Ba chàng trai và công nghệ chatbot thu hút 1 triệu người sử dụng

Đức, Huy và Thiện là những kỹ sư khoa học máy tính trẻ, có chung đam mê công nghệ và khởi nghiệp. Họ đã cùng bắt tay để phát triển công nghệ chatbot hay còn gọi là trợ lý ảo có tên là Sumi (m.me/saysumi), ứng dụng trên nền tảng Messenger của Facebook.
Các kỹ sư máy tính trẻ Đức, Huy và Thiện trong một sự kiện công nghệ. Ảnh: VGP/Thế Phong
Các kỹ sư máy tính trẻ Đức, Huy và Thiện trong một sự kiện công nghệ. Ảnh: VGP/Thế Phong

Sản phẩm này thu hút hơn 1 triệu người sử dụng và đã nhận được vốn đầu tư thiên thần dành cho khởi nghiệp, được Facebook chọn vào chương trình tăng tốc khởi nghiệp, Microsoft chọn vào chương trình Bizspark Plus.

Nguyễn Văn Minh Đức (26 tuổi), Phạm Quốc Huy (26 tuổi) và Dương Văn Phước Thiện (25 tuổi), từng học chung tại Đại học Sư phạm Đà Nẵng, ngành tin học.

Đức chia sẻ, lúc còn ngồi ở ghế giảng đường, cả 3 bạn đều rất đam mê công nghệ thông tin nên đã làm chung nhiều dự án, sản phẩm công nghệ. Sau khi ra trường mỗi bạn đi làm một nơi, có cơ hội trải nghiệm thực tế tại các công ty, tập đoàn công nghệ lớn. Đầu năm 2016, khi xã hội đang hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là sau khi Chính phủ và chính quyền TP. Đà Nẵng có nhiều chính sách khuyến khích phát triển "start-up", Minh Đức cùng hai bạn nhận thấy cơ hội khởi nghiệp đến.

“Chatbot” hay “Trợ lý ảo” hay “Hệ thống trả lời tự động” là những thuật ngữ mô tả cùng một nhóm công nghệ về trí tuệ nhân tạo cho phép máy tính giao tiếp với con người. Cụ thể, người dùng đưa ra các yêu cầu dưới dạng lời nói hoặc gõ chữ và chương trình chatbot sẽ đáp lại một cách tương xứng và tự nhiên nhất có thể. Ngày nay, các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft, Amazon, Google và gần đây là Facebook đều rất quan tâm và tích cực đầu tư, phát triển các nền tảng công nghệ chatbot của riêng mình với những mục tiêu khác nhau.
Minh Đức nhớ lại: "Trong một lần xem hội nghị của các nhà phát triển Microsoft, CEO của Microsoft cho biết chatbot là một kiểu ứng dụng mới kết hợp trí thông minh nhân tạo, là cách mạng về hành vi của người dùng điện thoại. Với sự hiếu kỳ, máu đam mê công nghệ thì chúng mình không thể bỏ qua lời giới thiệu hấp dẫn đó được. Từ đó, chúng mình đã cùng ngồi lại trở thành một nhóm rất “ăn ý” để nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo, ứng dụng vào trong chatbot".
Trong quá trình phát triển, nhóm của Minh Đức đã tạo ra chatbot khá nổi tiếng tên là Sumi. Tháng 1/2016, Sumi được giới thiệu trên skype của Microsoft và tháng 4/2016 Sumi tiếp tục được giới thiệu trên Messenger sau khi Facebook cập nhập công nghệ chatbot tại Hội nghị F8 2016.  Qua Facebook, số lượng người dùng ứng dụng tăng rất mạnh và đến nay thu hút hơn 1 triệu người, đa số các bạn trẻ sử dụng.

Với thành công bước đầu từ Sumi, nhiều người sử dụng ứng dụng này đặt câu hỏi với nhóm: Làm sao để tạo ra chatbot như Sumi? Làm sao để Sumi thu hút được nhiều giới trẻ tham gia như vậy?

Đức chia sẻ: "Lúc đó chúng mình suy nghĩ làm sao để tất cả mọi người có thể tiếp cận được trí thông minh nhân tạo, có thể tạo được chatbot riêng cho mình". Từ đó nhóm tiếp tục phát triển tạo ra một nền tảng tên là hekate (http:hekate.ai). Sản phẩm công nghệ này được ươm tạo tại Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng.

Nền tảng hekate giúp mọi người tạo ra nhiều chatbot như Sumi ứng dụng vào nhu cầu thực tiễn mà không cần có nhiều kiến thức lập trình. Trên nền tảng hekate, người dùng có thể tạo ra chatbot phục vụ cho lĩnh vực, sự kiện mình cần, sau đó huấn luyện và nhúng vào nền tảng Messenger để sử dụng. Giao tiếp với nhiều người, chatbot sẽ càng thông minh hơn.

Tháng 3/2017, hekate được chọn vào chương trình tăng tốc khởi nghiệp của Facebook và được tài trợ 80.000 USD để phát triển. Bên cạnh đó, sản phẩm của nhóm còn nhận được vốn đầu tư thiên thần dành cho khởi nghiệp và được Microsoft tài trợ 120.000 USD hỗ trợ phát triển về hạ tầng dữ liệu.

Minh Đức cho biết, chatbot có rất nhiều lợi ích và trở thành xu hướng công nghệ thế giới, bởi nó mang lại khả năng tự động hóa, có thể giúp con người chăm sóc và tự động trả lời khách hàng với số lượng lớn, đặc biệt là ứng dụng vào bán hàng trực tuyến, thương mại điện tử, giới thiệu mặt hàng, chốt đơn hàng, hoặc có thể ứng dụng vào truyền thông, giáo dục, dự báo thời tiết…

Ngoài các lĩnh vực trên, công nghệ chatbot còn có thể ứng dụng vào hoạt động chính quyền điện tử để tăng cường tương tác giữa chính quyền với người dân.

Tại Đà Nẵng, chính quyền Thành phố rất quan tâm và tạo điều kiện cho nhóm của Minh Đức đẩy nhanh phát triển công nghệ chatbot. Hiện, nhóm đã hoàn thành và trình UBND TP. Đà Nẵng đề án ứng dụng công nghệ chatbot vào chính quyền điện tử nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến với du khách. Kênh thử nghiệm là trên nền tảng giao tiếp Messenger của Facebook.

Phạm vi ứng dụng của chatbot rộng nhưng trước mắt nhóm đề xuất thử nghiệm ứng dụng chatbot vào lĩnh vực du lịch nhằm giảm tải cho các Trung tâm hỗ trợ du khách, phục vụ tốt hơn đối với người dân và du khách các thông tin cập nhật về Đà Nẵng như sự kiện, đi lại, lưu trú, địa danh, tìm kiếm nhà hàng…

Ngoài ra, nhóm khởi tạo thêm các chatbot khác phục vụ sự kiện như Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng 2017-SURF, chatbot phục vụ cho một số nhà hàng hay chatbot quảng bá hình ảnh Đà Nẵng tại APEC 2017.

Với sản phẩm của mình, nhóm của Minh Đức hy vọng sẽ là một sự khởi đầu cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Đà Nẵng. Các chatbot được tạo ra từ nền tảng hekate là hoàn toàn miễn phí, vì vậy các kỹ sư trẻ này mong muốn nó sẽ được ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng. Mục tiêu của nhóm là dẫn đầu thị trường Việt Nam về công nghệ tạo chatbot, cũng như hướng đến thị trường khu vực Đông Nam Á.

Theo VGP
http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Ba-chang-trai-va-cong-nghe-chatbot-thu-hut-1-trieu-nguoi-su-dung/307085.vgp