Bác sĩ bắt bệnh qua mạng xã hội

Cấp cứu từ xa, cấp cứu qua mạng xã hội không còn là trường hợp hiếm với các bác sĩ Việt Nam. Nhiều trường hợp đã được cứu sống một cách ngoạn mục qua mạng.

Ở Việt Nam, chữa bệnh tận châu Âu

Dịch sốt xuất huyết năm 2017, số người bị bệnh ở Hà Nội tăng kỷ lục lên tới 700%, toàn Hà Nội có 31.572 trường hợp, 7 trường hợp tử vong. Đây cũng là nơi có tốc độ tăng số ca bệnh nhanh nhất cả nước.

Ông Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dịch sốt xuất huyết năm 2017 là dịch lớn nhất trong 10 năm trở lại đây và dịch kéo dài nhất khiến các nhân viên y tế cũng cảm thấy mệt mỏi.

Ông Cường không nhớ ngày làm việc đó là ngày nào nhưng đợt đó Hà Nội cũng đang quá tải vì dịch sốt xuất huyết.Khoảng 5 - 6 giờ chiều, ông nhận được cuộc điện thoại cầu cứu của một đồng nghiệp đang ở bên Bỉ và có triệu chứng của sốt xuất huyết, nôn ra máu, đi ngoài phân đen.Họ lo lắng, tưởng chết ở xứ người vì các bác sĩ bên Bỉ chưa có kinh nghiệm điều trị bệnh này.

Đó là trường hợp của chị Nguyễn Hương Giang (công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương) đưa con ra nước ngoài học tập. Đến Bỉ thì cả hai mẹ con chị bị sốt cao và được đưa vào một bệnh viện để điều trị. Là bác sĩ, lại đến từ tâm dịch sốt xuất huyết với đủ các triệu chứng của sốt xuất huyết, chị Giang đã thông tin cho bác sĩ tại Bỉ khả năng chị bị sốt xuất huyết, nhưng bệnh viện chị Giang điều trị vẫn phải gửi mẫu xét nghiệm đi nơi khác để khẳng định và phải đợi 4 ngày sau mới có kết quả.

Khi đó, tiểu cầu của chị Giang giảm mạnh, chị nôn ra cả ca máu. Con chị không bị xuất huyết tiêu hóa nhưng men gan tăng rất cao. Chị Giang nghĩ chắc hai mẹ con không qua khỏi vì sốt xuất huyết biến chứng xuất huyết tiêu hóa vốn đã nguy hiểm lại còn đang ở xứ “lạnh”. Ngay lúc ấy, chị Giang nghĩ ra các bác sĩ ở Việt Nam và qua mạng xã hội chị xin số điện thoại của bác sĩ Cường - chuyên gia về truyền nhiễm.Chị xin ý kiến bác sĩ ở Bỉ được hội chẩn với bác sĩ Việt Nam vì họ có kinh nghiệm trong điều trị bệnh hơn.

Qua viber, chị Giang đã “cầu cứu” ông Cường. Với đầy đủ các chỉ số và triệu chứng mà chị Giang cung cấp, ông Cường chẩn đoán sốt xuất huyết biến chứng chảy máu tiêu hóa.

Ông Cường hội chẩn với đồng nghiệp tại Bỉ qua Viber và đề nghị cấy máu. Hàng ngày, ông Cường theo dõi bệnh nhân qua mạng, gửi các phác đồ điều trị cho các bác sĩ ở Bỉ và họ lại gửi các kết quả xét nghiệm, quá trình điều trị cho ông Cường.

Bằng nỗ lực của ông Cường cũng như các đồng nghiệp ở Bỉ, sau 1 tuần điều trị, sức khỏe mẹ con chị Giang đã ổn định và sau đó chị về nước an toàn.

Ông Đỗ Duy Cường chăm sóc bệnh nhân.

Nhiều trường hợp thoát chết

Ông Cường cho biết, việc hội chẩn từ xa đã được áp dụng trong ngành y nhưng với trường hợp của chị Giang, có thể thấy mạng xã hội đã kết nối nhanh chóng trên toàn cầu.Việc hội chẩn như thế tạo điều kiện cho các bác sĩ có thêm kinh nghiệm trong làm việc.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, từ khi dùng Facebook, anh đã nhận được nhiều tin nhắn “cầu cứu” của đồng nghiệp dù họ chưa gặp mặt bao giờ.

Bác sĩ Hải nhớ nhất là trường hợp vào sáng sớm một ngày trực, anh nhận được tin nhắn Facebook của một bác sĩ Nhi của Bệnh viện Việt Nam - Cuba (Đồng Hới, Quảng Bình) về một ca sơ sinh phức tạp, muốn xin số bác sĩ hội chẩn.

Bác sĩ Hải lập tức cho số điện thoại đồng nghiệp kia và qua mạng xã hội họ gửi phim Xquang của cháu bé cộng thêm nhiều xét nghiệm lâm sàng. Qua chẩn đoán ban đầu, bác sĩ Hải nghi ngờ nhiều đến khả năng về một bệnh tim bẩm sinh có tuần hoàn phổi phụ thuộc ống động mạch… Đây là bệnh lý nguy hiểm, do đó bác sĩ Hải yêu cầu chuyển bệnh nhi về Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng, đồng thời các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương lập tức vào Đà Nẵng. Sau 4 tiếng can thiệp tim mạch, bệnh nhi được cứu sống.

Thạc sĩ Lê Việt Khánh, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Việt Đức chia sẻ, việc hội chẩn qua mạng được bệnh viện thực hiện thường xuyên, nhờ thế đã cứu được rất nhiều ca bệnh nặng ở tuyến dưới. “Từ năm 2003, trước tình trạng quá tải bệnh viện, Bệnh viện Việt Đức đã xây dựng hệ thống phòng mổ trực tuyến kết nối ban đầu với 6 bệnh viện.Đến nay, hệ thống này đã kết nối với 18 phòng mổ ở các bệnh viện khác.Nhờ vậy, nhiều bệnh nhân ở xa được cấp cứu kịp thời, giảm tải cho tuyến Trung ương và nâng cao tay nghề cho các bác sĩ tuyến dưới”, ông Khánh cho biết.

Theo ICT News

http://ictnews.vn/internet/xa-hoi/bac-si-bat-benh-qua-mang-xa-hoi-164573.ict